Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

Có ai yêu thương họ đâu?

CÓ AI YÊU THƯƠNG HỌ ĐÂU?
(HOẶC: NẾU PHẢI GÓP Ý CHO BỘ TRƯỞNG GIÁO DỤC …)

Sài Gòn, những ngày oi bức đầu tháng năm của một mùa nắng kéo dài, hay một mùa mưa đến muộn.

Không khí như đặc lại với sự bức bối của thảm họa môi trường biển ở miền Trung kéo dài nhiều ngày mà vẫn không rõ nguyên nhân (?)…. Và sự phẫn nộ của người dân, thể hiện qua những bài viết, những chia sẻ trên mạng xã hội và mấy đợt biểu tình phản đối liên tục, bất chấp sự canh giữ, bắt bớ, đàn áp của chính quyền.

Buổi tối, trước khi đi ngủ, tôi chọn đọc bức  thư của cô giáo Hoàng Thị Thu Hiền gửi tân bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo[1]. Bức thư ấy đã xuất hiện và làm khuấy động dư luận vài ngày nay rồi, nhưng chỉ khi nghe được tin ông Bộ trưởng có gọi điện để trao đổi với tác giả bức thư thì tôi mới bỏ thời gian đọc kỹ toàn văn.

Tôi muốn biết cô giáo Hiền đã gửi đến ông Bộ trưởng những giải pháp gì để cải thiện nền giáo dục Việt Nam. Với tôi, những gì cần nói thì đã được nói cả rồi, và nền giáo dục của Việt Nam giống như một người mắc bệnh ung thư đã di căn đến tận xương, không còn thuốc chữa.

Những gì cô giáo Hiền viết trong thư hầu như không mới; nhiều người khác trước cô đã nói rồi. Trong 8 điểm nhắn gửi Bộ trưởng, cô giáo Hiền đưa ra những nhận định về hiện trạng không lấy gì làm sáng sủa của nền giáo dục Việt Nam, và đưa ra một vài đề xuất cải thiện. Như giảm tải và cải tổ chương trình, đổi mới cơ chế quản lý, trọng dụng người tài, đãi ngộ giáo viên vùng khó khăn ….
Sự đồng cảm dành cho bức thư có lẽ không nằm ở chỗ cô đã viết gì, mà chủ yếu là đã viết như thế nào. Lời lẽ của bức thư cho thấy cô là một người thẳng thắn, cương trực, hết lòng trăn trở với nghề, và có đủ dũng khí để nói lên sự thực.

Sự thẳng thắn của cô được bộc lộ rõ nhất ở nhận định rằng chương trình đại học hiện nay đang có đến 30% các môn học vô bổ, cần thay thế bằng các môn học có ích hơn. Rất thẳng thừng, “cái xẻng thì gọi là cái xẻng”, như trong tiếng Anh người ta thường nói. 

Cho dù rất thẳng nhưng tác giả của bức thư cũng vô cùng cẩn thận. Cô không nêu tên môn học nào cần thay thế. Cô nói rất rõ rằng những môn học vô bổ khuyết danh này (môn nào nhỉ?) cần được thay bằng các môn học “chuyên ngành”. Những giải pháp cô đưa ra đều là những giải pháp mang tính kỹ trị - vốn bao giờ cũng an toàn – nhằm góp phần giải quyết những vấn đề mà ai cũng biết rõ nhưng suốt bao năm vẫn cứ dai dẳng tồn tại mãi.

Bức thư của cô kết thúc bằng những lời than thở về hệ lụy của việc xem nhẹ giáo dục đạo đức cho người trẻ. Không rõ ý tứ của tác giả, nhưng tôi cảm nhận rằng dường như chính cô cũng thấy những giải pháp kỹ trị do cô đề xuất trong bức thư vẫn không thể giải quyết được những “hệ lụy” của nền giáo dục mà cô vừa nêu ra ở cuối thư.


Phải làm gì? Câu hỏi ấy ám ảnh tôi và theo tôi đi vào giấc ngủ.  Tôi nghĩ đến các sinh viên của tôi, những thanh niên nam nữ ở lứa tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống. Đa số các em thuộc gia đình trung lưu, đủ ăn đủ mặc, nói năng khá lễ phép, có ý thức chăm chỉ học hành để không phụ lòng cha mẹ và tìm kiếm cho chính mình sự thành công trong tương lai. Nhưng rõ ràng trong các em còn thiếu một cái gì đó mà tôi không gọi tên ra được. Thiếu sức sống tinh thần? Thiếu lòng tin vào con người, vào một xã hội với những điều thiện ích? Tôi không thấy được ở họ lòng nhiệt thành, những hoài bão lớn lao, hoặc ước muốn ngây thơ là tạo ra một thế giới hoàn hảo cho mọi người, như hầu hết người trẻ ở mọi nơi qua mọi thời đại.

Tôi nghĩ đến cảnh biểu tình ngày 8/5 vừa qua, dày đặc những người mặc đồng phục xanh lá cây được tin là thuộc lực lượng Thanh niên Xung phong của TP HCM. Những gương mặt trẻ, nhiều người trông khá hiền  lành chẳng khác gì các sinh viên của tôi, cũng với một vẻ thiếu sức sống tinh thần tương tự. Có một vài gương mặt đáng chú ý, sáng sủa, điển trai nhưng với một vẻ hung ác trong từng nét mặt và từng cử chỉ. Tôi nhớ tấm hình chụp cảnh họ giật chiếc nón bảo hiểm ngược về phía sau để sợi dây gài nón thít vào cổ người bị hành hung, cảnh họ kẹp cổ, xách chân, đấm vào mặt người đi biểu tình với một sự hăng hái lạ lùng đáng ghê sợ.

Những thanh niên ấy dường như không còn tính người nữa. Nếu phải đối mặt với họ, bị họ hành hung như những người biểu tình kia, thì liệu tôi có thể yêu thương họ như lời Chúa dạy hay không? Chắc là khó lắm.

Buổi sáng. Với câu hỏi của hôm trước vẫn còn ám ảnh, tôi bước vào nhà sách để mua một ít văn phòng phẩm và chú ý đến một tựa sách khá đặc biệt, nằm lọt giữa những cuốn sách dạy làm giàu, dạy quản lý tài chính cá nhân, dạy thành công ở nơi làm việc vv. Tựa sách ấy là “Sức mạnh của trí tuệ tâm linh”, bản dịch của cuốn The power of spiritual intelligence của Tony Buzan, tác giả của một loạt những cuốn sách “học làm người” (self-help) bán khá chạy ở các nước phương Tây.

Không xa lạ gì với loại sách nói trên, tôi cầm cuốn sách lên, lật ra hờ hững đọc vài trang. Và bất ngờ tìm thấy một đoạn rất phù hợp với bối cảnh mà tôi đang sống, trong Chương 4 về Lòng trắc ẩn: 

Trắc ẩn là bày tỏ thái độ cảm thông và quan tâm đến người khác bằng suy nghĩ cũng như hành động. Trắc ẩn còn là đón nhận người khác với tình yêu thương và tôn trọng.

Eureka! Tôi đã tìm thấy.

Có phải cái thiếu trong các sinh viên của tôi, và trong các anh, các em, các cháu thuộc lực lượng Thanh niên Xung phong đã hành hung người biểu tình ngày 8/5, chính là lòng trắc ẩn như trong định nghĩa ở trên?

