CÓ AI YÊU THƯƠNG HỌ ĐÂU?
(HOẶC: NẾU PHẢI GÓP Ý CHO BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC …)
Sài Gòn, những ngày oi bức đầu tháng năm của một mùa nắng
kéo dài, hay một mùa mưa đến muộn.
Không khí như đặc lại với sự bức bối của thảm họa môi trường
biển ở miền Trung kéo dài nhiều ngày mà vẫn không rõ nguyên nhân (?)…. Và sự phẫn
nộ của người dân, thể hiện qua những bài viết, những chia sẻ trên mạng xã hội
và mấy đợt biểu tình phản đối liên tục, bất chấp sự canh giữ, bắt bớ, đàn áp của
chính quyền.
Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi chọn đọc bức thư của cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền gửi tân bộ
trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo[1].
Bức thư ấy đã xuất hiện và làm khuấy động dư luận vài ngày nay rồi, nhưng chỉ
khi nghe được tin ông Bộ trưởng có gọi điện để trao đổi với tác giả bức thư thì
tôi mới bỏ thời gian đọc kỹ toàn văn.
Tôi muốn biết cô giáo Hiền đã gửi đến ông Bộ trưởng những giải
pháp gì để cải thiện nền giáo dục Việt Nam. Với tôi, những gì cần nói thì đã được
nói cả rồi, và nền giáo dục của Việt Nam giống như một người mắc bệnh ung thư
đã di căn đến tận xương, không còn thuốc chữa.
Những gì cô giáo Hiền viết trong thư hầu như không mới; nhiều
người khác trước cô đã nói rồi. Trong 8 điểm nhắn gửi Bộ trưởng, cô giáo Hiền
đưa ra những nhận định về hiện trạng không lấy gì làm sáng sủa của nền giáo dục
Việt Nam, và đưa ra một vài đề xuất cải thiện. Như giảm tải và cải tổ chương
trình, đổi mới cơ chế quản lý, trọng dụng người tài, đãi ngộ giáo viên vùng khó
khăn ….
Sự đồng cảm dành cho bức thư có lẽ không nằm ở chỗ cô đã viết
gì, mà chủ yếu là đã viết như thế nào. Lời lẽ của bức thư cho thấy cô là một
người thẳng thắn, cương trực, hết lòng trăn trở với nghề, và có đủ dũng khí để
nói lên sự thực.
Sự thẳng thắn của cô được bộc lộ rõ nhất ở nhận định rằng chương
trình đại học hiện nay đang có đến 30% các môn học vô bổ, cần thay thế bằng các
môn học có ích hơn. Rất thẳng thừng, “cái xẻng thì gọi là cái xẻng”, như trong
tiếng Anh người ta thường nói.
Cho dù rất thẳng nhưng tác giả của bức thư cũng vô cùng cẩn
thận. Cô không nêu tên môn học nào cần thay thế. Cô nói rất rõ rằng những môn học
vô bổ khuyết danh này (môn nào nhỉ?) cần được thay bằng các môn học “chuyên
ngành”. Những giải pháp cô đưa ra đều là những giải pháp mang tính kỹ trị - vốn
bao giờ cũng an toàn – nhằm góp phần giải quyết những vấn đề mà ai cũng biết rõ
nhưng suốt bao năm vẫn cứ dai dẳng tồn tại mãi.
Bức thư của cô kết thúc bằng những lời than thở về hệ lụy của
việc xem nhẹ giáo dục đạo đức cho người trẻ. Không rõ ý tứ của tác giả, nhưng tôi
cảm nhận rằng dường như chính cô cũng thấy những giải pháp kỹ trị do cô đề xuất
trong bức thư vẫn không thể giải quyết được những “hệ lụy” của nền giáo dục mà
cô vừa nêu ra ở cuối thư.
Phải làm gì? Câu hỏi ấy ám ảnh tôi và theo tôi đi vào giấc ngủ.
