Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Chủ nhật, đọc lại bài thơ Trăng nghẹn

Tình cờ, một người bạn của tôi ở miền Tây post lên trên trang fb của bạn ấy bài thơ đã từng làm ồn ào dư luận cách đây vài năm - bài thơ Trăng nghẹn.

Tôi đã đọc bài ấy từ lúc nó mới ra đời, và đã có cảm xúc rất mãnh liệt, nên bài thơ ấy đối với tôi không còn mới nữa. Vậy mà khi đọc lại, tôi vẫn thấy nghèn nghẹn. Chẳng phải vì tác giả là một người cầm bút quá tài năng, mà vì những cảm xúc và hình ảnh, sự kiện trong bài thơ quá chân thật. Và quá buồn.

Với một bài thơ như vậy, chúng ta không nên bình luận gì nhiều, vì sẽ làm hỏng bài thơ. Cảm xúc chân thật vốn luôn đi thẳng vào lòng người, không cần nhờ đến bất cứ một lời dẫn giải nào. Tôi chỉ tô đậm lên những đoạn, những câu tôi thích để đánh dấu cho chính mình mà thôi.

Bài thơ Nghẹn. Nghẹn vì những cảm xúc, những hình ảnh, và những sự kiện buồn. Và nghẹn hơn vì đọc xong thì nhận rõ cái buồn lớn nhất, dù không được nói ra: Không có một chút ánh sáng nào cuối đường hầm cả. Nghẹn.

Bài thơ ấy ở đây: http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=6405


TRĂNG NGHẸN - thơ HOÀI TƯỜNG PHONG

22.02.2010 08:11

(TÁC PHẨM ĐOẠT GIẢI 1 CUỘC THI THƠ ĐBSCL NĂM 2009)

Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân

(Trích)

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,  
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.  
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,  
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,  
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.  
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,  
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.

Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,  
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.  
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,  
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.

Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,  
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm. 
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,  
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.

Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ. 
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,  
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.

Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê, 
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.  
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu, 
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.

Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:  
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,  
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất, 
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.

Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,  
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.  
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,  
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê.


H.T.P (Cần Thơ)

Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Marx đã viết gì về tự do báo chí?

Bài này được bắt đầu viết từ ngày 3/5, nhưng do sự kiện giàn khoan nên tôi đã tạm gác lại để theo dõi tình hình Biển Đông. Giờ tình hình Biển Đông đã chuyển sang giai đoạn "trường kỳ kháng chiến" nên mới quay lại viết nốt. Chỉ là thông tin khách quan và một câu hỏi, mong mọi người góp phần giải đáp.
------------
Ngày 3/5 hàng năm là Ngày tự do báo chí. Đó là một ngày được UNESCO thừa nhận và hầu hết thế giới công nhận. Thậm chí, còn có một giải thưởng quốc tế của UNESCO về tự do báo chí gắn liền với ngày này, có thể đọc ở đây: http://www.unesco.org/new/en/communication-and-information/freedom-of-expression/press-freedom/unesco-world-press-freedom-prize/.

Một ngày quan trọng như vậy, nhưng hầu như truyền thông của VN không hề nhắc đến dù chỉ một dòng. Sao thế? Phải chăng chủ nghĩa Mác đả phá tự do báo chí, nên các nước cộng sản như VN không công nhận ngày này (và cũng không công nhận quyền này, như có thể thấy qua hiện trạng tại VN: không có báo chí tư nhân; nhiều bloggers bị đi tù do phạm phải những điều luật hạn chế, cấm đoán quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận được quy định rõ ràng trong các điều luật, ví dụ như điều 258 ...).

Trước nay tôi vẫn đinh ninh tự do báo chí là điều cấm kỵ từ lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản, nên rất bất ngờ khi đọc được một mẩu tin nói về quan niệm của Marx về tự do báo chí. Có thật là Marx ủng hộ tự do báo chí hay không nhỉ? Tôi bỏ công ra đi tìm, và trong thời đại Internet với google search ngày nay, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì cửa sẽ mở  ra ....