Tôi nhớ đến truyện ngắn Chảy đi sông ơi của Nguyễn Huy Thiệp với nhân vật chị Thắm, cô lái đò cả đời cứu người chết đuối ở khúc sông dữ, nhưng đến cuối đời chính mình lại bị chết đuối mà không ai cứu. Nhân vật xưng “tôi” trong câu truyện xuýt chết đuối ở khúc sông dữ và được chị Thắm cứu lên. Khi tỉnh dậy, cậu ta thốt lên lời than trách: “Bọn đánh cá đêm ác lắm chị ạ. Họ thấy em kêu cứu mà cứ lờ đi”.

Nhưng chị Thắm gạt đi và nói: “Đừng trách họ thế. Có ai yêu thương họ đâu ….”

Có ai yêu thương họ đâu! Những lời lẽ lay động tâm can ấy giống như một ngọn nến vừa được thắp lên trong đêm tối.

Những người thanh niên hành hung người biểu tình ấy, họ ác vì chưa từng được yêu thương. Những sinh viên trẻ của tôi, họ thiếu lòng tin vào con người vì họ lớn lên trong một xã hội thiếu lòng trắc ẩn. Hay có thể nói là thiếu “lòng Chúa thương xót”, theo ngôn ngữ của một Ki-tô hữu như tôi.

Mà năm nay là Năm Thánh của Lòng thương xót!

Giờ thì tôi đã biết tôi sẽ nói gì nếu phải đưa ra một lời góp ý cho ông Bộ trưởng về những giải pháp cho nền giáo dục của Việt Nam hiện nay rồi.

Hãy loại bỏ những môn học vô bổ, những lý thuyết Mác – Lê với đấu tranh giai cấp, những tác phẩm văn học ca ngợi hận thù.

Hãy đưa thêm vào chương trình chỉ một nội dung mới mà thôi: Môn học về Lòng trắc ẩn.
******************


Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Tôi đi tìm quê phở

Bài đã đăng trên Sài Gòn Nhỏ với tựa đề là Đi tìm quê phở, ở đây: http://saigonnho.info/2016/07/20/di-tim-que-pho/
--------------
Trong một thời gian rất dài, tôi cứ băn khoăn đi tìm quê phở.
Mọi việc bắt đầu khi tôi được học bổng sang Úc du học vào đầu thập niên 1990. Lúc ấy Việt Nam vừa mới rút hết quân ra khỏi Campuchia và bắt đầu chính sách mở cửa để quan hệ với thế giới. Úc là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên cấp học bổng cho Việt Nam sau năm 1975, và số người được nhận các học bổng này đa số đến từ Hà Nội và một vài tỉnh phía Bắc, còn người từ Sài Gòn và các tỉnh phía Nam rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Thời ấy, những người đi du học còn phải đi theo “đoàn”, có “trưởng đoàn” do Bộ Giáo dục chỉ định, đa số được gửi đến cùng một trường, sống trong cùng một ký túc xá. Trong những đợt nghỉ dài, nhiều người hay bày ra nấu nướng để ăn chung với nhau cho vui, và một trong những món rất hay được nấu là món phở.
Lý do khiến mọi người bày ra nấu nướng tất nhiên là để tiết kiệm, vì tự nấu ăn thì rẻ hơn là ra tiệm rất nhiều. Nhưng riêng với món phở thì còn có một lý do khác, đó là các anh, chị “đầu bếp” vốn là người Hà Nội cho rằng các tiệm phở ở Úc nấu phở … không ra phở, vì “có thể đã phải thay đổi cho hợp với khẩu vị của người Úc, hoặc có thể đó chính là khẩu vị của người Sài Gòn”, các anh chị nấu phở nghiệp dư nhận xét như vậy. Rồi nói thêm, “Phở mà nấu không đúng kiểu thì dở lắm. Bọn mình nấu như thế này cũng chưa đúng hoàn toàn vì không tìm được đủ vị, nhưng chắc vẫn khá hơn mấy tiệm phở ngoài kia.”
Thực ra lúc ấy tôi không thấy những tô phở-tự-nấu kia có gì là đặc biệt ngon cả, và tôi cũng không băn khoăn gì, vì không có ai trong đoàn là người nấu phở chuyên nghiệp. Nhưng tôi cũng hơi chạnh lòng khi thấy mấy người Hà Nội chê phở Sài Gòn nấu không đúng kiểu. Kể từ khi ấy, tôi cảm thấy thắc mắc và bắt đầu đi tìm quê phở, để tìm ra tô phở chuẩn nhất, hoàn hảo nhất mà mỗi người Việt Nam đều có trong đầu (và dường như không ai đồng ý với ai!)
Thoạt đầu, tôi nghĩ ngay đến phở Hà Nội, vốn được nhiều người cho là “tinh hoa của phở Việt”. Phở Hà Nội từ lâu đã đi vào văn học. Ngay từ thời tiền chiến, khi viết về phở Hà Nội trong tập “Hà Nội băm sáu phố phường”, Thạch Lam đã khẳng định: “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon.” Nhưng cái ngon, cái hấp dẫn của phở Hà Nội chỉ được bộc lộ đầy đủ trong tập tùy bút viết cách đây gần 50 năm của nhà văn Bắc di cư Vũ Bằng trong “Miếng ngon Hà Nội” (1).
Vâng, ai mà không thèm, không muốn thưởng thức ngay một tô phở đúng kiểu Hà Nội sau khi đọc những dòng mô tả như thế này:
“Ta tiến lại gần một cửa hàng bán phở, thật là cả một bài trí nên thơ. Qua lần cửa kính ta đã thấy gì? Một bó hành hoa xanh như lá mạ, dăm quả ớt đỏ buộc vào một cái dây, vài miếng thịt bò tươi và mềm, chín có, tái có, sụn có, mỡ gầu có, vè cũng có… Người bán hàng đứng thái bánh, thái thịt luôn tay, thỉnh thoảng lại mở nắp một cái thùng sắt ra để lấy nước dùng chan vào bát. Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu.
Trông mà thèm quá! Nhất là về mùa rét, có gió bấc thổi hiu hiu, mà thấy người ta ăn phở như thế, thì chính mình đứng ở ngoài cũng thấy ấm áp ngon lành. Có ai lại đừng vào ăn cho được…”
“Có ai lại đừng vào ăn cho được”, quả là vậy! Đọc về phở Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng, tôi tự hứa phải ăn phở chính gốc Hà Nội cho bằng được. Và tôi đã làm được điều này vào khoảng cuối thập niên 1990. Khi đến thăm một người bạn ở Hà Nội nhân một chuyến công tác, tôi đã đòi được dẫn đi ăn ăn phở Hà Nội và được đưa đến một nơi được cho là rất nổi tiếng. Vậy mà buồn thay, sau khi ăn xong tôi đã phải cố giả vờ khen ngon để không làm phiền lòng người bạn đã bỏ thời gian và công sức chiều ý tôi.
Lâu quá rồi nên tôi cũng chẳng nhớ quán phở ở chỗ nào nữa, nhưng đối với tôi, tô phở ấy không ngon. Đó là một tô phở lõng bõng, nhiều nước ít bánh, bánh phở mỏng, thịt cũng thái quá mỏng nên không còn mùi vị. Điều duy nhất có vẻ ngon là nước dùng rất trong và nóng, có mùi thơm đặc trưng của gia vị nấu phở, vị ngọt thanh nhưng lại quá nhiều bột ngọt nên có vị lợ đọng lại trong cổ, mất ngon. Điều làm tôi ngạc nhiên lúc ấy là chiếc bàn trống trơn, hầu như không có gì trên mặt bàn ngoài một lọ nước mắm nhỏ gần cạn hết và một đĩa nhỏ với vài miếng chanh, ớt đã khô se mặt vì cắt đã lâu.
Tôi nghĩ có lẽ cùng với tô phở người phục vụ sẽ đem ra những thứ gia vị kèm theo lỉnh kỉnh như ở Sài Gòn, những giá, rau, chanh, ớt, tỏi, tiêu và cả tương đen, tương đỏ nữa chứ. Nhưng không, đây là Hà Nội. Người phục vụ – một phụ nữ khoảng ngoài 30 tuổi – chỉ mang tô phở ra đặt chỏng trơ trên bàn một cách khá lạnh lùng, rồi quày quả bỏ đi, mất hút.
Tôi bỗng thấy mất hết thiện cảm với phở Hà Nội, dù chỉ mới biết nó qua một tô phở đầu tiên. Điều làm tôi thất vọng không hẳn là hương vị của tô phở cho bằng thái độ phục vụ lạnh lùng, thiếu ân cần của quán phở ấy. Sau lần ấy, đã vài lần tôi cố gắng thuyết phục mình phải tìm thêm một vài quán phở khác ở Hà Nội để ăn mới có thể kết luận chính xác được, nhưng cứ nhớ đến tô phở đầu tiên ở Hà Nội là tôi lại hết cả hứng. Biết làm sao được, tình cảm là tình cảm, cơ hội để tôi yêu phở Hà Nội đã vuột mất rồi!
Phở Hà Nội làm tôi thất vọng, nhưng phở như một món quốc hồn quốc túy của Việt Nam thì không. Tiếp tục đọc về phở, tôi tìm ra những bài viết nói rằng xuất xứ của phở là từ Nam Định, mà cụ thể là từ huyện Nam Trực (2) nữa chứ. Quá bất ngờ, vì đây chính là quê cha đất tổ của tôi. Thậm chí, lúc ấy tôi vẫn còn một người cô ruột sống cùng gia đình ở ngay huyện Nam Trực trên mảnh đất mà ông bà nội tôi để lại (cô tôi giờ đã mất). Những người con khác trong gia đình của ông nội tôi, trong đó có bố tôi, đã di cư vào Nam cả. Vâng, tôi là Bắc kỳ 54.
Vậy là thế nào tôi cũng phải ăn phở Nam Định rồi. Và dịp may đã đến. Năm ấy, tôi có dịp đi công tác ở Hải Phòng, và ghé qua Nam Định thăm cô chú tôi. Ngay buổi sáng đầu tiên tôi ở Nam Định, chú tôi (chồng của cô em ruột của bố tôi) đã dẫn tôi ra tiệm phở ở đầu phố mà chú bảo là ngon nhất Nam Định – “Nam Định đệ nhất phở gia”, chú đùa thế. Và chú khẳng định: Nhiều người nghĩ phở thì phải là Hà Nội mới ngon, nhưng thật ra phở Nam Định mới là chính gốc, là “chuẩn”, là đúng kiểu. Những nơi khác nấu thì đã pha trộn mất gốc hết rồi (!).
Tô phở Nam Định có gì đặc sắc? Có thể tôi đã không công bằng với Hà Nội chăng, vì tôi thấy phở Nam Định quả có ngon hơn. Tô phở đầy đặn, sợi bánh thái to bản hơn phở Hà Nội và miếng thịt cũng dày dặn hơn. Nước dùng cũng có mùi thơm đặc trưng như phở ở Hà Nội, có lẽ hơi đậm mùi hơn và có màu nâu nhạt chứ không trong veo như phở Hà Nội. Khi nếm có vị đậm đà, thoáng một chút chua, nhưng không thấy vị của bột ngọt. Chú tôi bảo, ở đây người ta nêm bằng nước mắm ngon cho nên phở có vị đậm đà riêng như thế. Đặc biệt, tô phở không chỉ có hành ngò thái nhỏ mà còn có một cọng hành trần (tức hành còn nguyên nhánh được nhúng vào nồi nước sôi rồi vớt ra), và được rắc nhiều tiêu trên mặt.
Quán phở nhỏ, lại nằm ở phố huyện của một tỉnh nhỏ, mọi người đều biết nhau, nên cậu phục vụ bàn – một thanh niên khoảng 18-20 tuổi – có một vẻ thân thiện rất dễ mến. Bưng tô phở ra đặt xuống bàn xong, cậu mỉm cười khẽ gật đầu chào mọi người và quay sang nói với chú tôi Lâu quá không thấy chú ghé tiệm nhà cháu, đứng lại một chút nghe chú tôi trả lời, rồi mới rời đi sang bàn khác. Nhìn chung, cảm nhận của tôi về tô phở khá tốt, đậm đà, hơi thô thô một chút nhưng nó mang cho ta một cảm giác chân thật ấm áp. Nhưng vẫn còn chút gì đó thiếu thiếu. Đúng rồi, vẫn không có rau, giá, tương đỏ, tương đen. Nhưng không chỉ có thế, mà dường như vẫn còn một chút gì nữa vắng bóng ở đây. Và với tôi, đó vẫn chưa phải là một tô phở hoàn hảo.
Cuộc hành trình đi tìm quê hương đích thực của phở đối với tôi vẫn chưa chấm dứt. Tôi thấy mình dường như đã đến gần, nhưng vẫn chưa tìm được quê của phở. Vâng, có lẽ phở có nguồn gốc từ Nam Định thật, nhưng tô phở ngon mà tôi vẫn có ở trong đầu, nó từ đâu đến, và có thể tìm được nó ở đâu? Nó có tồn tại thật không, hay nó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú của tôi, sau khi đã đọc rất nhiều những lời mô tả về phở trong văn học hoặc trong các bài viết quảng bá du lịch tại các địa phương?
Câu hỏi ấy của tôi lẽ ra đã có thể trở thành một câu hỏi lớn không lời đáp, nếu một người sếp cũ của tôi không buột ra câu ví von – hơi có chút diễu cợt – trong một lần có cuộc tranh cãi kéo dài bất phân thắng bại ở cơ quan nơi tôi làm việc. “Tranh cãi về vấn đề này thì cũng giống như tranh cãi xem phở ở đâu ngon nhất thôi. Tiêu chuẩn tô phở ngon của từng người được xác định bởi tô phở đầu tiên của họ, nên sẽ chẳng có ai đồng ý với ai hết!”
Ồ, ra thế. Vâng đúng rồi, chính là nó, tô phở đầu tiên!
Tô phở đầu tiên ấy của tôi, tôi còn nhớ mãi. Lúc ấy tôi 11 tuổi, đang tham gia kỳ thi tuyển vào trường nữ trung học Gia Long. Chỉ là kỳ thi vào lớp 6 thôi, mà căng thẳng vì tỷ lệ chọi không thua gì kỳ thi đại học thời nay, với số thí sinh xấp xỉ 10 ngàn mà số được tuyển chỉ khoảng 8, 9 trăm. Kỳ thi kéo dài 2 ngày ròng rã, và đến buổi thi cuối cùng thì cả “sĩ tử nhí” lẫn phụ huynh đều lộ rõ vẻ mệt mỏi. Hôm ấy thi môn toán, tôi ra sớm vì đã làm bài xong và bài khá dễ đối với tôi, lúc ấy khoảng gần 4 giờ, trong khi giờ thi đến 5 giờ mới kết thúc. Thấy tôi ra, bố tôi khá ngạc nhiên và có lẽ cũng khá vui vì thấy tôi làm được bài, xong sớm.
Trên đường về nhà bố tôi đột nhiên – không báo trước – dừng lại ở một tiệm phở trên đường, và dẫn tôi vào. Có lẽ bố tôi đói vì buổi trưa ăn uống qua loa, và cũng muốn “tẩm bổ” cho tôi sau kỳ thi mệt mỏi.

