Thứ Hai, 8 tháng 10, 2012

Cái giá của sự thật

Tôi đang trong lúc bận quá, không định viết gì. Nhưng lại vừa đọc được một mẩu tin khiến tôi không thể không viết. Để thổ lộ một chút những gì đã chất chứa sẵn trong lòng tôi lâu nay.

Số là, hầu hết tất cả những người biết tôi ở nơi làm việc (tức là những người khác với bạn bè thời đi học, hoặc gia đình và hàng xóm - những người này thì biết về một cái tôi khác, dễ thương hơn nhiều) đều cho tôi là một kẻ rất khó chịu. Tôi nhớ khi chuyển sang nơi làm việc mới hiện nay, thì các sếp mới có hỏi một người đồng nghiệp biết tôi ở trường cũ, hỏi tôi là người như thế nào. Và chị đồng nghiệp ấy đã trả lời 2 câu: "Nó được việc lắm đấy, và nó đã làm mích lòng rất nhiều người".

Tôi biết điều này vì sau ấy chị bạn đồng nghiệp đã kể lại cho tôi nghe. Tôi ... hơi ấm ức (vì thấy mình cũng ... tốt bụng mà!) nhưng cũng phải thừa nhận là chị ấy nói đúng, thậm chí chính xác không chạy vào đâu được.

Nhưng nguyên do của tất cả việc "làm mích lòng nhiều người", đôi khi đến độ không còn nhìn mặt nhau nữa, và căng thẳng, khó chịu đến độ phải bỏ đi nơi khác để làm việc (tôi nổi tiếng là hay từ chức, bỏ đi làm việc khác vì không hài lòng với bối cảnh làm việc hiện có) chỉ có một thôi, đó là: tôi luôn nói đúng những gì mình nghĩ, dù điều đó có thể đụng chạm đến ai đó - đồng nghiệp, hoặc thậm chí cấp trên. Nhưng tôi chẳng có ý đồ gì ngoài việc muốn cho công việc tốt lên mà thôi. Nói ra để mọi người thấy và thay đổi cho tốt hơn, thì đâu có hại gì ai đâu, tôi nghĩ thế. Chứ biết mà không nói, chỉ vì sợ đụng chạm, chỉ muốn yên thân, "cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại" thì ... còn ra thể thống gì nữa cơ chứ?

Đấy là tôi nghĩ vậy. Ngây thơ cụ quá phải không,  vì thực ra trên đời không phải lúc nào người ta cũng thích nghe sự thật. Nói đúng hơn, đa số người ta không thích thậm chí căm thù sự thật. Well, ở nơi khác thì tôi không có kinh nghiệm nên không biết, nhưng ở VN thì chắc chắn là như thế. Thì đó, vụ nhà báo Hoàng Khương vẫn còn rành rành ra đó, hoặc gần đây hơn nữa là vụ mấy blogger. Những người đó, có lẽ họ cũng chỉ muốn có một điều thôi, đó là tìm ra sự thật, hoặc nói lên sự thật. Và kết cục như thế nào đã quá rõ.

Bản thân tôi cũng đã rút ra được khá nhiều bài học kinh nghiệm về việc muốn biết và muốn nói sự thật. Giá chót: ai cũng ghét mình, và mình cũng ghét người ta, rõ quá rồi, vì chẳng có ai thích bị người khác ghét cả. Nên phải bỏ đi nơi khác. Được cái tôi cũng không quá kém cỏi, đi đâu cũng làm việc được, nên tìm nơi để bỏ đi cũng khá dễ dàng. Nhưng chẳng lẽ cứ bỏ đi mãi, cứ bắt đầu lại mãi như vậy sao, một người bạn khác của tôi hỏi tôi như vậy.

Và ... tôi không trả lời được. Ừ, người ta có thể nhận tôi ở tuổi 30, tuổi 40, ở tuổi 50 even, nhưng tôi không tin là người ta sẽ sẵn sàng nhận tôi ở tuổi 55, tuổi 60, tuổi 70 vv nếu như ở chỗ nào tôi cũng "nói không sợ mích lòng", sẵn sàng "phát biểu gây shock", "đanh đá" như mọi người vẫn nói về tôi như vậy.