Đây, trên trang tư liệu về Karl Marx tại trường ĐH Quốc gia Úc: http://marxists.anu.edu.au/archive/marx/works/1842/free-press/ch05.htm. Bài viết của Marx (bằng tiếng Đức) từ năm 1842, tức là cách đây đã 172 năm rồi.

Xin dịch vài đoạn đáng lưu ý:

The censorship law, therefore, is not a law, it is a police measure; but it is a bad police measure, for it does not achieve what it intends, and it does not intend what it achieves.

Luật kiểm duyệt, vì thế, không phải là luật, mà là một biện pháp của công an; tuy nhiên nó là một biện pháp tồi, bởi nó không đạt được điều nó muốn, mà chỉ đạt được những điều nó không muốn.

If the censorship law wants to prevent freedom as something objectionable, the result is precisely the opposite. In a country of censorship, every forbidden piece of printed matter, i.e., printed without being censored, is an event. It is considered a martyr, and there is no martyr without a halo and without believers. It is regarded as an exception, and if freedom can never cease to be of value to mankind, so much the more valuable is an exception to the general lack of freedom. Every mystery has its attraction. Where public opinion is a mystery to itself, it is won over from the outset by every piece of writing that formally breaks through the mystical barriers. The censorship makes every forbidden work, whether good or bad, into an extraordinary document, whereas freedom of the press deprives every written work of an externally imposing effect. 

Nếu luật kiểm duyệt mong muốn cản trở tự do vì xem đó là điều đáng lên án, thì kết quả lại hoàn toàn trái ngược. Trong một quốc gia có kiểm duyệt, bất kỳ ấn phẩm bị cấm nào được in ra - tức thoát khỏi sự kiểm duyệt - đều trở thành một sự kiện. Nó được xem là một kẻ tử đạo, và tất nhiên không có kẻ tử đạo nào mà lại không có hào quang và tín đồ. Nó được xem là một ngoại lệ, và nếu như tự do chẳng bao giờ hết giá trị đối với nhân loại, thì sự ngoại lệ ấy lại càng được đánh giá cao trong hoàn cảnh thiếu tự do nói chung. Mỗi điều bí mật đều có sự hấp dẫn của nó. Nơi nào mà công luận là một bí mật đối với chính nó, thì nơi đó mỗi bài viết thoát ra được khỏi những rào cản bí mật sẽ là một thành công ngay từ đầu. Sự kiểm duyệt làm cho mỗi bài viết bị cấm, dù chất lượng tốt hay không tốt, đều trở thành một tài liệu độc đáo, trong khi tự do báo chí sẽ giúp mọi bài viết thoát khỏi những ràng buộc từ bên ngoài.
---
Còn đoạn này nữa, mới thực sự là "giật gân" này. Mác viết đây sao? Nghe cứ như lời trong Kinh thánh, cho thấy Mác xem "tự do báo chí" là thiêng liêng đến mức nào:

The free press is the ubiquitous vigilant eye of a people's soul, the embodiment of a people's faith in itself, the eloquent link that connects the individual with the state and the world, the embodied culture that transforms material struggles into intellectual struggles and idealises their crude material form. It is a people's frank confession to itself, and the redeeming power of confession is well known. It is the spiritual mirror in which a people can see itself, and self-examination is the first condition of wisdom. It is the spirit of the state, which can be delivered into every cottage, cheaper than coal gas. It is all-sided, ubiquitous, omniscient. It is the ideal world which always wells up out of the real world and flows back into it with ever greater spiritual riches and renews its soul. 