Tôi không còn nhớ được nhiều nữa, đã gần 50 năm và ký ức đã xa lắm rồi. Vì còn rất nhỏ nên tôi không nhớ tiệm phở ở đâu, tên là gì, chỉ nhớ đó là một tiệm phở khá rộng rãi vì vào giờ vắng khách, bàn ghế sạch sẽ. Bố con tôi ngồi một lúc thì người phục vụ bưng ra hai tô phở nóng nghi ngút khói và rất thơm. Kế đó là đĩa rau thơm xanh mơn mởn đầy ắp cùng một đĩa giá trụng nho nhỏ. Trên bàn trước đó đã đặt sẵn đủ loại gia vị như chanh, ớt, tiêu, nước mắm, và hai hũ tương đen, tương đỏ. Quả là một mê hồn trận, và tôi ngồi đó, lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu.
Nhưng đã có bố tôi. Ông lấy một miếng chanh vắt chanh vào tô phở của tôi, rắc chút tiêu, gắp một ít giá, ngắt vài cọng rau thơm bỏ vào tô, rồi hỏi tôi có muốn dùng tương đen, tương đỏ không? Tất nhiên là tôi gật đầu, như mọi “đứa bé ngoan” khi được cha mẹ hỏi. Bố tôi lấy muỗng múc một chút tương đen cùng một chút tương đỏ bỏ vào tô cho tôi. Được rồi, trộn đều lên rồi ăn đi con, bố tôi nói.
Hồi bé, tôi bị xem là một đứa cù lần, “thực bất tri kỳ vị”, có cho ăn của ngon vật lạ cũng chẳng nhớ gì. Nhưng tô phở ấy đối với tôi khá đặc biệt, không phải (chỉ) vì nó ngon, mà chủ yếu vì không khí gần như long trọng của hôm ấy. Bố tôi vốn nghiêm và lúc nào cũng bận công việc nên ít gần con cái. Vì vậy, những cử chỉ ân cần của bố tôi hôm ấy làm tôi vô cùng cảm động. Tôi thoáng nhận ra tô phở đó giống như một lời khen (bố tôi cũng ít khen con cái), một sự tán thưởng đối với những nỗ lực của tôi trong kỳ thi, và mùi vị, hình ảnh của tô phở bỗng được tôi lưu giữ mãi trong ký ức.
Vâng, tiêu chuẩn tô phở ngon của tôi đây rồi: một tô phở đầy đặn, nước dùng nóng chan gần tới mép (và người bồi bàn phải rất khéo để bưng ra mà không đổ), trên mặt có một lớp hành ngò xanh tươi với lát thịt bò chin màu nâu nâu được thái rộng bản. Tô phở ấy vẫn chưa ăn được, mà còn phải chờ bỏ thêm giá, chanh, ớt, tiêu, giá, ngò gai, húng quế, và … tất nhiên rồi, tương đen và tương đỏ. Khi trộn chung lại, ta sẽ có một tô phở đầy màu sắc và mùi vị, ngọt ngọt chua chua cay cay, thơm lừng gia vị của phở mà sau này tôi biết là phải có thảo quả, gừng, quế, cả hạt mùi (ngò), cộng với mùi thơm của hành, ngò, chanh, ớt, tiêu và các loại rau thơm.
Tô phở ấy không chỉ có mùi và vị, mà còn có cả sự đa dạng của “kết cấu” (là tôi dịch từ texture của tiếng Anh, vì tôi không tìm được từ tương đương nào hay hơn trong tiếng Việt): mềm mềm của bánh phở, bùi bùi của miếng thịt bò chín, mềm mềm dai dai của giá, dòn dòn của cọng ngò gai và lá húng quế. Không thể thiếu một mùi, một vị, một “kết cấu” nào cả, bằng không thì không còn là tô phở hoàn hảo của tôi nữa.

Giờ thì tôi biết quê phở, nơi có tô phở đúng chuẩn nhất, hoàn hảo nhất, là ở đâu rồi. Đừng tưởng quê phở chỉ có thể là Hà Nội, hoặc Nam Định. Quê phở hoàn toàn có thể là Sài Gòn, là Biên Hòa, là Phnom Penh, là Wellington, là Sydney, là Tokyo, là bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống. Tôi thậm chí cũng đồng ý với một bài viết đăng trên BBC tiếng Việt cách đây vài năm, trong đó có ý kiến cho rằng tô phở Việt ngon nhất hiện nay chỉ có ở Cali (3). Có nghĩa là Cali đã trở thành một quê hương quan trọng của phở, ừ, tại sao lại không chứ?
Vì người Việt sống ở đâu, nơi đó là quê của phở. Quê ấy nằm trong lòng mỗi người Việt Nam.

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

Tư liệu: PHỞ TÀU BAY Ở SAIGON

http://svkhktmdk1.blogspot.com/2014/05/pho-tau-bay-o-saigonnhung-ai-ghien-pho.html



Thứ Năm, ngày 01 tháng 5 năm 2014
PHỞ TÀU BAY Ở SAIGON -- Bài viết của Phùng văn Tráng (K1).

Những ai ghiền ăn phở ở Sài Gòn chắc chắn đều phải biết Phở Tàu Bay nằm trên đường Lý Thái Tổ, quận 10 –đối diện Bệnh viện Nhi Đồng 1, gần góc đường 3/2 (Trần Quốc Toản cũ). 

Nhắc đến Phở tàu Bay là tín đồ Phở nghĩ ngay đến một bát phở có bánh phở mềm, trôi tuột (vào mồm) một cách dễ dàng được chan nước dùng trong thơm, và thịt bò tái, chín với hành lá, chanh và tương ớt. 

Điểm đặc biệt đầu tiên của Phở Tàu Bay là không ăn với rau sống và giá trụng mà chỉ có thể gọi thêm hoặc một bát hành lá xắt, chan nước dùng nóng, hoặc nếu thích béo thì có thêm một chén nước béo. Ngoài ra, cũng chỉ có phở tái hoặc chín chứ không có nạm, vè, gân guốc…Có gọi, chủ quán cũng không có mà đưa … Bây giờ thì có thay đổi một chút là có thêm dĩa rau sống gồm rau húng quế, ngò gai nhưng thịt thì vẫn chỉ có tái và chín mà thôi! 

