Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Lên đường đầu năm: Hung hãn và nhân ái (Hồng Vân, IJAVN)



Lên đường đầu năm: Hung hãn và nhân ái

Có một bài viết trên blog cá nhân vào dịp Tết Ất Mùi của NS Tuấn Khanh đang được cộng đồng mạng rất quan tâm và chia sẻ. Tác giả đã mô tả tình trạng hỗn độn và bạo lực tràn lan của xã hội Việt Nam trong mấy ngày Tết bằng một đoạn văn ngắn:

Sự hung hãn của [...] xã hội [...] được mô tả bằng bản tin hơn 5000 người Việt đánh nhau đến nhập viện trong một mùa xuân cầu mong yên lành. Sự hung hãn được chỉ định bằng việc giết heo trong lễ hội theo lối yêu trảm (chém ngang lưng) du nhập từ đời nhà Tần phương Bắc sang Việt Nam. Sự hung hãn được xác nhận như phần cần thiết của lễ hội mua thần bán thánh, từ miệng của một quan chức cấp cao, phó chủ tịch Uỷ ban Nhân Dân Sóc Sơn “Lễ hội không tổ chức phát lộc cho người dân nên ai muốn có phải cướp. Xô xát là bình thường”. 

Chỉ vài dòng, mà cả một xã hội nhốn nháo, u mê và độc ác đã lồ lộ hiện ra. Cái xã hội xấu xí ấy vừa hung hăng giành giựt ăn thua đủ với nhau về những vấn đề vớ vẩn, vừa rất đớn hèn khi cần dũng khí, như khi có giặc ngoại xâm, hay khi cần bệnh vực người yếu chống lại kẻ ác.

Bài viết của NS Tuấn Khanh đúng lắm và đau lắm.

Đau đến độ bạn đọc không thể không đặt câu hỏi “vì sao hung hãn và hèn nhát hả anh Tuấn Khanh?” Hỏi, rồi tự trả lời:

Thanh niên và toàn thể  công dân được tự do làm và nêu ý kiến về mọi thứ [...] trừ lãnh vực chính trị. Khi nói đến chính trị thì phải nói trong khuôn khổ của Đảng [...]. Thanh niên ngày nay làm sao được phép trào ra nhiệt tình hừng hực trong mình vào chuyện quốc gia đại sự [...]. Thế thì sức mạnh cuồn cuộn của tuổi trẻ phải hướng vào đâu để giải tỏa năng lượng, nếu như không hướng vào những chuyện vô bổ mà nhà cầm quyền thả lơ không cấm đoán. 

Phân tích của blogger Huỳnh Ngọc Chênh trong viết bài phản hồi cho NS Tuấn Khanh vừa được trích ở trên đã chạm đúng ngay tâm của vấn đề. Ở đất nước mà độc quyền lãnh đạo của một đảng duy nhất đã trở thành một quy định trong hiến pháp thì mọi cách thể hiện mối quan tâm đối với những vấn đề của đất nước khi chưa hay không có sự chỉ đạo hoặc cho phép từ trên đều bị xem là phạm pháp. Đó là lý do tại sao trước mọi vấn đề hệ trọng của đất nước, đa số người Việt đều có thái độ dửng dưng, chờ đợi, hoặc né tránh.

Khi không được quan tâm đến những vấn đề có ý nghĩa thì việc người Việt dồn sức lực thừa thãi của mình vào những cuộc đua tranh cãi vã về những điều tầm thường vô bổ với một sự hung hăng cuồng nộ hiếm thấy như hiện nay chỉ là một điều tất yếu.

Giải pháp để cải thiện tình trạng hiện nay có thể là gì?

Nói đến giải pháp là nói đến hệ thống. Nhưng ai cũng thấy hệ thống hiện nay chưa sẵn sàng để thay đổi – giả định rằng họ cũng chấp nhận có lúc sẽ phải thay đổi. Trong hoàn cảnh như vậy, tìm được một giải pháp cá nhân để góp phần làm thay đổi tình hình thực là khó, khó lắm.

Trong cái chộn rộn của ngày Tết, có một mẩu tin nhỏ có lẽ ít ai chú ý. Sáng ngày 27/2 (tức mùng 9 Tết) tại Hà Nội, Hội đồng lý luận trung ương tổ chức hội thảo khoa học "Định hướng xây dựng hệ giá trị con người - giá trị văn hóa VN trong giai đoạn mới". Trong danh sách 7 giá trị của con người VN được đưa ra, có các giá trị "nhân ái" và "nghĩa tình" được xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3 trong danh sách. 

Như thế có nghĩa là nhà cầm quyền VN cuối cùng cũng đã nhận ra những lỗ hổng quan trọng về giá trị cần được bổ sung ở con người để hy vọng giữ cho xã hội được ổn định và phát triển – kể cả theo cái cách mà hệ thống ấy mong muốn.

Nhưng nhân ái với nghĩa tình không là giá trị mới ở Việt Nam. Chúng là những giá trị đạo đức căn bản của các tôn giáo lớn có mặt trên đất nước này từ nhiều thế kỷ và góp phần tạo nên hệ giá trị Việt Nam cho đến tận ngày nay.