Báo chí tự do là con mắt có mặt ở khắp nơi để giám sát linh hồn của mỗi dân tộc, là hiện thân của niềm tin  vào chính mình của dân tộc ấy, là mối liên kết mạnh mẽ kết nối mỗi cá nhân với nhà nước và với thế giới, là hiện thân của một nền văn hóa có khả năng biến đổi cuộc đấu tranh vật chất thành cuộc đấu tranh trí tuệ và lý tưởng hóa hình thức vật chất của nó. Đó là lời thú tội thẳng thắn của một dân tộc với chính mình, và ai cũng biết sức mạnh cứu rỗi của việc thú tội là như thế nào rồi. Đó cũng là tấm gương tinh thần trong đó một dân tộc có thể nhìn thấy chính mình, và việc tự xem xét chính mình điều kiện đầu tiên của sự khôn ngoan. Đó là linh hồn của nhà nước, có thể được đưa vào dưới mỗi mái nhà, và rẻ hơn so với khí than. Nó toàn diện, có mặt ở mọi nơi, và toàn trí. Nó là thế giới lý tưởng luôn tuôn trào từ thế giới thực và chảy trở lại vào trong thế giới đó với những của cải thiêng liêng to lớn hơn nữa làm đổi mới tâm hồn của thế giới này.
------------
Vâng, như thế đấy. Rõ ràng Karl Marx ủng hộ tự do báo chí và chống lại việc kiểm duyệt báo chí như ở VN hiện nay hoặc các nước cộng sản ở Đông Âu trước đây. Nhưng vậy là sao? Chẳng  lẽ những người cộng sản miệng thì nói kiên định với chủ nghĩa Mác, nhưng tay lại làm ngược lại?

Hay là họ chưa bao giờ thực sự đọc Mác, mà chỉ đọc qua những người khác như Lenin, Stalin, Mao? Nhưng mấy ông này cũng luôn tự xưng mình là học trò của Mác kia mà. Hay ... họ chỉ lợi dụng cái tên của Mác thôi, còn bụng thì chẳng bao giờ nghĩ giống Mác cả?

Còn nếu không, thì chẳng lẽ cái archive của ĐH Quốc gia Úc lại ... đưa vào đấy những tài liệu giả mạo ư? Không có lẽ thế. Mà nếu giả mạo, thì các học giả nghiên cứu về Mác trên khắp thế giới, trong đó có VN, phải lên tiếng chứ nhỉ?

Có ai trả lời được cho tôi không? Hay câu hỏi này lại được đưa vào danh sách những câu hỏi lớn không lời đáp của tôi?

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Tổ quốc bao giờ "lạ" thế này chăng?

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?

Hai câu thơ mở đầu trong bài thơ "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?" là hai câu thơ đẹp. Lần đầu tiên tôi được đọc bài thơ ấy là vào năm 77, 78 gì đó, năm ấy tôi đang học lớp 12 tại trường Gia Long (sau năm 1975 đổi tên là Nguyễn Thị Minh Khai).

Vì học ban Văn chương (lúc ấy gọi là ban A-B, thực ra là ban B tức là Văn - Sinh ngữ, khác với ban A là Văn - Sử; hai ban này riêng biệt nhưng vì số học sinh ít quá nên được gộp chung lại cho đủ một lớp gọi chung là ban A-B) nên môn Văn đối với chúng tôi là một môn học quan trọng, một tuần học đến 5 tiết (hình như thế), trong khi các môn khoa học tự nhiên như môn Lý chỉ học có 1 tiết/tuần, còn  môn Toán - cũng là một môn quan trọng, xuất hiện trong mọi kỳ thi lớn - cũng chỉ có 3 tiết/tuần mà thôi.

Quan trọng thế, lại là bọn yêu văn chương (chẳng thế thì tại sao lại chọn học ban A-B!) nên bọn tôi rất chăm đọc văn, thơ của các nhà văn, nhà thơ "cách mạng", dù thơ của họ hay hoặc dở thì cũng thế. Và rất mừng khi được đọc/học một bài thơ, một đoạn văn hay, vì như thế chúng tôi sẽ không phải bò ra học những câu văn, lời thơ khô như ngói hoặc sống sượng, ngây ngô kiểu như "ăn đi vài con cá/dăm bảy cái chột nưa" hoặc "nhà lao mà giống gia đình" mà thời đó bọn tôi vẫn cứ phải cố gào lên để học cho thuộc.