Điểm đặc biệt thứ nhì là thời gian phục vụ rất nhanh, trung bình, chỉ mất từ hai đến ba phút từ khi gọi là đã có ngay một tô phở bốc khói nghi ngút để thưởng thức. Thậm chí cũng chỉ cần cho biết là tô thường hay tô lớn là đủ (vì đâu có gì khác ngoài phở tái chín!). Ngoài ra không thể không nhắc đến điểm đặc biệt cuối cùng: đó là không nhận tiền tại bàn mà trả tiền tại quầy, là một cái bàn nhỏ lúc đi ra, do đó, nguời phục vụ và người chuẩn bị thức ăn không bao giờ phải cầm tiền, vệ sinh hơn! 

Phở Tàu Bay có hai cỡ tô: tô thường, hiện nay 55 000, hoặc tô lớn (hình như) 65 000. Tuy nhiên, ngoại trừ những ai ăn mạnh chứ không thì chỉ cần một tô thường là đủ khoái khẩu và no cho bữa ăn sáng! Ăn xong, nếu muốn tráng miệng, khách có thể gọi café hoặc (đặc biệt là món) bánh cam để thưởng thức! 

Hiện nay, khách không được hút thuốc trong quán, và quán cũng không còn để giấy để lau đũa muỗng vì tất cả đều đã được rửa sạch sẽ, để trong ống. Dưới mỗi bàn đều có một giỏ rác để không vất rác bừa bãi ra sàn. 

Do đó, nếu muốn vừa thưởng thức café sau khi ăn, vừa muốn hút thuốc, xin mời ghé sang hẻm bên cạnh để thưởng thức café, dù không phải là ngon tuyệt! “Quán” café ở hẻm này cũng đã có từ bao nhiêu năm nay, không thay đổi! 

Phở Tàu Bay đã có mặt ở Sài Gòn từ năm 1954 và vẫn ở nguyên tại địa chỉ này, từ 60 năm nay : một căn nhà hai gian, khách chủ yếu ngồi ăn một gian, gian bên cạnh là để chuẩn bị thức ăn cho khách. 


Hiệu phở Tàu Bay và anh Khang chủ nhân

Tình cờ biết đựơc anh Khang, con trai chủ tiệm, xưa cũng học Lasan Taberd, cách nhau một vài promo, năm nay cũng đã trên 60. Anh em nhận ra nhau trong một dịp lễ kỷ niệm của trường Lasan Taberd, do đó, anh Khang cũng vui vẻ, sẵn lòng giải thích một vài điểm mà chắc nhiều người cũng có cùng thắc mắc, đó là: 

Tại sao lại có tên “Phở Tàu Bay”? 

- Trước năm 1954, ông cụ tôi đã mở một tiệm phở tên là phở Nhân, ở Phố Hàng Triệu-Hà Nội. Trong đám khách hàng có những quân nhân không quân Pháp. Đôi khi, đùa với ông cụ tôi, họ đội mũ calot không quân của họ cho ông cụ tôi và đuợc một số khách hàng kêu lên: “A! tàu bay!”. Do đó, khi vào Sài Gòn, ông cụ tôi cũng mở tiệm bán phở và đặt tên là Phở Tàu Bay. Do đó, tên Phở Tàu bay chỉ có ở Sài Gòn và chỉ từ năm 1954 mà thôi. 

Tại sao Phở Tàu Bay không có rau sống và giá? 

- Nguyên thủy, phở ở ngoài Bắc không có rau sống và giá. Khi vào Nam thì cách ăn phở có khác, tuy nhiên, ông cụ tôi nói rằng rửa rau sống cho nhiều người ăn thì khó lòng mà rửa sạch, dù có kỹ cách mấy, do đó, tốt nhất là không có rau sống để đảm bảo vệ sinh. Đó là lý do tại sao Phở Tàu Bay trước đây không có rau sống. 

Tại sao bây giờ lại có rau sống? 

-Từ khi ông cụ tôi mất đi, mẹ tôi chiều khách nên bây giờ Phở Tàu Bay có thêm rau sống, nhưng cũng chỉ có hai loại, đó là húng quế và ngò gai. Nhâm nhi một vài lá húng và ngò gai với phở cũng khá thú vị chớ! 

Có một điểm bất tiện cho những ai muốn ăn Phở Tàu Bay mà đi xe hơi là không có chỗ đậu xe, con đường Lý Thái Tổ hiện nay, với 2 làn đường, trở thành chật chội, nên không được phép đậu xe nữa, ngoại trừ khi (theo lời anh Khang) đến ăn trước 7 giờ sáng hoặc có thể mua đem về, bánh phở để riêng, sẽ được trụng khi ăn, theo lời anh Khang, cũng ngon như ăn tại chỗ! 

Riêng người viết bài này thì, dù phải đi gần 20 km, khi lên cơn “ghiền”, cũng phải “xách” xe gắn máy chạy đến để thưởng thức một tô cho sảng khoái!

Tư liệu: Ký ức đẹp của phở Sài Gòn

http://saigonamthuc.thanhnien.vn/ban-do-am-thuc/ky-uc-dep-cua-pho-sai-gon-4537.html

