Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Nghĩ vụn về những gã đàn ông và một cô gái nhỏ

Nhã Thuyên:
Tôi không nói những lời này để kết thúc một sự việc, chỉ là để khép lại một đoạn đường. Và dù tôi đã làm bạn thất vọng lẫn lo âu, tôi chỉ muốn nói cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn… Cảm ơn vì đã gặp, đã biết, đã nghe, đã va chạm, đã hiểu, đã yêu nhau, dù chỉ trong những khoảnh khắc.

Lúc này, tôi chỉ muốn nói yêu.
-----------
Tôi chưa bao giờ nặng lời về đàn ông VN. Vì tôi nghĩ như thế là vơ đũa cả nắm, và bất công. Vì tôi kính trọng cha tôi, yêu người đàn ông duy nhất của đời tôi, cũng như quý mến những người đàn ông khác là thầy, là bạn, là đồng nghiệp mà tôi biết.

Nhưng đọc xong những dòng "Thư cuối năm", cũng là entry gần đây nhất (dù đã cách đây hơn 3 tháng) trên blog của Nhã Thuyên, cô gái vừa bị tước bằng thạc sĩ ở ĐH SP Hà Nội (ai chưa biết có thể google để biết) rồi nhớ lại những gì người ta đã viết và đã làm với cô gái nhỏ ấy (trong độ tuổi 20, vừa bằng tuổi con tôi), thì tôi bỗng thấy vừa phẫn nộ vừa ghê sợ những gã đàn ông có liên quan đến "vụ Nhân văn Giai phẩm hiện đại" này. Và ghê sợ đàn ông Việt Nam nói chung, vì quả thật những gã đàn ông như vậy ở VN sao nhiều quá.

Thử nghĩ xem: Một bên là rất đông những kẻ có tuổi bằng cha cô ấy, có bằng cấp, có chức vụ, có quyền lực, có cả truyền thông và đám đông sẵn sàng hùa theo tung hô đả đảo. Một bên là một cô gái trẻ, yêu văn học, liều lĩnh tìm cho mình một con đường mới, chọn một góc nhìn mới, và nói lên những điều mình tin với một sự can đảm không ngờ. Cô ấy chỉ có một mình - hoặc đúng hơn, là còn một phụ nữ khác đồng cảnh ngộ, người hướng dẫn của cô ấy, bà Nguyễn Thị Bình, giờ đã bị buộc nghỉ hưu trong khi lẽ ra bà còn có thể làm việc thêm 7 năm nữa. Hai người phụ nữ chân yếu tay mềm, một thầy một trò, bị một bọn (xin lỗi về từ này) đàn ông xúm vào đánh hội đồng. Thật không thể tưởng tượng được.

Tôi nặng lời quá phải không? Không đâu, hãy đọc những lời lẽ của Nguyễn Văn Lưu, Vũ Hạnh, Đông La ... khi viết về Nhã Thuyên (có thể tìm trên mạng), rồi đọc lời lẽ trong bài viết của cô gái trẻ ấy, để đánh giá xem sự phẫn nộ và ghê sợ của tôi như trong những dòng chữ này đã đủ nặng nề chưa.

Vâng, cô gái ấy chân yếu tay mềm và không có một tấc sắt trong tay làm vũ khí. Họ, những gã đàn ông ấy, đã không hề run tay hoặc có chút mủi lòng khi triệt hạ cô, đã ra sức sử dụng những ngôn ngữ thô bỉ và lý lẽ khốn nạn nhất để đạt được mục đích. Họ đã xúm nhau vào, những gã đàn ông sức dài vai rộng, trổ hết những ngón nghề lừa lọc xảo trá của mình để tước đi của cô ấy nghề nghiệp, bằng cấp, niềm tin vào cuộc đời, vào lòng tốt của con người, vào sự tồn tại của lẽ công bằng và điều thiện. Giờ đây, chắc họ đã rất hài lòng, bởi họ đã tước đi của cô ấy gần như không còn gì cả. Chỉ còn mỗi một điều họ không làm được, đó là tước đi của cô ấy sự lương thiện và lòng tự trọng. Mà những cái ấy thì họ cho là không có giá trị, không đáng quan tâm, vì bản thân họ không thấy cần đến chúng bao giờ!

Còn cô gái ấy thì chỉ nói cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn. Và bây giờ, cô chỉ muốn nói yêu ...
--------------

Đọc lời tâm sự của Nhã Thuyên ở đây: http://junglepoetry.wordpress.com/2013/12/23/thu-cuoi-nam/

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Friends, there is no escape!