Quay lại bài thơ của CLV. Đó là một bài thơ rất dài và không phải câu nào cũng hay; vẫn có những câu ca ngợi đảng CS và lãnh tụ quá mức theo phong cách của mấy nước cộng sản "anh em" - chẳng hạn như mấy câu "thuở đất nước của Hùng Vương có Đảng/mỗi người dân đều được thấy bác Hồ", hoặc "cho tôi sinh ra buổi Đảng dựng xây đời", "Ta tựa vào Đảng ta, lên tiếng hát" - nhưng nói chung vẫn là một bài thơ hay với nhiều ẩn dụ độc đáo, giọng điệu tự tin reo vui, lời thơ đẹp, ngôn ngữ chọn lọc, hình ảnh đẹp tươi lấp lánh .... Chỉ đọc qua một lần thôi mà bài thơ dài ấy đã được nhiều đứa trong lớp tôi thuộc hết, còn nếu không thì cũng thuộc những câu hay nhất, nổi tiếng nhất.

Những câu thơ đẹp và đầy cảm xúc như thế này làm sao mà tôi quên dược cơ chứ:

Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời,
Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá
Những pho tượng chùa Tây Phương không biết cách trả lời
Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ
Văn Chiêu hồn từng thấm giọt mưa rơi!

 hoặc:
Không ai có thể ngủ yên trong đời chật
Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng.
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt,
Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm,
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt,
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng...
 
Những câu thơ ấy đã đi vào lòng chúng tôi, thế hệ thanh niên miền Nam đầu tiên được hưởng nền giáo dục cách mạng. Nhắc lại một chút, hồi ấy để giúp phường và tổ dân phố có thể "quản lý" được người dân và sắp xếp họ vào các hoạt động đoàn thể cho đúng, ví dụ hội thanh niên, hội phụ nữ, đội thiếu niên tiền phong vv thì người ta đã định nghĩa "thanh niên" là lứa tuổi từ 15 đến 28. Mà năm 1975 thì tôi 15 tuổi, bắt đầu vào cấp 3, nên tôi học trọn chương trình cấp 3 trong chế độ mới,  vâng tôi nói tôi là thế hệ thanh niên đầu tiên hưởng nền giáo dục cách mạng là như thế đấy.

Những câu thơ đẹp như thế đã làm cho chúng tôi yêu chế độ hơn một chút, và lạc quan hơn một chút, quên đi những bữa cơm gạo hẩm độn khoai mì hoặc bo bo của thời ấy, quên những cuộc "cải tạo công thương nghiệp" mà người ta hay gọi nôm na là "đánh tư sản", thậm chí thảng hoặc còn quên là mình là con cái của ngụy quân, ngụy quyền, quên những người thân còn đang trong trại cải tạo chưa biết đến bao giờ mới được về. Chỉ thấy đất nước đẹp vô vàn, dân tộc anh hùng, đất nước thống nhất, khó khăn nếu có chỉ là tạm thời của một đất nước vừa qua một cuộc chiến tranh lâu dài, mọi người cần phải cố gắng xây dựng đất nước, bla bla bla ....

Thậm chí, một số bạn bè của tôi là con gái mà vẫn mà xung phong đi bộ đội, đi thanh niên xung phong sau khi tốt nghiệp lớp 12, để rồi sau đó bị thương nặng, tàn phế trong chiến trường Campuchia - nhưng thôi những chuyện ấy không liên quan nên tôi sẽ không nhắc thêm ở đây. Chỉ biết, dù khó khăn không có bút mực nào tả xiết nhưng lúc ấy đối với chúng tôi câu "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?" vẫn là một câu thơ rất đẹp, và dường như rất thật.

Thế rồi, từ một cô gái mười bảy bẻ gẫy sừng trâu đầu chứa đầy những câu thơ đẹp và tình cảm ngây thơ về một đất nước đẹp tươi, thống nhất, sạch bóng ngoại bang, ngây thơ tin vào một tương lai tươi sáng khi đất nước đang "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CNXH", thoắt một cái tôi đã thành một bà già sắp về hưu, còn cô con gái út của tôi thì bây giờ lại đúng 17 tuổi, sắp vào lớp 12. 