Ký ức đẹp của phở Sài Gòn


Ký ức đẹp của phở Sài Gòn 1
Phở Tàu Bay với những miếng thịt chín nạm rất ngon  
Vào sáng thứ Bảy và Chủ nhật, quán phở Tàu Bay ở đường Lý Thái Tổ khách tới ăn rầm rập. Tô phở thường đã to, nhiều thịt, tô tàu thủy còn “viên mãn” hơn nhiều.
Hiện phở Tàu Bay ở Sài Gòn trưng biển “không có chi nhánh”, nhưng cũng đã khác xưa ít nhiều. Trong ký ức của một người mê phở Tàu Bay thì “trước kia không có rau, cũng chẳng có tương đen. Chỉ có tương đỏ (không phải tương cà hay tương ớt), nước mắm và chanh mà thôi. Tôi không bao giờ nêm tương đen và rau vào phở Tàu Bay. Tôi coi đó là một sự hạ thấp phở Tàu Bay; cũng như tôi luôn coi cái ngày phở Tàu Bay chịu thích nghi mà thêm rau và tương đen vào là ngày phở Tàu Bay đã hy sinh một phần tính cách của mình.”
Tô phở Tàu Bay hiện tại ở Sài Gòn nhiều bánh, nhiều thịt. Vì khách đến ăn quá đông nên chủ quán phải cho sẵn bánh phở và thịt vào tô, khách đến mới múc nước dùng. Nếu xét riêng về miếng thịt chín thì quả là tuyệt tác, vì đó thịt nạm được nấu rất khéo, ăn mềm mà vẫn giòn, thái không quá mỏng, cũng không quá dày.
Phở Tàu Bay còn có “tô tàu thủy”, "tô xe lửa" như là một tên gọi vui cho những tô phở to đùng, nhiều thịt, nhiều bánh hơn hẳn tô thường. Khá nhiều người đã "đánh bay" tô này, mặc dù cũng có rất nhiều khách không thể ăn hết một tô thường. Đặc trưng của phở Tàu Bay còn nằm ở chén nước béo mà đa phần thực khách rất thích gọi thêm cùng hành tươi để chan thêm vào tô phở.
 Ký ức đẹp của phở Sài Gòn 2
Thịt chín nạm
Ký ức đẹp của phở Sài Gòn 3
Nồi nước lèo trứ danh
Có lẽ chưa có tiệm phở nào có nhiều giai thoại như phở Tàu Bay. Tên quán phở này gây chú ý tới mức ở Mỹ và Úc cũng có tên phở Tàu Bay dù chủ nhân không có họ hàng gì với người đàn ông bán gánh phở Tàu Bay đầu tiên ở Hà Nội.
Nhà văn Tô Hoài đã nhắc đến phở Tàu Bay khá nhiều trong tập truyện dài Cát bụi chân ai (1990), với phần đầu tả Hà Nội quãng đầu thập kỷ bốn mươi: “Dốc Cây Thị (Hàng Gà- PV) không còn cây thị, hàng quán chỉ rải rác có buổi. Ngồi đây, đầu phố Hàm Long nhìn sang sở Văn Tự, tưởng như lão Tàu Bay còn gánh phở bán buổi sớm.”
Phở Tàu Bay - mà bây giờ ở Sài Gòn có vài ba quán của các bà phòng nhất, phòng nhì và con cháu ông Tàu Bay đã quá cố, cũng đôi chút phảng phất mùi vị phở Bắc, gánh phở ông Tàu Bay xưa đỗ cạnh dốc bên gốc cây thị đầu sân vào sở Văn Tự - không biết tại sao người qua đường lại đặt tên công sở ấy là sở Văn Tự. Có lẽ cũng như chỉ tình cờ một câu bông đùa cái mũ da lưỡi trai hơi dài khác thường của ông hàng so sánh với chiếc mũ phi công mà thành tên phở Tàu Bay, một hàng phở gánh buổi sáng.
Theo tác giả Võ Đắc Danh trong bài ký Phở Hà Nội ở Sài Gòn thì chủ nhân của gánh phở Tàu Bay mà Tô Hoài nhắc đến tên thật là Phạm Đăng Nhàn. Ông Nhàn bán phở gánh ở vườn hoa Hàng Kèn, trước cổng sở hưu bổng Đông Dương từ năm 1938. Phở của ông ngon nổi tiếng nhưng khách qua đường không biết ông tên gì, chỉ thấy ông đội chiếc mũ cát két cũ của phi công nên gọi ông là Tàu Bay.
Mỗi sáng, khách kéo tới ăn phở làm ồn ào trước sân công sở, viên Chánh sở người Pháp nổi giận bèn ra lệnh đuổi ông. Người chủ sự của Sở hưu bổng Đông Dương lúc bấy giờ là ông Đỗ Phúc Lâm, vốn mê ăn phở Tàu Bay nên năn nỉ viên Chánh Sở cho ông Nhàn được bán. Từ đó, ông Lâm trở thành người ơn của ông Nhàn.
Ký ức đẹp của phở Sài Gòn 4
Khách đông nên chủ quán phải dọn sẵn những tô phở
Ký ức đẹp của phở Sài Gòn 5
.. và chỉ chan khi khách gọi
Sau tháng 8/1945, ông Lâm mất việc, lại phải nuôi một đàn con, ông Nhàn giúp ông Lâm mở quán phở tại số 20 Nguyễn Trãi, cho lấy thương hiệu Tàu Bay và cho đứa cháu sang hướng dẫn cách làm phở. Nhờ đó mà quán phở Tàu Bay của ông Lâm sớm nổi tiếng, có hôm khách phải ngồi cả ở vỉa hè. Năm sau, kháng chiến toàn quốc nổ ra, ông Lâm theo dân tản cư về chợ Chồ, Thiệu Hóa, gần làng Ngò, căn cứ của những văn nghệ sĩ và trí thức nổi tiếng. Từ đó mà phở Tàu Bay của ông Lâm cũng nổi tiếng trên xứ Thanh và đi vào hồi ký của nhạc sĩ Phạm Duy như sau:
“Tại Hậu Hiền – Thiệu Hóa – có gia đình nghệ sĩ khác, người con trai là Đỗ Thiếu Liệt chơi violon, bố mở quán phở Tàu Bay rất nổi tiếng. Trên vách tường bên ngoài quán phở ghi mấy câu thơ quảng cáo theo lối hài hước:
Những ai quá phố Hậu HiềnHễ có đồng tiền đến phở Tàu BayGiá tuy đắt đắng đắt cayNgon chẳng đâu tày, nức tiếng gần xa.”
Năm 1954, ông Nhàn di cư vào Sài Gòn và mở quán phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ. Ông mất năm 1976, phở Tàu Bay trở thành gia sản của bốn người con và gần mười người cháu nội, cháu ngoại giữ gìn và phát triển thương hiệu.
Nhà văn Nguyễn Tuân cũng từng nhắc đến phở Tàu Bay trong tùy bút Phở (1957) nổi tiếng của ông: “Quần chúng nhân dân, nhất là nhân dân Hà-nội có nhiều sáng kiến để đặt tên cho những người họ yêu tin. (…). Có khi lấy một vài nét đặc thù trong cách phục sức mà gọi. Cái mũ tàu bay trên đầu ông bán phở thời Tây xưa, đã thành cái tên một người bán phở trứ danh của thủ đô sau này.

Trước đây giới sành ăn phở ở Sài Gòn từng xếp hạng “nhất Công Lý, nhì Tàu Thủy, tam Tàu Bay”. Giờ chỉ còn lại hai quán là phở Công Lý (tức phở Dậu) và phở Tàu Bay, tuy đã khác xưa ít nhiều nhưng vẫn gợi nhớ những ký ức đẹp về Sài Gòn.
Giang Vũ
 Ký ức đẹp của phở Sài Gòn 6
Phở Tàu Bay433 - 435 Lý Thái Tổ, phường 09, quận 10
Mở cửa: 6h sáng đến 12h trưa
Giá: Phở bò (50.000đ/tô thường, 60.000đ/tô lớn)

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Bài đã đăng trên Sài Gòn Nhỏ, link đây: http://saigonnho.info/2016/07/06/bao-gio-cho-den-ngay-xua/
---------------
Bao giờ cho đến ngày xưa?
Phương Anh

Có một mục trên báo Tuổi Trẻ mà tôi rất ít khi đọc, đó là mục “Bạn đọc”. Mục này không có chủ đề cố định, vì đây là khoảnh đất dành cho bạn đọc viết về bất kỳ vấn đề nào mà người viết quan tâm. Nhưng hôm nay thì tôi đọc, và không chỉ đọc bài viết, mà còn đọc cả những phần bình luận bên dưới nữa.

Đọc đi đọc lại với tâm trạng dạt dào cảm xúc, và cả một trời ký ức ùa về.

Tác giả bài viết tôi vừa nhắc ở trên có lẽ là một thầy giáo, ký tên là Trần Văn Tám, Trường trung học Trung Lập Hạ, Củ Chi. Bài viết thuật lại những gì tác giả vừa chứng kiến ở cổng một trường tiểu học. Có một đám tang đi ngang trường, kèn trống inh ỏi; các vị phụ huynh đang chờ đón con trước cổng trường tò mò nhìn theo và bàn tán khen chê về những bản nhạc đang được chơi trong đám tang. Riêng chỉ có một người đàn ông tuổi trên 50 bước xuống xe, gỡ nón bảo hiểm đang đội xuống cầm trên tay, đứng thẳng lưng, đầu hơi cúi và cứ giữ tư thế nghiêm trang ấy để chờ cho đến khi chiếc xe tang đi qua hẳn rồi mới gọi đứa cháu để lên xe đi về.

Quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ?”, người đứng bên cạnh thấy lạ bèn hỏi ông như vậy. Câu hỏi ấy được tác giả đưa lên làm tựa của bài viết, và chính nó đã làm tôi chú ý đến bài viết này[1]. Bởi vừa đọc xong cái tựa là trong tai tôi ngay lập tức vang lên âm điệu của mấy câu mà tôi đã học thuộc lòng thời tiểu học: “Khi gặp đám tang, phải ngả mũ chào; gặp đám đánh nhau, ta nên tránh xa.

Tôi cũng nhớ đến một bài tập đọc trích từ cuốn “Tâm hồn cao thượng” rất nổi tiếng thời ấy. Đó là một cuốn truyện dịch do dịch giả Hà Mai Anh thực hiện. Cuốn truyện được viết dưới dạng nhật ký ghi lại những gì xảy ra hàng ngày với nhân vật chính là một cậu học trò 10 tuổi có tên trong bản dịch tiếng Việt là An Di. Trong mẩu truyện có tựa là “Đi ngoài phố”, cha của cậu An Di đã dạy con cách xử sự khi ra ngoài phố, trong đó có lời dặn nếu gặp đám tang hãy ngưng cười nói mà “ngả mũ chào vì ngày mai biết đâu nhà con cũng có người tạ thế.” Mỗi mẩu truyện trong cuốn sách ấy đều chứa một bài học đạo đức được lồng trong những tình huống sống động với những con người chân thật cùng cách ứng xử đầy lòng vị tha và nhân ái, được chuyển ngữ sang một thứ tiếng Việt giản dị và vô cùng trong sáng.

Bất cứ ai đã từng lớn lên và đi học dưới thời Việt Nam Cộng hòa đều không thể không biết đến cuốn sách này. Bao thế hệ trẻ con đã đọc những mẩu truyện dễ thương và cảm động trong cuốn “Tâm hồn cao thượng” ấy, rồi họ lớn lên và trở thành những con người có tình thầy trò, biết ơn cha mẹ, biết cảm thông và chia sẻ với những người nghèo khổ, có tâm hồn hướng thượng và sự khoan dung.  

Nói vắn tắt, họ đã được dạy dỗ để trở thành những con người “có học”. Vâng, một người “có học” không thể chỉ là một người đọc nhiều biết rộng, mà trước hết phải là một người có nhân cách. Cái nhân cách ấy cứ tự nhiên toát ra từ mỗi cử chỉ của họ dù rất nhỏ, như nhường chỗ trên xe buýt cho người lớn tuổi, giúp người già hoặc trẻ em đi sang đường, giữ trật tự và vệ sinh nơi công cộng, ngả mũ đứng nghiêm khi nghe tiếng quốc ca, quốc thiều, kể cả khi đang ở ngoài đường phố vv.

Hoặc ngả mũ cúi chào tiễn người đã khuất, như người đàn ông trong bài viết của bạn đọc trên báo Tuổi Trẻ hôm nay. Khi được hỏi có quen hay không mà chào, ông đã đáp rằng mình không hề quen biết nguời đã khuất, nhưng vì “Thời tôi đi học, thầy cô thường nhắc nhở học sinh phải biết kính trọng và lễ phép với người già, người lớn tuổi, biết thương yêu giúp đỡ các em nhỏ tuổi hơn mình, trên đường đi khi gặp người lớn hơn mình phải biết khoanh tay cúi đầu chào, khi gặp đám tang đi ngang phải biết ngả mũ cúi đầu chào người quá cố để tiễn đưa họ... Chính vì vậy mà các việc ấy bây giờ trở thành thói quen với tôi, mà thói quen thì không bao giờ quên được, việc tôi làm chỉ xem là phản xạ tự nhiên từ nhỏ cho đến bây giờ”.

Tính chân thực của lời phát biểu nói trên có thể kiểm chứng được ngay. Trong phần nhận xét ở cuối bài viết có rất nhiều lời đồng tình và xác nhận. Như trong nhận xét của một người ký tên Nguyễn Phước: “Khi còn học lớp Nhứt năm 1959, cô giáo đã dạy tôi bài học nầy. Từ đó đến ngày hôm nay, mỗi lần gặp đáng tang trên đường phố, tôi cúi đầu chào dù đang đi trên xe 2 bánh hoặc 4 bánh. Cho đến bây giờ tôi vẫn âm thầm làm việc nầy và không hề nói cho ai biết lý do.”

Hoặc của một người khác ký tên là Cao Hoàng Triều: “Ngày xưa ở nền giáo dục cũ, trong môn giáo dục công dân tiểu học có dạy học sinh những nghĩa cử lễ phép, lịch sự... như thế. Cụ thể trong cuốn sách công dân "Gia đình ông Bá bà Bá" tôi còn nhớ lúc đi trên đường ông Bá thấy đám tang đi ngang qua, ông bảo hai con Nguyệt và Thu gở [sic] nón xuống, 3 cha con cùng cuối [sic] đầu chào vĩnh biệt người quá cố. Giáo dục bây giờ ít thấy để ý những chuyện nhỏ này.”

Giáo dục bây giờ ít thấy để ý những chuyện nhỏ này” cũng là ý của tác giả bài viết trên báo Tuổi Trẻ. Bài viết kết thúc với mong ước của tác giả rằng những bài học đạo đức tương tự như vậy được dạy trong trường để đứa trẻ có thể hình thành thói quen tốt trong cuộc sống. Tôi bỗng nhớ đến một môn học thời tiểu học có tên là “Em tập tính tốt”, hình như học từ lớp Năm đến lớp Ba (bây giờ là lớp Một đến lớp Ba). Mỗi bài học là một mẩu truyện tranh nho nhỏ với lời thoại dễ thương. Bài Thương yêu học trò: Nam không có vở./ Thầy cho Nam một cuốn./ Nam nói: “Em cám ơn thầy.” Bài Yêu mến thầy: Thầy đau./ Lạc và các bạn đến thăm thầy./ Thầy vừa hết bệnh./ Lạc và các bạn không làm ồn để thầy khỏi mệt. Đơn sơ đến ngô nghê, thế mà tôi vẫn nhớ sau đúng nửa thế kỷ.

Còn thời nay? Nhìn đâu cũng có thể thấy những mẩu tin như thế này: Học sinh thuê côn đồ chặn đường đánh thầy giáo nhập viện[2]; Nam sinh lớp 9 đâm chết bạn vì mâu thuẫn tình cảm[3]; Nữ sinh bị đánh hội đồng lột nội y tàn nhẫn trong lớp học[4]. Những mẩu tin như vậy làm cho tôi, bà giáo già vừa về hưu sau khi đã trải hết cuộc đời làm việc của mình trong cuộc chiến đấu không cân sức nhằm chống lại sự tụt dốc về đạo đức trong xã hội, ngày càng nhận thức rõ nỗi cô đơn và bất lực đến tuyệt vọng của mình trong cuộc chiến ấy.

Bất giác, tôi thấy mình hít sâu rồi thở ra một hơi dài hiu hắt, và buông nhẹ:

Bao giờ cho đến ngày xưa?