Tôi chưa bao giờ làm thơ bằng tiếng Anh, nên đây là bài thơ tiếng Anh đầu tay của tôi, dù tôi đã đụng chạm đến văn chương viết bằng tiếng Anh từ năm 18 tuổi - tức là cho đến nay đã 36 năm rồi.

Làm thơ tất nhiên phải có cảm hứng. Mà cảm hứng chỉ đến với tôi bằng tiếng Việt chứ chưa bao giờ bằng tiếng Anh cả. Là vì bạn bè tôi, người thân của tôi vv đều nói tiếng Việt.

Chỉ riêng có một nhóm bạn nho nhỏ của tôi - vài chục đứa - thì khi nhớ về nhau lại có thể có cảm xúc bằng tiếng Anh. Là vì chúng tôi học với nhau, giao tiếp với nhau 4 năm trời, bằng thứ tiếng ấy.

Chẳng phải chúng tôi vọng ngoại hay lên mặt với ai. Mà vì thời ấy - năm 78 đến 82 - nếu chúng tôi không cố nói tiếng Anh với nhau, thì có nghĩa là chúng tôi đang học một tử ngữ chứ không phải là sinh ngữ. Tức là chỉ nhìn trong cuốn sách, tra từ điển, đọc dịch, ngữ pháp vv mà không có chút giao tiếp nào giữa những người nói cùng thứ tiếng. (Nói theo kiểu bây  giờ thì đó là học ngoại ngữ bằng phương pháp câm điếc đấy ạ!)

Và cũng chính nhờ đã từng nói tiếng Anh với nhau mà chúng tôi đều khá. Ra trường, trừ tôi ở lại với nghề "bán rẻ cháo phổi ế" (well, thời ấy có ai thèm học tiếng Anh, người ta đổ xô học tiếng Nga mà lúc ấy VN còn đang nhìn như một mẫu hình lý tưởng để phấn đấu), thì bạn bè tôi với vốn liếng ngoại ngữ mà chủ yếu là tự học (vì thầy thì đi vượt biên cả, sách báo TV radio vv hoàn toàn không có) đều thành đạt trong những nghề nghiệp mà mình đã chọn.

Nên bây giờ tôi mới có hứng làm thơ tặng bạn bè của lớp cũ bằng tiếng Anh. Làm một mạch, chẳng cần trau chuốt. Đọc lại, tôi thấy cũng ... hay, ha ha ha! Dù chẳng hiểu người khác thấy thế nào.

Thôi, đã làm rồi, thì cứ chia sẻ thôi. May thì được comment khen, rủi thì bị comment chê là viết dở thế mà cũng khoe. Tệ nhất là không ai thèm đọc, cái ấy mới là đáng sợ, nhỉ.

Riêng tặng những người bạn lớp AV78 của tôi.

-----------------------------------
We call one another friends
Because we were in the same class
In Vietnamese we have a word and a category for that
"Bạn học của tôi"
We are a special kind of friends, and there is no escape
Because we have shared all the fun 
And the joys and the pains in times past
Because we have added to one another's successes
(Often not knowingly)
And because we have been there in one another's tragedies
Making them a lot lighter when they lasted
Being a friend is a fate, mind you
And there is no escape!

So friends, please bear with me
When you are angry, don't forget
We have laughed together
We have cried together
We have even quarrelled with one another
And said many times that we would forever end our friendship 
But when we refer to one another as a category, we still have to say
He or she or they - named such and such - are my friend(s)
Because in Vietnamese we have a special name for people like that
It's so frighteningly true
That there is no escape
And the only thing you can do, dear friends
Is to make our friendship better while it lasts
Because there will never be an escape!

(19/3/2014)

Bài thơ chân thật (A true poem by Lloyd Schwartz - PA dịch)

Bạn bè cũ thời đại học của tôi, giờ đã 32 năm rồi kể từ khi bọn tôi ra trường.

Cái lớp ấy, mỗi người một tính nết. Lắm tài, nhiều tật. Trong đám nhiều tật nhất (dù không phải là nhiều tài), chắc chắn có tôi.


Bọn lắm tài nhiều tật ấy, giờ đang xích mích giận hờn, chỉ vì những điều vô cùng nhỏ nhặt, vớ vẩn. Giận nhau, có người tuyên bố không còn xem những người khác là bạn. Trong khi tận thâm tâm từng người, tôi tin rằng ai cũng biết mọi người đều là những người bạn thật tốt, vì mấy chục năm vẫn còn quan tâm giúp đỡ nhau.