Trong thời gian dài bẵng đi mấy mươi năm ấy, biết bao điều đã thay đổi, nhưng hình như chương trình văn học của trung học phổ thông vẫn không có mấy thay đổi. Vẫn là Tố Hữu, Hồ chủ tịch, rồi thơ Chế Lan Viên với những bài thơ/tập thơ quen thuộc: Chú bé loắt choắt/cái xắc xinh xinh; Ngoại cảm trời Hoa cơn nóng lạnh/Nội thương đất Việt cảnh lầm than; và chắc chắn không thể không có bài thơ "Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?" mà đến giờ tôi vẫn thấy quả là một bài thơ xuất sắc.

Chỉ có cảm xúc về bài thơ của CLV là khác. Câu thơ tuyệt vời ấy nếu ai vào lúc này đọc lên bỗng có vẻ gì đó mỉa mai. Cách đây từ mấy năm, khi Trung Quốc bắt đầu gây hấn ở Biển Đông, cắt cáp tàu dầu khí của ta, cấm ngư dân ta đánh cá, rồi bắt bớ, đánh đập ngư dân, đòi tiền chuộc ... nhưng nhà nước ta vẫn cố tình nhẫn nhịn (vì đại cục?), tôi đã nghe một phiên bản mới của câu thơ ấy: "Tổ quốc bao giờ NHỤC thế này chăng?" Nghe đau lắm, nhưng ... không phải là không đúng! 

Lại có một phiên bản khác do bạn tôi "sáng chế" ra khi nghe tin người VN ăn cắp ở Mã Lai và bị trói tay, đeo bảng ghi rõ là "đồ ăn cắp", rồi bị cảnh sát áp tải ra giữa chợ cho mọi người xem, bị mọi người xúm vào đánh, chửi và cho ăn bạt tai xối xả. Vâng, bạn tôi bảo: Tổ quốc bao giờ ĐẸP MẶT thế này chăng!

Nhưng hôm nay tôi đọc được mấy cái tin làm tôi chú ý. Trước hết là tuyên bố mạnh mẽ của Indonesia về vấn đề Biển Đông. Họ bảo, sẽ điều quân ủng hộ VN vì không thể để cho TQ muốn làm gì thì làm như thế. Vậy là vụ đụng độ ở Biển Đông đến nay đã kéo dài gần 2 tháng, cả thế giới thì sôi sục, không chỉ Nhật, Philippines, Mỹ, mà giờ đây đến cả Indo cũng đứng hẳn về phía bênh vực VN. 

Chỉ riêng VN thì lâu nay vẫn chẳng làm gì ngoài việc dùng lời để lên án TQ trên các phương tiện truyền thông của ... VN (well, cũng có ở nước ngoài nữa, nhưng ít lắm), dọa kiện TQ ra tòa án quốc tế "vào một thời điểm thích hợp" (nhưng không ai có thể đoán được đến khi nào mới thích hợp); hai bên vẫn gọi nhau là đồng chí, dù hai người đồng chí này hiện đang là kẻ thù của nhau. "Đồng chí thù, đồng chí bạn", có ai đó đã nói mỉa mai như thế. Quân đội VN thì từ lâu đã tuyên bố dứt khoát phải kiên trì với đường lối hòa bình, cho dù kẻ thù có khiêu khích đến cỡ nào đi nữa. 

Còn Quốc hội? Mới đây có đại biểu Trương Trọng Nghĩa tha thiết đề nghị QH ra nghị quyết về Biển Đông được dư luận ủng hộ lắm, mà nghe nói là những đại biểu khác trong QH cũng rất ủng hộ, vậy ít ra QH cũng sẽ ra nghị quyết chứ? Ồ không, QH đã tuyên bố rồi: Sẽ không ra nghị quyết, vì nhiều lý do, chắc vậy, nhưng một trong những lý do ấy là ... à thì ... quy trình ra nghị quyết ở QH rắc rối, phức tạp và mất thời gian lắm lắm .... 

Ồ, thì ra là vậy sao? Ra nghị quyết ở QH Việt Nam khó khăn đến thế cơ à? Kể cả trong những trường hợp khẩn cấp, nước sôi lửa bỏng, đất nước bị xâm phạm như lúc này á?

Lạ quá, đúng không?

Bỗng dưng câu thơ nổi tiếng của CLV lại bật ra trong đầu tôi, lần này là phiên bản mới khác nữa:

Tổ quốc bao giờ "lạ" thế này chăng?!