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2016

Những sai lầm của Trung Quốc từ vụ kiện về Biển Đông

Những sai lầm của Trung Quốc từ vụ kiện về Biển Đông
http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=116&CategoryID=42&News=9837
Học giả Zheng Wang. Nguồn: wilsoncenter.org
Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) được Zheng Wang, một học giả người Hoa tại Mỹ, gọi là một thất bại lớn về ngoại giao, trong bài viết của ông đăng trên trang Diplomat hôm 14/7 vừa qua.
Wang khẳng định cho dù mọi người có đánh giá về chất lượng và sự công bằng của phán quyết này như thế nào, thì kết quả của phiên tòa vẫn làm tổn hại hình ảnh và sức mạnh mềm của phía Trung Quốc, gây trở ngại lớn cho các yêu sách về lãnh thổ và quyền hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, và hậu quả của điều này với Trung Quốc sẽ rất lâu dài.

Theo Wang, việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện là một suy xét thiếu cẩn trọng, cho thấy nước này đã không nhận được lời tư vấn pháp lý tốt từ các chuyên gia luật quốc tế hàng đầu. Wang nhận định, với tư cách là một thế lực lớn trong cộng đồng quốc tế, lẽ ra Trung Quốc ít nhất có tham gia tố tụng, qua đó vừa có thể trực tiếp tham gia tranh luận, đồng thời cho thấy sự tôn trọng cần thiết đối với luật pháp quốc tế cũng như các tổ chức pháp lý quốc tế.

Bên cạnh đó, vụ kiện cũng chứng minh những nhược điểm nghiêm trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc – đó là việc nghiên cứu chính sách. Wang cho rằng thật đáng ngạc nhiên khi bản thân Trung Quốc lại thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề Biển Đông, bao gồm việc nghiên cứu về các yêu sách của chính mình, cũng như các vấn đề liên quan đến “quyền lịch sử”. Đây là một trong những lý do quan trọng khiến Trung Quốc quyết định không tham gia vào vụ kiện, bởi thực sự họ vẫn chưa sẵn sàng. Thái độ mơ hồ của Trung Quốc về Biển Đông phần nào cũng là do sự thiếu nghiên cứu này. Ví dụ, yêu sách của Trung Quốc chủ yếu dựa trên lịch sử, nhưng cho đến nay vẫn chưa hề thấy một cuốn sách nào xuất bản ở Trung Quốc cung cấp được một phân tích toàn diện và khách quan về các sự kiện và lịch sử của Biển Đông cũng như các quá trình liên quan đến việc Trung Quốc đưa ra các bản đồ với những đường đứt đoạn và ý nghĩa thực tế của tấm bản đồ này. Trung Quốc đưa ra một số căn cứ lịch sử rời rạc để củng cố yêu sách của mình, nhưng đa số các bằng chứng này chỉ là nói với nhau trong nước từ nhiều năm qua. Tóm lại, họ không hề trình được bằng chứng nào có tính pháp lý.

Thái độ và nhận thức

Sai lầm cơ bản của Trung Quốc, theo Wang, chính là vấn đề về thái độ và nhận thức. Về thái độ, Chính phủ Trung Quốc vẫn coi luật pháp quốc tế như một cái gì đó mà họ có thể lựa chọn theo ý thích của họ. Họ không quen thuộc với các hệ thống và cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là việc sử dụng trọng tài như một phương pháp giải quyết tranh chấp. Một số người đã có thái độ kẻ cả xem việc tham gia vào vụ kiện tại tòa trọng tài do một quốc gia nhỏ hơn khởi xướng và được tổ chức bởi một tòa án tạm thời là điều mất mặt đối với một quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc.

Về nhận thức, khi tham gia đàm phán Công ước về Luật Biển của Liên hiệp quốc (UNCLOS) trong khoảng thời gian 1973-1982, Trung Quốc đã quyết định đứng với các nước thuộc thế giới thứ ba và ủng hộ yêu cầu về Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý. Khi đó, các nhà ngoại giao Trung Quốc hoàn toàn chẳng nhắc gì đến Biển Đông và đường chín vạch. Đó là điểm mâu thuẫn đến mức khó thể tưởng tượng được, bởi vùng EEZ của các nước láng giềng nằm chồng lên đường chín gạch mà ngày nay Trung Quốc đặt ra yêu sách.

Wang cho rằng đã hơn 40 năm đã trôi qua tính từ lúc Trung Quốc tham gia đàm phán UNCLOS trong thập niên 1970 đến khi nước này quyết định không tham gia vào vụ kiện tại Tòa Trọng tài vào năm 2013, và trong thời gian này nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng từ chỗ là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới đến chỗ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, thế nhưng thái độ và nhận thức của Trung Quốc đối với luật pháp quốc tế đã không thể hiện một sự tăng trưởng và phát triển tương xứng.

Truyền thông

Wang nhìn nhận Trung Quốc hầu như bị cô lập về các vấn đề liên quan đến Biển Đông, những ý kiến và tranh luận của quốc gia này hầu như không được những người bên ngoài Trung Quốc lắng nghe. Theo Wang, nguyên nhân của sự cô lập này một phần do cách Trung Quốc truyền thông về yêu sách của mình và lập luận đằng sau đó với phần còn lại của thế giới chưa hiệu quả.

Trước khi có phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch truyền thông và đã tổ chức cho các nhà ngoại giao viết bài trên các phương tiện truyền thông quốc tế, nhưng hầu hết họ chỉ lặp đi lặp lại lập trường chính thức của Trung Quốc mà không cung cấp các bằng chứng thuyết phục cũng như các lập luận logic để củng cố các yêu sách của Trung Quốc.

Wang cho rằng thật đáng lo ngại nếu một đất-nước-đang-trở thành-siêu-cường lại không thể truyền thông một cách hiệu quả với phần còn lại của thế giới. Hiện đang tồn tại một khoảng cách về nhận thức rất lớn liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông. Phần lớn các tranh chấp hiện nay đã được xây dựng dựa trên những nhận thức sai lầm dựa trên các phương tiện truyền thông, giáo dục, và dư luận xã hội cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc.

Trong thời gian tới, Wang tin rằng nhiều khả năng phán quyết PCA có nguy cơ làm tăng thêm những bất ổn và mối nguy hiểm mới cho tình hình hiện nay, ví dụ như khả năng kích thích hơn nữa chủ nghĩa dân tộc cũng như ký ức tập thể của người Trung Quốc về các chấn thương lịch sử của đất nước này dưới bàn tay của các cường quốc nước ngoài. Hậu quả có thể là không gian dành cho mối ngoại giao lý tính lại càng giảm hơn nữa. Tuy nhiên, Wang nhấn mạnh Bắc Kinh cần tránh phản ứng thái quá, vì điều đó sẽ chỉ làm cho đất nước này phải trả giá nhiều hơn sau phán quyết mới đây của tòa án mà thôi.

Zheng Wang là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hòa bình và Xung đột tại Trường Ngoại giao và Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Seton Hall ở New Jersey. Ông cũng đang là học giả được nhận tài trợ từ Quỹ Carnegie của Viện New America, đồng thời là học giả toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Hoa Kỳ Kissinger thuộc Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson.
Vũ Thị Phương Anh tóm lược từ The Diplomat

http://thediplomat.com/2016/07/what-china-can-learn-from-the-south-china-sea-case/