Cái thiếu hiện nay chỉ là môi trường phù hợp để gieo cấy và dưỡng nuôi tinh thần nhân ái và nghĩa tình mà mỗi người Việt Nam đều đã có sẵn mà thôi.

Môi trường giáo dục của Việt Nam là một môi trường rất thiếu vắng các giá trị tinh thần và hầu như không có chỗ để phát triển lòng nhân. Ngay từ bé, học sinh Việt Nam đã bị đẩy vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt với bạn bè đồng trang lứa. Cả gia đình và nhà trường đều muốn các em đạt điểm cao trong mọi môn học bằng mọi giá, không loại trừ sự dối trá và sự tiếp tay của người lớn – một hiện tượng mà người ta công khai thừa nhận dưới tên gọi là bệnh thành tích. Chương trình học và cách thi cử nặng nề khiến các em phải chúi mũi vào những cuốn sách dày cộm, phải đi học thêm, không có thời gian nghỉ ngơi, không tiếp xúc với thiên nhiên, rất ít tiếp xúc với họ hàng và cả người thân, không có kỹ năng sống, không được vun đắp và bồi bổ về những giá trị làm người như lòng thương người, vị tha, sự hiểu biết về thế giới và tôn trọng những điều khác biệt vv. Ngược lại, môi trường đó đã gián tiếp dạy cho các em – dù không cố ý – quy luật mạnh được yếu thua và khả năng giải quyết mọi vấn đề bằng quyền lực, bằng đồng tiền hoặc thậm chí bằng cả nắm đấm qua cách hành xử của người lớn với nhau.

Ngoài xã hội, mọi thành công đều được đo bằng giá trị vật chất thô thiển, bằng bề ngoài hào nhoáng, bằng chức vụ, bằng những thăng tiến mà người ta cố gắng đạt được bất chấp mọi chuẩn mực đạo đức. Hệ quả là những gì đã được bày ra qua những lễ hội đông người nhân dịp Tết vừa qua. Người ta thản nhiên nhét tiền vào tay vào mồm các pho tượng để hối lộ thần thánh, dẫm đạp lên cỏ cây, ngắt lá bẻ cành, xô đẩy chen lấn giành giựt để “cướp” lộc, “cướp” ấn, hò reo kích động thích thú trước những cảnh dã man đổ máu chém lợn chém trâu .... Chính môi trường như vậy đã sản sinh ra những vụ nữ sinh lăn xả vào lột áo đánh nhau rồi quay clip đưa lên mạng, nam sinh rút dao đâm bạn chỉ vì nói khích hay nhìn đểu, người dân quê xúm đông xúm đỏ la hét và tự xử những kẻ ăn trộm chó bằng cách đánh dã man cho đến chết mà không cần sự can thiệp của pháp luật - những ví dụ rùng rợn này còn có thể tiếp tục kéo dài mãi.

Có thể khẳng định rằng bất chấp những phát triển kinh tế có lúc ở mức ngoạn mục trong vòng hai thập niên qua, chất lượng sống của người Việt Nam ở nhiều khía cạnh đã trở nên tệ đi đến mức báo động.

“Hãy bảo vệ trái đất” là thông điệp thường xuyên được gửi đến mọi nơi trên thế giới để nhắc nhở từng cá nhân về trách nhiệm bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của toàn nhân loại. Nhưng môi trường sống của con người không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần, trong đó có cả khía cạnh tâm linh nữa. Đúng như trong Kinh Thánh của đạo Thiên Chúa đã viết: “Người ta sống không nguyên bởi bánh”.

Dường như những chính sách sai lầm nghiêm trọng về tôn giáo và tín ngưỡng trước đây, và ngay cả hiện nay nữa, đã tạo ra quá trình sa mạc hóa về mặt tâm linh ở Việt Nam, để giờ đây tâm hồn của người Việt đã biến thành một bãi hoang chỉ có thể chấp nhận các loại bụi gai hay xương rồng mà không thể trồng các loài cây có bóng mát, có hoa thơm và cho trái ngọt.

Phải chăng, để ngăn chặn tình trạng cứ mỗi mùa Tết lại có vài ngàn người đánh nhau u đầu sứt trán đến đổ máu và phải nhập viện như năm nay, công việc cần làm trước hết là cải tạo và bảo vệ chính môi trường tâm linh của người Việt Nam? Vâng, có lẽ điều thiết thực nhất mà mỗi người có thể làm là đẩy ngược quá trình sa mạc hóa tâm linh bằng cách tẩy chay và dẹp bỏ mọi hình thức của bạo lực và hận thù, cố gắng khơi ngòi, tích tụ và nuôi dưỡng dòng nước ngầm tâm linh ngọt ngào của lòng nhân ái và nghĩa tình vốn là đặc điểm lâu đời của dân tộc Việt – chứ chẳng phải những giá trị mới của người VN theo một nghị quyết nào đó của Đảng mới chỉ ra?

Chúng ta hãy làm tất cả để một ngày không xa, tâm hồn của từng người Việt Nam sẽ rợp ngời bóng mát yêu thương.

Nào “ta cùng lên đường, đi xây lại tình thương”, các bạn ơi!



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.