Khi tin rằng bạn mình nghĩ sai, hành động sai, thì ta cần làm gì nhỉ? Tôi không rõ. Mỗi người có một cách làm, cách nói .... Còn tôi, tôi chỉ biết nói toạc ra. Well, nói một cách mềm mỏng, lịch sự nhất có thể được, nhưng vẫn chỉ nói đúng những điều mình nghĩ, không thể khác. Chắc chắn tôi cũng có những chỗ sai. Nhưng nếu tôi sai, thì tốt nhất là các bạn cũng nói huỵch toẹt ra như thế, mọi việc sẽ dễ biết bao!

Nhưng mà thôi .... Khi không biết làm gì nữa, thì tôi làm thơ. Hoặc dịch thơ, khi khả năng sáng tạo đã không còn. Nó cạn kiệt rồi, bởi cuộc sống mải mê. "Mệt quá thân ta này ..."

Tôi đi tìm một bài thơ để nói hộ tâm trạng của tôi, và tìm thấy bài này. Cám ơn tác giả đã nói giúp, hoàn toàn trùng khớp những gì tôi nghĩ. Dưới đây là bản dịch của tôi.

Xin tặng bài thơ dịch này cho các bạn AV78, khi nào các bạn tình cờ tìm thấy. Đặc biệt, riêng tặng người bạn vừa tuyên bố chấm dứt tình bạn với tôi và với những người trong lớp cũ. Bạn hãy nhìn ngày tôi dịch, một ngày gần cuối tháng ba, năm hai ngàn không trăm mười bốn. 
-------------
Bài thơ chân thật

Tôi đang làm thơ, một bài thơ chân thật
Chẳng hề dám gửi nó cho ai
Thơ bộc lộ lòng tôi, làm tôi run sợ
Đôi khi nó cũng khiến tôi vui

Dẫu nhìn chung tôi chỉ thấy bùi ngùi
Thơ đã nói giúp tôi điều tôi nghĩ
Nghĩ về mình,
về bạn, về người yêu
Thơ nói hết.
Đọc bài thơ cũng có khi bạn thích
Có đôi khi hoảng sợ hoặc nhói đau
Tôi chẳng muốn làm bạn đau, không tôi chẳng muốn
Chẳng muốn làm dù chỉ một người đau
Tôi chỉ muốn mọi người yêu tôi mãi
Nhưng bài thơ tôi vẫn không thể dứt
Vì sao?
Sao mãi làm bài thơ không ai thích?
Bài thơ tôi chẳng dám gửi ai
Bài thơ không có độc giả nào

Tôi vẫn viết bài thơ không người đọc
Bài thơ mà khi đọc có người đau .... 

------------------

A True Poem
 
by Lloyd Schwartz

I'm working on a poem that's so true, I can't show it to anyone.
I could never show it to anyone. 
Because it says exactly what I think, and what I think scares me. 
Sometimes it pleases me. 
Usually it brings misery. 
And this poem says exactly what I think. 
What I think of myself, what I think of my friends, what I think about my lover.
Exactly.
Parts of it might please them, some of it might scare them. 
Some of it might bring misery. 
And I don't want to hurt them, I don't want to hurt them. 
I don't want to hurt anybody. I want everyone to love me. 
Still, I keep working on it. 
Why?
Why do I keep working on it? 
Nobody will ever see it. 
Nobody will ever see it. 
I keep working on it even though I can never show it to anybody. 
I keep working on it even though someone might get hurt.

https://www.poets.org/viewmedia.php/prmMID/19638

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Tiễn anh lần cuối - Viết cho anh Lê Hiếu Đằng (11/3/2014)


Nhận được tin nhắn từ một người bạn chỉ trước một ngày, không sắp xếp thời gian trước nhưng tôi cũng kiên quyết gạt công việc sang một bên để đến viếng anh lần cuối nhân dịp gia đình làm lễ thất tuần cho anh. Vâng, tôi gọi muốn gọi anh Lê Hiếu Đằng như gọi một người anh, mặc dù tôi với anh chẳng hề quen biết. Tôi đã nghe tên anh từ rất lâu khi anh còn là quan chức của nhà nước, nhưng lúc ấy tôi chẳng có bất kỳ một ấn tượng gì về anh. Tôi chỉ thực sự quan tâm đến một nhân vật có tên LHĐ từ khi anh cùng một nhóm nhân sĩ, trí thức cùng tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của VN vào năm 2011, và nhiều lần sau đó nữa.

