Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Biển Đông: Sự thật, hòa bình, và công lý



Biển Đông: Sự thật, hòa bình, và công lý
Vũ Thị Phương Anh
Đã hơn 50 ngày kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HYSY 981 trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông.Trong suốt thời gian này, tất cả mọi người Việt Nam đều một lòng thao thức với từng sự kiện lớn nhỏ diễn ra ngoài vùng biển ấy.

Dõi theo những gì đã và đang xảy ra, có thể thấy rõ những biến đổi trong các cung bậc cảm xúc của người dân Việttrong mấy tuần qua.Dù rất căm phẫn khi thấyvùng biển của tổ quốc bị xâm phạm, các tàuđánhcávà tàu kiểm ngư của Việt Nam bị xịt vòi rồng, bị đâm thủng;cảnh sát biển và ngư dân bị thương tích và cả người bị thiệtmạng, nhưng người dân đã phấn chấn và đầy hy vọng trước những phản ứng mạnh mẽcủa các nhà lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là lời tuyên bố của Thủ tướng rằng Việt Nam đang chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. 

Những cảm xúc tích cực ấy sau đó nhanh chóng biến mất mà thay vào bằng những cảm xúc tiêu cực trước những tình huống xấu.Tại Hội nghị Shangri-La, phát biểu của Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam về quan hệ tốt giữa Việt Nam và Trung Quốc đã khiến nhiều người bất bình và nghi ngại, e rằng nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao đầy nhân nhượng lâu nay. Liền sau đó, Trung Quốc bất ngờ gửi  thư đến Liên hiệp quốc với nhiều “bằng chứng” về việc Việt Nam đã “công nhận” Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Những bằng chứng này không chỉ có công hàm ngoại giao năm 1958, mà còn có cả bản đồ và sách giáo khoa ghi rõ hai quần đảo này là thuộc về Trung Quốc.Bàng hoàng, thất vọng và cả mất niềm tin vào chính nghĩa của Việt Nam, đó có lẽ là cảm xúc của người dân khi lần đầu tiên tiếp cận với những thông tin mà từ trước đến giờ vẫn thuộc loại tuyệt mật đó. 

Rồi gần đây nhất là sự kiện Trung Quốc rầm rộ kéo thêm 4 giàn khoan mới vào Biển Đông, ngay khi đang có cuộc gặp gỡ cấp cao lần đầu tiên giữa hai nước sau sự kiện giàn khoan HYSY981. Mục đích của cuộc gặp, mỉa mai thay, dường như chỉ là để Trung Quốc “răn đe”, “dạy bảo” Việt Nam, vì sau cuộc họp đó báo chí Trung Quốc đã đưa tin đầy xúc phạm rằng tại cuộc họp này ông Dương Khiết Trì đã kêu gọi “đứa con hoangđàng” là Việt Nam hãy quay đầu hối cải. Một hành động vừa khiêu khích, vừa giằn mặt vừa sỉ nhục của Trung Quốc đối với Việt Nam, chỉ có thể nói là như thế.

Những động thái của Trung Quốc trong thời gian qua cho thấy nước này không định dừng lại ở vài giàn khoan dầu, mà đang rắp tâm thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông mà họ đã lập kế hoạch từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Một sự ngang nhiên thách thức cuả kẻ thù đối với kẻ xâm lược, buộc mỗi người Công giáo phải tự hỏi mình, tôi phải làm gì đây để biểu lộ lòng yêu nước, để thực hiện lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bức thư ngày 9/5/2014?