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Kẻ thù ta đâu có phải là người ...

Kẻ thù ta đâu có phải là người ...

Đó là câu đầu tiên, cũng là câu được nhắc lại nhiều lần, trong bài hát có tựa là "Kẻ thù ta" của Phạm Duy sáng tác năm 1965. Vào thời điểm mà chiến tranh Việt Nam bắt đầu leo thang trên toàn quốc, kéo theo cả một thập niên máu lửa tơi bời, khi người Việt hai miền lao vào bắn giết lẫn nhau trong cuộc chiến mà lúc ấy ở miền Nam vẫn được gọi là chiến tranh ý thức hệ, còn miền Bắc thì gọi là chiến tranh giải phóng dân tộc, một cuộc máu chảy đầu rơi khốc liệt chưa từng có trong lịch sử của đất nước.

Bài hát này hồi ấy tôi không thấy hay, một phần có thể là vì tôi còn nhỏ quá chưa hiểu hết ý nghĩa của nó (năm 1965 tôi mới 5 tuổi, theo gia đình từ Phan Thiết vào SG, mặt bầu bĩnh mắt tròn ngơ ngác như trong mấy tấm hình mà đến giờ tôi vẫn còn giữ sau gần nửa thế kỷ). Nhưng rõ ràng bài hát ấy không mấy nổi tiếng vì không thấy phổ biến lắm, trừ hai câu đầu tiên rất có ý nghĩa mà tôi nghĩ ai đã sống qua thời VNCH ở miền Nam đều biết. Nhưng hôm nay nghe lại bài hát này trong bối cảnh Việt Nam đang bị người bạn vàng, đồng chí tốt xâm lấn, và nhiều vấn đề của cuộc chiến tranh 54-75 đang được chính thức hoặc không chính thức đặt lại và nhận thức lại, tôi thấy bài hát quá thâm thúy. 

Không chỉ sâu sắc về lời, mà giai điệu cũng rất phù hợp với hoàn cảnh của thời ấy. Nó gợi nhớ phong trào phản chiến thời thập niên 1960s ấy (thập niên mà tôi sinh ra và lớn lên cùng, một thế hệ lầm lạc - lost generation), và làm cho lòng ta nặng trĩu khi nhớ lại một thời đã xa và những cơ hội đã bị bỏ lỡ.

Vâng, kẻ thù ta .... Kẻ thù ta đâu có phải là người? Nó nằm đây nằm đây ở mỗi ai, người Việt ơi!

Xin chép lại để lưu và để mọi người VN cùng suy ngẫm.

-----------------
Kẻ Thù Ta (Tâm ca số 7)
Phạm Duy (1965)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta tên nó là gian ác
Kẻ thù ta tên nó là vô lương
Tên nó là hận thù
Tên nó là một lũ ma (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta mang áo mầu chủ nghĩa
Kẻ thù ta mang lá bài tự do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chia rẽ chúng ta (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Người người ơi thương xót người nhỏ bé
Người người ơi thương xót người ngây thơ
Thương xót người bị mua
Thương xót người bị lừa
Thương xót người thương xót ta (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai  
Kẻ thù ta tên nó là vu khống
Kẻ thù ta tên nó là vô minh
Tên nó là lòng tham
Tên nó là tị hiềm
Tên nó là sự ghét ghen (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai  
Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo
Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu
Trong cõi lòng quạnh hiu
Trong óc hẹp tiêu điều
Trong giấc mộng xâm chiếm nhau (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nẵm đây nẵm ngay ở mỗi ai  
Người người ơi yêu mến người mãi mãi
Người người ơi yêu mến người không nguôi
Yêu mến người đầy vơi
Yêu mến người đêm ngày
Yêu mến người ta nắm tay (thế thì)
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai ?
Kẻ thù ta đâu có ở người ngoài
Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai.


https://www.youtube.com/watch?v=79MzqJaG4AQ

Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

Trung Hoa nhật báo lại viết gì về Biển Đông thế ạ?

