Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Bài đã đăng trên Sài Gòn Nhỏ, link đây: http://saigonnho.info/2016/07/06/bao-gio-cho-den-ngay-xua/
---------------
Bao giờ cho đến ngày xưa?
Phương Anh

Có một mục trên báo Tuổi Trẻ mà tôi rất ít khi đọc, đó là mục “Bạn đọc”. Mục này không có chủ đề cố định, vì đây là khoảnh đất dành cho bạn đọc viết về bất kỳ vấn đề nào mà người viết quan tâm. Nhưng hôm nay thì tôi đọc, và không chỉ đọc bài viết, mà còn đọc cả những phần bình luận bên dưới nữa.

Đọc đi đọc lại với tâm trạng dạt dào cảm xúc, và cả một trời ký ức ùa về.

Tác giả bài viết tôi vừa nhắc ở trên có lẽ là một thầy giáo, ký tên là Trần Văn Tám, Trường trung học Trung Lập Hạ, Củ Chi. Bài viết thuật lại những gì tác giả vừa chứng kiến ở cổng một trường tiểu học. Có một đám tang đi ngang trường, kèn trống inh ỏi; các vị phụ huynh đang chờ đón con trước cổng trường tò mò nhìn theo và bàn tán khen chê về những bản nhạc đang được chơi trong đám tang. Riêng chỉ có một người đàn ông tuổi trên 50 bước xuống xe, gỡ nón bảo hiểm đang đội xuống cầm trên tay, đứng thẳng lưng, đầu hơi cúi và cứ giữ tư thế nghiêm trang ấy để chờ cho đến khi chiếc xe tang đi qua hẳn rồi mới gọi đứa cháu để lên xe đi về.

Quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ?”, người đứng bên cạnh thấy lạ bèn hỏi ông như vậy. Câu hỏi ấy được tác giả đưa lên làm tựa của bài viết, và chính nó đã làm tôi chú ý đến bài viết này[1]. Bởi vừa đọc xong cái tựa là trong tai tôi ngay lập tức vang lên âm điệu của mấy câu mà tôi đã học thuộc lòng thời tiểu học: “Khi gặp đám tang, phải ngả mũ chào; gặp đám đánh nhau, ta nên tránh xa.

Tôi cũng nhớ đến một bài tập đọc trích từ cuốn “Tâm hồn cao thượng” rất nổi tiếng thời ấy. Đó là một cuốn truyện dịch do dịch giả Hà Mai Anh thực hiện. Cuốn truyện được viết dưới dạng nhật ký ghi lại những gì xảy ra hàng ngày với nhân vật chính là một cậu học trò 10 tuổi có tên trong bản dịch tiếng Việt là An Di. Trong mẩu truyện có tựa là “Đi ngoài phố”, cha của cậu An Di đã dạy con cách xử sự khi ra ngoài phố, trong đó có lời dặn nếu gặp đám tang hãy ngưng cười nói mà “ngả mũ chào vì ngày mai biết đâu nhà con cũng có người tạ thế.” Mỗi mẩu truyện trong cuốn sách ấy đều chứa một bài học đạo đức được lồng trong những tình huống sống động với những con người chân thật cùng cách ứng xử đầy lòng vị tha và nhân ái, được chuyển ngữ sang một thứ tiếng Việt giản dị và vô cùng trong sáng.

Bất cứ ai đã từng lớn lên và đi học dưới thời Việt Nam Cộng hòa đều không thể không biết đến cuốn sách này. Bao thế hệ trẻ con đã đọc những mẩu truyện dễ thương và cảm động trong cuốn “Tâm hồn cao thượng” ấy, rồi họ lớn lên và trở thành những con người có tình thầy trò, biết ơn cha mẹ, biết cảm thông và chia sẻ với những người nghèo khổ, có tâm hồn hướng thượng và sự khoan dung.  

Nói vắn tắt, họ đã được dạy dỗ để trở thành những con người “có học”. Vâng, một người “có học” không thể chỉ là một người đọc nhiều biết rộng, mà trước hết phải là một người có nhân cách. Cái nhân cách ấy cứ tự nhiên toát ra từ mỗi cử chỉ của họ dù rất nhỏ, như nhường chỗ trên xe buýt cho người lớn tuổi, giúp người già hoặc trẻ em đi sang đường, giữ trật tự và vệ sinh nơi công cộng, ngả mũ đứng nghiêm khi nghe tiếng quốc ca, quốc thiều, kể cả khi đang ở ngoài đường phố vv.

Hoặc ngả mũ cúi chào tiễn người đã khuất, như người đàn ông trong bài viết của bạn đọc trên báo Tuổi Trẻ hôm nay. Khi được hỏi có quen hay không mà chào, ông đã đáp rằng mình không hề quen biết nguời đã khuất, nhưng vì “Thời tôi đi học, thầy cô thường nhắc nhở học sinh phải biết kính trọng và lễ phép với người già, người lớn tuổi, biết thương yêu giúp đỡ các em nhỏ tuổi hơn mình, trên đường đi khi gặp người lớn hơn mình phải biết khoanh tay cúi đầu chào, khi gặp đám tang đi ngang phải biết ngả mũ cúi đầu chào người quá cố để tiễn đưa họ... Chính vì vậy mà các việc ấy bây giờ trở thành thói quen với tôi, mà thói quen thì không bao giờ quên được, việc tôi làm chỉ xem là phản xạ tự nhiên từ nhỏ cho đến bây giờ”.