Ngay từ những ngày đầu tiên khi tình hình Biển Đông có biến động, những cảm xúc sục sôi đã buộc tôi phải hành động, vì làm sao có thể ngồi yên? Dù có những e ngại, tôi đã tham gia cuộc biểu tình ngày 11/5 với cảm xúc mãnh liệt nhất, đã hô to đến khản tiếng những khẩu hiệu chống Trung Quốc xâm lược, và sẵn sàng tinh thần tham gia những lần kế tiếp nếu việc biểu tình không bị trấn áp sau những vụ bạo loạn của công nhân.Tôi theo dõi tin tức hàng ngày về diễn biến trên Biển Đông rồi viết thành một mẩu điểm tin ngắn, vừa để chính mình có thông tin vừa chia sẻ rộng rãi để mọi người có thể nắm tình hình một cách đầy đủ và nhanh chóng. Để lưu lại những thông tin đáng lưu ý, tôi lập hẳn một trang blog để sưu tập, dịch, tổng hợp và lưu lại các về Biển Đông, dù các lĩnh vực có liên quan đến vụ tranh chấp ở Biển Đông như quan hệ ngoại giao hoặc công pháp quốc tế không phải là lãnh địa chuyên môn của tôi, khiến đôi khi tôi mất khá nhiều thời gian để tra cứu.

Với những việc không ai ép buộc như vậy, những ngày qua là những ngày bận rộn nhất trong cuộc đời làm việc của tôi, vì vẫn phải đảm đương những công việc thường nhật vừa cố góp phần vào cuộc chiến trên mặt trận truyền thông của Việt Nam. Những nỗ lực của tôi không phải là không có kết quả. Số lượng người đọc thông tin trên trang Biển Đông tăng lên hàng ngày; bạn đọc không chỉ đến đọc cho biết rồi đi, mà còn góp ý, tranh luận, và thậm chí tự nguyện tham gia dịch thông tin đóng góp cho trang blog. Nhiều thông tin vềchủ quyền biển đảo Việt Nam, cả lịch sử, địa lý và cả pháp lý mà nhà trường phổ thông cho đến nay vẫn chưa chú trọng đầy đủ, đã được tập hợp lại sẵn sàng để bất cứ ai cần cũng có thể đọc, và chúng đang bắt đầu được đọc. Có lẽ đã hơi muộn, nhưng muộn còn hơn không.  

Với những kết quả nho nhỏ ấy, lẽ ra tôi phải thấy hài lòng vì tôi đã làm hết sức. Nhưng không hiểu sao dù cố gắng thật nhiều nhưng tôi vẫn không thể hài lòng, mà vẫn mang nặng cảm giác đau đớn và đôi khi  tuyệt vọng rằng những điều mình làm chỉ là “dã tràng se cát”. Rồi sẽ chẳng có gì thay đổi đâu, mọi việc rồi sẽ tiếp tục theo quỹ đạo đã vạch sẵn mà thôi. Có lẽ tôi chỉ đang cố làm cho mình bận rộn để không phải nghĩ thêm về những gì đang diễn ra, chứ chẳng phải là tôi có niềm tin vào ý nghĩa của những việc mình đang làm. Viễn cảnh của xung đột Biển Đông đối với tôi thật quá mờ mịt.

Mong tìm được chút ơn soi sáng, tôi bỏ một ngày cuối tuần để đọc lại và suy nghĩ về bức thư kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Bức thư này tôi đã đọc kỹ khi nó vừa được đưa ra, và ngay khi ấy tôi đã có thoáng chút băn khoăn về lời khẳng định lập trường hòa bình, phản đối chiến tranh của Giáo hội Công giáo. Vâng, chúng ta cần hòa bình, nhất là khi nền hòa bình đó “không tách rời những đòi hỏi về công lý, được nuôi dưỡng bởi […] sự khoan dung và tình yêu”[1]. Nhưng liệu có đòi hỏi hoặc mong đợi những điều này được không ở nhà cầm quyền Trung Quốc, những kẻ mà sự gian trá, ngược ngạo, và bá quyền nước lớn dường như đã trở thành bản chất? Làm sao tôi và những người Việt Nam khác có thể khoan dung và yêu thương những kẻ xâm chiếm đất nước và giết hại đồng bào của chúng tôi? 