Cả ngày nay - nói đúng hơn là cả hơn tháng nay - tôi chẳng làm gì được ngoài việc mò mẫm thông tin trên mạng về Biển Đông. Chẳng biết là may hay là rủi, mới sáng ra tôi đã vớ được bài viết mới của một "học giả" Trung Quốc đăng trên China Daily với nhiều lập luận mà đọc lên thì biết ngay là ngụy biện nhưng cũng khá nguy hiểm đối với những người vẫn còn mơ hồ và vẫn giữ cách tư duy như cũ. Tất nhiên là tôi rất bực, và vì thế cứ quanh đi quẩn lại với bài viết ấy, mất hết cả ngày.

Bài viết ấy ở đây: http://usa.chinadaily.com.cn/opinion/2014-06/14/content_17587122_2.htm

Xin trích dịch vài đoạn để các bạn có thể hiểu được tại sao tôi lại khó chịu đến thế:

Các nhà lãnh đạo VN nói rằng TQ đã cưỡng chiếm toàn bộ "quần đảo Hoàng Sa" vào năm 1974, lúc ấy còn đang được kiểm soát bởi chế độ Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn đã tổ chức một cuộc hải chiến năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa và kêu gọi sự giúp đỡ của đồng minh của mình lúc ấy là Mỹ, đồng thời yêu cầu Hội đồng bảo an LHQ can thiệp. Nhưng cả Mỹ lẫn Hội đồng bảo an LHQ đều không ủng hộ yêu cầu này. Điều này có nghĩa là cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ, chưa bao giờ tin vào cáo trạng hoặc yêu sách của chế độ này.
[...]
Vậy bây giờ, 39 năm sau khi đánh bại nước Mỹ, tại sao CHXHCN Việt Nam lại muốn sử dụng yêu sách của VNCH để gây xung đột ở biển Hoa Nam? Phải chăng các lãnh đạo hiện nay của VN đang phản bội Hồ Chí Minh và những chiến sĩ cách mạng khác, xúc phạm đến sự hy sinh của hàng trăm ngàn đồng bào đã ngã xuống để chống ngoại xâm, và phủ nhận sự ủng hộ quý báu của các đồng minh trong cuộc chống lại chủ nghĩa thực dân khi dùng lại yêu sách của chế độ Sài Gòn tay sai bán nước?
 [...]
Các nhà lãnh đạo VN tuyên bố rằng không có quốc gia nào thừa nhận rằng quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc. Đây là một lời nói dối trắng trợn, vì chính VNDCCH  là nước đứng đầu danh sách các quốc gia công nhận chủ quyền của TQ trên các quần đảo này.

Còn đây là đoạn kết, giọng điêu đầy thách thức:

Việt Nam đã tuyên bố rằng nó có sẵn bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh yêu sách của mình tại biển Hoa Nam, và đang chờ đến lúc thuận tiện để đưa TQ ra tòa án công lý quốc tế. Nếu quả là như thế thì VN chớ quên đưa ra công hàm PVĐ và tuyên bố của VNDCCH (năm 1965) cũng như các bản đồ và sách giáo khoa mà nó xuất bản trước năm 1975, cùng với bản cáo trạng ấy.

Các bạn thấy sao? Ban đầu khi đọc bài này, tôi vừa tức giận vừa cảm thấy lo sợ. Có vẻ như chúng ta yếu thế quá, còn họ thì mạnh quá. Thì họ đã lấy ngay chính chúng ta để chống chúng ta rồi đó: nào là công hàm PVĐ, nào là bản đồ và SGK, rồi tuyên bố năm 1965 gì đấy. Kiểu này thì VN chỉ có nước thua mất thôi.

Nhưng rồi tôi bình tĩnh đọc lại, và thấy buồn cười. Ừ thì TQ có mấy thứ "bảo bối" mà bài viết đã nêu ra, trong đó nặng ký nhất là công hàm PVĐ, còn những thứ kia chỉ phụ thêm. Đúng là VN có chút ít khó khăn với công hàm PVĐ thật, nhưng chẳng lẽ chỉ với công hàm đó thôi rồi đưa ra tòa thì quốc tế sẽ công nhận chủ quyền cho TQ dược ư? Vậy những bằng chứng hùng hồn và có tính pháp lý của VN về chủ quyền trên Hoàng Sa thì họ định bỏ đi đâu?