Tính chân thực của lời phát biểu nói trên có thể kiểm chứng được ngay. Trong phần nhận xét ở cuối bài viết có rất nhiều lời đồng tình và xác nhận. Như trong nhận xét của một người ký tên Nguyễn Phước: “Khi còn học lớp Nhứt năm 1959, cô giáo đã dạy tôi bài học nầy. Từ đó đến ngày hôm nay, mỗi lần gặp đáng tang trên đường phố, tôi cúi đầu chào dù đang đi trên xe 2 bánh hoặc 4 bánh. Cho đến bây giờ tôi vẫn âm thầm làm việc nầy và không hề nói cho ai biết lý do.”

Hoặc của một người khác ký tên là Cao Hoàng Triều: “Ngày xưa ở nền giáo dục cũ, trong môn giáo dục công dân tiểu học có dạy học sinh những nghĩa cử lễ phép, lịch sự... như thế. Cụ thể trong cuốn sách công dân "Gia đình ông Bá bà Bá" tôi còn nhớ lúc đi trên đường ông Bá thấy đám tang đi ngang qua, ông bảo hai con Nguyệt và Thu gở [sic] nón xuống, 3 cha con cùng cuối [sic] đầu chào vĩnh biệt người quá cố. Giáo dục bây giờ ít thấy để ý những chuyện nhỏ này.”

Giáo dục bây giờ ít thấy để ý những chuyện nhỏ này” cũng là ý của tác giả bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Bài viết kết thúc với mong ước của tác giả rằng những bài học đạo đức tương tự như vậy được dạy trong trường để đứa trẻ có thể hình thành thói quen tốt trong cuộc sống. Tôi bỗng nhớ đến một môn học thời tiểu học có tên là “Em tập tính tốt”, hình như học từ lớp Năm đến lớp Ba (bây giờ là lớp Một đến lớp Ba). Mỗi bài học là một mẩu truyện tranh nho nhỏ với lời thoại dễ thương. Bài Thương yêu học trò: Nam không có vở./ Thầy cho Nam một cuốn./ Nam nói: “Em cám ơn thầy.” Bài Yêu mến thầy: Thầy đau./ Lạc và các bạn đến thăm thầy./ Thầy vừa hết bệnh./ Lạc và các bạn không làm ồn để thầy khỏi mệt. Đơn sơ đến ngô nghê, thế mà tôi vẫn nhớ sau đúng nửa thế kỷ.

Còn thời nay? Nhìn đâu cũng có thể thấy những mẩu tin như thế này: Học sinh thuê côn đồ chặn đường đánh thầy giáo nhập viện[2]; Nam sinh lớp 9 đâm chết bạn vì mâu thuẫn tình cảm[3]; Nữ sinh bị đánh hội đồng lột nội y tàn nhẫn trong lớp học[4]. Những mẩu tin như vậy làm cho tôi, bà giáo già vừa về hưu sau khi đã trải hết cuộc đời làm việc của mình trong cuộc chiến đấu không cân sức nhằm chống lại sự tụt dốc về đạo đức trong xã hội, ngày càng nhận thức rõ nỗi cô đơn và bất lực đến tuyệt vọng của mình trong cuộc chiến ấy.

Bất giác, tôi thấy mình hít sâu rồi thở ra một hơi dài hiu hắt, và buông nhẹ:

Bao giờ cho đến ngày xưa?

2 nhận xét:

  1. Xin nói thêm một chút về quyển “Tâm hồn cao thượng” với mong muốn các bạn đọc, nhất là sinh viên học sinh, sẽ tìm đọc quyển sách này.
    Bản tiếng Việt do dịch giả Hà Mai Anh dịch từ bản tiếng Pháp Grands Cœurs ( là bản dịch từ nguyên tác Cuore của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis). Đây là quyển sách quen thuộc của học sinh miền Nam trước 1975. Hiện không mua được sách in, nhưng có thể đọc online. ( như bản trên link này http://giaocam.saigonline.com/HTML/H/VSHaMaiAnh/HaMaiAnhTDTamHonCaoThuongLesGrandsCoeursTGEdmondDeAmicis.pdf; bản này hình như có được “hiệu đính” theo thói quen mỗi khi xuất bản lại sách trước 75; người viết “còm’ này không còn bản trước 75 để so sánh, nhưng đọc qua bài 1, thấy tên nhân vật chính được phiên âm theo nguyên tác là Enricô thay vì An Di như trong bản Hà Mai Anh.
    Sau 75, và hiện có bán ở hiệu sách, có bản dịch của Hoàng Thiếu Sơn: “Những tấm lòng cao cả”; cũng có thể đọc trên mạng ( vào Google, đánh tên sách).
    Ngoài ra tại miền Nam, vào thập niên 1950, phỏng theo Grands Cœurs, nhà giáo Cao Văn Thái viết “ Dưới mái học đường”, lấy bối cảnh VN với các nhân vật là học sinh lớp Nhất ( lớp Năm bây giờ).
    http://www.timsach.com.vn/docsachxua_flash.php?MagID=603&MagNo=2467&sxcid=16

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. quyển “ Dưới mái học đường”, vào link trên không được, có lẽ phải vào link này:
      http://timsach.com.vn/viewSACHXUA16_603_Duoi_mai_hoc_duong.html

      Xóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.