Nói cho đúng, những cuộc biểu tình ấy cũng không gây cho tôi nhiều ấn tượng về anh, vì biểu tình thì không chỉ có anh mà còn nhiều người khác. Nhưng tôi thực sự bị anh thu hút từ lúc anh có những phát biểu và hành động kiên quyết mà ai cũng biết. Có người đồng tình, có người không, nhưng chắc chắn anh đã trở thành tâm điểm của sự chú ý từ mọi phía, trong đó có tôi, một người với tôn chỉ độc lập và không muốn thuộc về một phe nào. Mọi việc lên đến đỉnh điểm khi anh công bố bức thư tuyên bố ra khỏi Đảng bằng những lời lẽ mạnh mẽ đến độ anh bị đưa lên báo lề phải để đấu; khi ấy tôi đã theo dõi và bỏ công ra viết đến 4 bài tranh luận với tác giả của bài viết ấy và đăng lên blog cá nhân, dù cho đến lúc ấy vẫn chưa nói chuyện trực tiếp với anh bao giờ. Sau này, khi được anh Kha Lương Ngãi, một người bạn cùng thời đấu tranh của anh Đằng, cho biết là anh Đằng cũng đã đọc những bài viết ấy của tôi và có ý muốn gặp mặt tôi khi anh còn tại thế, tôi thật tiếc vì mọi sự đã quá muộn. Vì khi nghe tin anh nằm bệnh, tôi cũng rất muốn đến thăm nhưng tôi không có cách nào đến được, vì không có ai rủ, và vì tôi không hề quen biết anh, nên nếu có muốn đi cũng chẳng biết ở chỗ nào.


Thế rồi mọi việc trôi qua rất nhanh. Anh mất. Thông báo về tang lễ của anh được đưa trên facebook nên tôi đọc được. Những ngày anh còn được quàn ở Chùa Xá Lợi, thời gian ấy cận tết và tôi rất bận nhưng cũng đã cố để đến viếng, thấy và nghe được về những cảnh cướp băng tang của các vòng hoa của những người đến viếng anh. Và tự hỏi, tại sao người ta làm thế? Chẳng lẽ anh đã mất rồi, mà họ vẫn sợ và ghét anh đến thế sao, những người mà trước đó đã từng xem anh là đồng chí? Hôm lễ động quan tôi không dự được, nhưng cũng theo dõi và đọc được bài viết cùng xem hình ảnh của những bạn bè, thân hữu đã đến tiễn anh. Rất cảm động khi đọc những dòng viết về tro cốt của anh được rải xuống sông Sài Gòn, vùng đất bao nhiêu năm anh gắn bó. “Đứa con xưa đã tìm về nhà”, như trong một bài hát của Trịnh Công Sơn để tiễn đưa một người bạn thân thiết của mình về bên kia thế giới.

Lễ thất tuần hay lễ chung thất của anh được tổ chức ở chùa Diệu Pháp, một ngôi chùa nằm ở một nơi hẻo lánh ở Quận Bình Thạnh. Số người đến dự có lẽ chừng 50-60 người, đa số là những người tôi không quen trực tiếp nhưng đã biết tên hoặc biết mặt qua facebook. Không kể gia đình, đến viếng anh có nhóm bạn cùng thời đấu tranh trước năm 1975 (các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Huỳnh Kim Báu, Lê Công Giàu), nhiều trí thức đang làm việc hoặc đã về hưu từ các Viện, các trường đại học, một số người là cựu chức sắc trong các cơ quan nhà nước mà tôi biết mặt hoặc biết tên như chị Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TP HCM, và đặc biệt hơn là một số gương mặt đến từ phương xa: anh Hà Sỹ Phu từ Đà Lạt, người mà tôi đã đọc rất nhiều nhưng chưa bao giờ gặp mặt, nghệ sĩ Trí Hải từ Hà Nội, người mà tôi rất quen dù chỉ nhìn qua hình, vì với cây đàn violin của mình thì không thể lẫn ông với bất kỳ ai  được.