Nếu chủ quyền lãnh thổ mà quốc tế lại công nhận dễ dàng đến thế, thì sau vụ này các nước sẽ ra sức nhắm vùng lãnh thổ nào đó thuộc chủ quyền của nước khác nhưng vẫn còn hoang vắng ít người, sau đó xúi một nước thứ ba viết giấy công nhận chủ quyền cho mình, rồi sau đó sẽ được quốc tế công nhận hết chăng? Vớ vẩn quá.

Tôi không phải là luật gia, cũng chẳng phải là chuyên gia về quan hệ quốc tế, nên không thể và cũng không nên lạm bàn thêm. Chỉ xin có vài lời phản biện dựa trên chính logic của bài viết thôi.

1. Chính quyền Sài Gòn đã tổ chức một cuộc hải chiến năm 1974 tại quần đảo Hoàng Sa và kêu gọi sự giúp đỡ của đồng minh của mình lúc ấy là Mỹ, đồng thời yêu cầu Hội đồng bảo an LHQ can thiệp. Nhưng cả Mỹ lẫn Hội đồng bảo an LHQ đều không ủng hộ yêu cầu này. Điều này có nghĩa là cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Mỹ, chưa bao giờ tin vào cáo trạng hoặc yêu sách của chế độ này.

Đây là điều hoàn toàn ngụy biện. Khi anh kêu gọi mà người khác không giúp đỡ, thì có thể có rất nhiều lý do, mà đơn giản nhất là do họ cảm thấy không có lợi gì khi giúp anh, thế thôi. Một lý do khác là họ muốn nhưng không đủ điều kiện để giúp. Không thể dùng việc họ không giúp để làm "chứng cớ" rằng Hoàng Sa không thuộc về VNCH được.

2. Vậy bây giờ, 39 năm sau khi đánh bại nước Mỹ, tại sao CHXHCN Việt Nam lại muốn sử dụng yêu sách của VNCH để gây xung đột ở biển Hoa Nam? 

Tại sao đánh bại nước Mỹ rồi thì không sử dụng yêu sách của VNCH để đòi lại một phần lãnh thổ của VN được nhỉ? "Logic" này khó hiểu quá. Việc nào ra việc đó chứ? Nói thẳng ra, thưa ông "học giả", đây là một chiêu nhằm chia rẽ dân tộc VN, nhưng trò này vừa cũ vừa thô thiển quá, chúng tôi không mắc bẫy đâu ạ. VN với Mỹ, Pháp, Nhật đều là cựu thù đấy thôi, mà giờ còn trở thành bạn tốt của nhau được, thì dân VN hai miền sao lại không thể quên đi quá khứ nhỉ? Còn riêng TQ thì không những từ thù thành bạn, mà còn là bạn vàng bạn tốt nữa kia, ông quên rồi sao?


3. Các nhà lãnh đạo VN tuyên bố rằng không có quốc gia nào thừa nhận rằng quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc về Trung Quốc. Đây là một lời nói dối trắng trợn, vì chính VNDCCH  là nước đứng đầu danh sách các quốc gia công nhận chủ quyền của TQ trên các quần đảo này.

Ở đây, chỉ xin hỏi ông "học giả" một câu: ông có thể kể ra thêm một quốc gia khác ngoài VNDCCH đã "công nhận chủ quyền" của TQ trên hai quần đảo HS-TS không? Nếu ông không kể được, thì chính ông mới là người nói dối trắng trợn đó ạ.


Buồn cười thật, phải không các bạn?

Nói thêm: Buồn cười thì buồn cười, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể xem thường những bài viết như thế này. Nước chảy đá mòn, họ nói mãi thì thế giới sẽ nghe. Nhà nước Việt Nam cần nhanh chóng hoàn tất hồ sơ kiện TQ ra tòa án quốc tế đi ạ (tất nhiên là phải cẩn thận và chuyên nghiệp), vì làm như thế chẳng mất gì, chỉ được thêm sự ủng hộ của người dân mà thôi.