Tôi nghĩ đến các sinh viên của tôi, những
thanh niên nam nữ ở lứa tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Đa số các em thuộc
gia đình trung lưu, đủ ăn đủ mặc, nói năng khá lễ phép, có ý thức chăm chỉ học
hành để không phụ lòng cha mẹ và tìm kiếm cho chính mình sự thành công trong
tương lai. Nhưng rõ ràng trong các em còn thiếu một cái gì đó mà tôi không gọi
tên ra được. Thiếu sức sống tinh thần? Thiếu lòng tin vào con người, vào một xã
hội với những điều thiện ích? Tôi không thấy được ở họ lòng nhiệt thành, những hoài
bão lớn lao, hoặc ước muốn ngây thơ là tạo ra một thế giới hoàn hảo cho mọi người,
như hầu hết người trẻ ở mọi nơi qua mọi thời đại.
Những thanh niên ấy dường như không còn tính người nữa. Nếu
phải đối mặt với họ, bị họ hành hung như những người biểu tình kia, thì liệu
tôi có thể yêu thương họ như lời Chúa dạy hay không? Chắc là khó lắm.
Buổi sáng. Với câu hỏi của hôm trước vẫn còn ám ảnh, tôi bước
vào nhà sách để mua một ít văn phòng phẩm và chú ý đến một tựa sách khá đặc biệt,
nằm lọt giữa những cuốn sách dạy làm giàu, dạy quản lý tài chính cá nhân, dạy
thành công ở nơi làm việc vv. Tựa sách ấy là “Sức mạnh của trí tuệ tâm linh”, bản
dịch của cuốn The power of spiritual intelligence của Tony Buzan, tác giả của một
loạt những cuốn sách “học làm người” (self-help) bán khá chạy ở các nước phương
Tây.
Không xa lạ gì với loại sách nói trên, tôi cầm cuốn sách
lên, lật ra hờ hững đọc vài trang. Và bất ngờ tìm thấy một đoạn rất phù hợp với
bối cảnh mà tôi đang sống, trong Chương 4 về Lòng trắc ẩn:
Trắc ẩn là bày tỏ thái
độ cảm thông và quan tâm đến người khác bằng suy nghĩ cũng như hành động. Trắc ẩn
còn là đón nhận người khác với tình yêu thương và tôn trọng.
Eureka! Tôi đã tìm thấy.
Có phải cái thiếu trong các sinh viên của tôi, và trong các anh,
các em, các cháu thuộc lực lượng Thanh niên Xung phong đã hành hung người biểu
tình ngày 8/5, chính là lòng trắc ẩn như trong định nghĩa ở trên?
Tôi nhớ đến truyện ngắn Chảy
đi sông ơi của Nguyễn Huy Thiệp với nhân vật chị Thắm, cô lái đò cả đời cứu
người chết đuối ở khúc sông dữ, nhưng đến cuối đời chính mình lại bị chết đuối
mà không ai cứu. Nhân vật xưng “tôi” trong câu truyện xuýt chết đuối ở khúc
sông dữ và được chị Thắm cứu lên. Khi tỉnh dậy, cậu ta thốt lên lời than trách:
“Bọn đánh cá đêm ác lắm chị ạ. Họ thấy em
kêu cứu mà cứ lờ đi”.
Nhưng chị Thắm gạt đi và nói: “Đừng trách họ thế. Có ai yêu thương họ đâu ….”
Có ai yêu thương họ đâu! Những lời lẽ lay động tâm can ấy giống
như một ngọn nến vừa được thắp lên trong đêm tối.
Những người thanh niên hành hung người biểu tình ấy, họ ác
vì chưa từng được yêu thương. Những sinh viên trẻ của tôi, họ thiếu lòng tin
vào con người vì họ lớn lên trong một xã hội thiếu lòng trắc ẩn. Hay có thể nói
là thiếu “lòng Chúa thương xót”, theo ngôn ngữ của một Ki-tô hữu như tôi.
Mà năm nay là Năm Thánh của Lòng thương xót!
Giờ thì tôi đã biết tôi sẽ nói gì nếu phải đưa ra một lời
góp ý cho ông Bộ trưởng về những giải pháp cho nền giáo dục của Việt Nam hiện
nay rồi.
Hãy loại bỏ những môn học vô bổ, những lý thuyết Mác – Lê với
đấu tranh giai cấp, những tác phẩm văn học ca ngợi hận thù.
Hãy đưa thêm vào chương trình chỉ một nội dung mới mà thôi:
Môn học về Lòng trắc ẩn.
******************
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.