Buổi lễ chính thức bắt đầu vào khoảng 10:30. Dù đứng ở vòng ngoài - vì là người ngoại đạo - nhưng tôi vẫn thấy buổi thật trang nghiêm, giọng đọc kinh với tiếng gõ chuông nghe trầm mặc, và do ngôi chùa ở một nơi rộng rãi, thoáng đãng, số người đến viếng cũng không quá đông và mọi người đốt nhang cũng rất vừa phải nên tôi không thấy mịt mù nhang khói như ở một số nơi. Tất cả tạo ra một không khí nhẹ nhàng, thanh thản, thanh thản như bức di ảnh của anh và như khuôn mặt đẹp nhẹ nhõm của chị Hồng vợ anh. Sau các lễ nghi tôn giáo là đến phần mặc niệm và phát biểu cảm tưởng của một số vị khách tiêu biểu; những người phát biểu gồm có anh Huỳnh Tấn Mẫm, anh Huỳnh Kim Báu, GS Tương Lai, LM Huỳnh Công Minh, và anh Hà Sĩ Phu từ Đà Lạt. Ở vòng ngoài nên tôi không nghe kỹ lắm, vả lại đầu óc tôi lúc ấy cũng lơ mơ vì tôi còn đắm chìm trong những suy nghĩ của riêng tôi về cuộc đời thăng trầm của anh. Chỉ biết, tiếng đàn violin của nghệ sĩ Trí Hải  chơi bài Hồn Tử Sĩ làm tôi nổi gai vì xúc động, phần vì giai điệu âm u và không khí nghiêm trang, phần vì nghệ sĩ Trí Hải đã chơi nhạc với đầy cảm xúc như thể hiện trên khuôn mặt ông.

Ở phần phát biểu, tôi đặc biệt chú ý nghe phát biểu của Linh mục Huỳnh Công Minh, trước hết vì tò mò về sự khác biệt tôn giáo của LM và người quá cố. LM HCM nói rất nhỏ, như thủ thỉ nói chuyện với anh Đằng, với những lời tâm sự khá dài. Tôi loáng thoáng nghe được lời tự than trách đã không thể đến viếng anh khi anh vừa mất, vì lúc ấy LM còn đang ở nước ngoài, và những lời cuối cùng rất cảm động. Tôi nhớ đại khái những ý sau: “Tôi với anh tuy khác tôn giáo, nhưng không có sự cách xa, vì cùng chia sẻ lòng yêu nước, cùng vì một nước VN độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, dân chủ, nhân quyền …”. Phần cuối phát biểu của anh Huỳnh Kim Báu cũng làm tôi xúc động, khi anh nhắc đến sự ra đi thanh thản của một người suốt đời dám hành động cho niềm tin của mình và trả giá cho nó, và cái gánh mà anh LHĐ đã để lại cho người sau khi anh đi xa là rất nặng, vì mọi người phải tiếp tục những tâm nguyện của anh lúc sinh thời. Thật kỳ lạ, đó cũng là những gì tôi đã ghi trong sổ tang khi đến viếng anh LHĐ ở chùa Xá Lợi.

Có một sự cố nho nhỏ trước khi kết thúc buổi lễ: Anh Tô Lê Sơn trong Ban tổ chức đã bắt giọng để mọi người cùng hát bài Tự nguyện, bài ca của những thanh niên tranh đấu trước năm 75 ở miền Nam. Nhưng chắc vì quá xúc động, hay vì quên lời bài hát, nên khi cất lên thì giọng hơi bị lạc, khiến mọi người không hát theo được và bài hát suýt “bể”. Nhưng anh Huỳnh Tấn Mẫm đã kịp đón lấy micro từ tay anh Sơn, lấy lại giọng cho đúng vừa hát lớn rất khí thế vừa giữ vững giọng, và dần dà bài hát lại được đưa vào quỹ đạo đúng của nó. Hát xong, mọi người đều khen anh HTM hát hay, và anh bảo: Bài hát ấy đã ngấm trong máu của mình rồi.



Buổi lễ đã chấm dứt. 49 ngày cuối cùng còn vướng bận ở trần gian của anh đã hết, đó là ý nghĩa của buổi lễ chung thất, theo niềm tin của những người theo đạo Phật như anh. Linh hồn anh giờ đã hoàn toàn siêu thoát, và đó là điều mà mọi tín đồ Phật giáo đều cầu mong cho người thân đã đi xa của mình. Riêng tôi, một người ngoại đạo, tiễn anh lần cuối rồi nhưng tôi vẫn tin linh hồn anh LHĐ ở đây bên chúng ta, vẫn rất thiết tha với cuộc đấu tranh cho tự do, nhân quyền và dân chủ trên đất nước mà anh đã rất nặng lòng khi anh còn tại thế. Phải không, anh Đằng ơi?