Nền hòa bình dựa trên công lý như Giáo hội đòi hỏi rõ ràng vô cùng khó, và có thể nói là không tưởng khi xét trong mối quan hệ cụ thể và phức tạp giữa Việt Nam và Trung Quốc gần một thế kỷ qua. Trong bối cảnh đất nước đang bị xâm lấn, một lời kêu gọi hòa bình nghe rất giống lời kêu sự nhân nhượng, chấp nhận bị đè ép và xâm lấn mà không phản kháng để “không ảnh hưởng đến đại cục” – như những gì đang diễn ra tại Việt Nam. Là một người Công giáo – dù tôi rất hổ thẹn thú nhận rằng mình không phải là một con chiên ngoan đạo – lẽ nào tôi có thể khoanh tay đứng nhìn và chờ xem,vì “đã có Đảng và Nhà nước lo”, như người ta hay nói ở Việt Nam? Lương tâm của một con người, một công dân và một giáo dân Việt Nam không cho phép tôi có thái độ đó. Nhiều ngày hoang mang, mất phương hướng trôi qua, nhưng tôi biết mình phải kiên trì tiếp tục tìm hướng đi cho mình, để có thể có vững tâm tiếp bước.

Dọ dẫm tìm đường, tôi đọc lại các sứ điệp hòa bình của các vị Giáo hoàng, và chú ý đến các Sứ điệp hòa bình năm 1972 [1], 1973[2], 1974[3] của Đức Phaolô VI vì tên gọi của chúng dường như có thấp thoáng hình bóng của một thông điệp cho chính tôi


Sứ điệp hòa bình năm 1972 khẳng định“nếu bạn muốn hòa bình, hãy hoạt động cho công lý”. Sứ điệp bình năm 1973 động viên chúng ta rằng “hòa bình là có thể”. Sứ điệp 1974 kêu gọi “hòa bình cũng tùy thuộc vào bạn nữa” Vâng, với niềm tin, tôi hy vọng mọi việc sẽ diễn ra như các sứ điệp hoà bình đã nêu. Trong xung đột ở Biển Đông, giải pháp hòa bình là đưa vụ việc ra tòa án quốc tế. Nếu nhà nước Việt Namkiên quyết kiện Trung Quốc như Thủ tướng đã từng tuyên bố, có thể chúng ta sẽ đòi được chủ quyền ở Biển Đông bằng con đường hòa bình. Nhưng tôi vẫn băn khoăn: Công lý đích thực ở đâu, và ai có thể đem lại cái gọi là “công lý”, nếu không phải là những kẻ mạnh, trong đó có Trung Quốc? Những phán đoán của nhiều học giả Việt Nam về khả năng thắng kiện của Việt Nam có chính xác không, nếu giả dụ nó đang dựa trên những thông tin chưa đầy đủ? Liệu Việt Nam có thực sự có khả năng thắng kiện không, khi phía Trung Quốc cũng có những bằng chứng cứ chống lại ta mà họ đang dần công bố? Và mỗi người chúng ta có thể làm gì để thúc đẩy nhà nước nhanh chóng xúc tiến vụ kiện, cùng góp tay vào quá trình thu thập thông tin và xây dựng hồ sơ kiện nhanh chóng, thuận lợi và đầy đủ nhất?

Và ánh sáng đã lóe lên. Chìa khóa để trả lời hầu hết những câu hỏi ở trên là: Sự thật. Chỉ có toàn bộ sự thật mới giúp cho các học giả Việt Nam biết được những chứng cứ mà phía Trung Quốc có thể đưa ra để chống lại Việt Nam và phán đoán đúng những khó khăn cần vượt qua; chỉ có sự thật mới giúp đoàn kết mọi người dân Việt vượt qua những khó khăn này; và chỉ có toàn bộ sự thật không cong queo, úp mở mới thuyết phục được cộng đồng quốc tế về tình trạng “không thể tranh cãi” của chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Còn tôi, với tư cách một người hoạt động trong ngành giáo dục, tôi cũng đã biết mình phải làm gì để “hoạt động cho công lý”, để góp phần vào giải pháp hòa bình cho Biển Đông. Tôi sẽ tiếp tục với con đường đi tìm và nói lên sự thật và chỉ sự thật, dù biết rằng sẽ có khi gặp trở ngại, sẽ có lúc phải đi đường vòng để có thể nói được sự thật cần phải nói. 

Bởi, “sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8, 32).

****************

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.