Vậy mà hôm nay, lại có một người cũng muốn đi tìm sự thật, lại còn phát biểu là sẵn sàng trả giá cho nó. Người ấy là thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, người đã gửi tâm thư lên chủ tịch nước để đề nghị cứu Rừng quốc gia Cát Tiên khỏi dự án thủy điện. Và hậu quả (đương nhiên mà ai cũng đoán được) đang bắt đầu xảy ra với anh. Đầu tiên là bị cơ quan kiểm điểm, bị kỷ luật khiển trách. Vậy mà anh Thuật vẫn còn phát biểu là anh ấy chấp nhận trả giá chứ không rút lại lời đề nghị của mình. Các bạn có thể đọc sơ sơ về việc ấy ở đây: http://nld.com.vn/2012100810313242p0c1042/vu-gui-tam-thu-len-chu-tich-nuoc-dung-lam-kho-nguoi-co-tam.htm.

Hay lắm anh Thuật ạ. Hoan hô anh, và mong anh chân cứng đá mềm, và cuộc đấu tranh của anh sẽ đem lại một kết cục tốt đẹp. Mặc dù tôi cũng không tin lắm vào điều đó. Mà chỉ lo ngại cho anh thôi. Lo vì những hậu quả xấu có thể đang rình râp anh, biết đâu được đấy?

Vì tôi sực nhớ có một câu danh ngôn nước ngoài khá nổi tiếng mà tôi đã đọc được ở đâu đấy: "Nắm được sự thật, ta có thể đi đến bất cứ nơi đâu, kể cả vào tù".

Nhưng ... dù biết như vậy, nhưng may quá là trên thế giới vẫn còn những người sẵn sàng trả giá để nói lên sự thật. Và may hơn nữa là ở VN cũng không hề thiếu những người như vậy. "Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có", đấy là lời của Nguyễn Trãi tự khi xưa, nhưng bây giờ vẫn đúng, kể cả ở đất nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời nay, thời mà có ai đó đã thốt lên rằng "cả một thời giả dối đã lên ngôi".

Vậy nên, chúng ta vẫn có quyền hy vọng. Và anh Thuận vẫn có hy vọng, và vẫn còn đủ dũng khí để làm. Tôi chỉ mong anh không cô đơn trong cuộc đấu tranh của mình tại đơn vị. Hẳn là vẫn có những người khác âm thầm ủng hộ anh, dù họ không đủ dũng khí để làm giống như anh.

Chúc mọi việc tốt đẹp, anh Thuật nhé!

7 nhận xét:

  1. Đúng là con gái dòng họ Vũ - Võ! Đã "làm mích lòng rất nhiều người" mà vẫn thấy thấy "mình cũng ... tốt bụng mà!". He he!!!
    Hình như bạn PA hiểu sai vấn đề (chí ít cũng là dùng từ sai - "tốt bụng"). Bạn làm người ta "nhảy dựng" lên rồi bạn lại vẫn tự cho là mình "tốt bụng". Tôi đảm bảo rằng, rất ít khi khái niệm "tốt bụng" của bạn trùng khớp với khái niệm "tốt bụng" của người được bạn "góp ý" hay "đấu tranh". Người khen bạn "tốt bụng", trong phần lớn các trường hợp đã xảy ra lại chả "dính dáng" gì đến bạn và người được góp ý - Nói chính xác là "không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan" hay phải rất khách quan.
    Chỉ riêng câu này thôi “Hình như bạn PA hiểu sai vấn đề” nếu không làm bạn “nổi đoá” nên thì rất có thể cũng kéo tui và bạn vào một cuộc “tranh luận” chưa biết khi nào đến hồi kết!
    Nhưng nếu tui viết:” Bạn PA rất đúng, lời góp ý chân thành của bạn là bảo vệ sự thật, chân lý chỉ có điều người ta sơ sự thật, sự thật ấy không có lợi cho họ, làm mất mặt họ thì họ mới mất lòng thôi”. Cách diễn đạt này không khác về bản chất so với cách trên là mấy. Tuy vậy, có vẻ như dễ “lọt tai” hơn nhiều.
    Ở một góc độ tích cực thì văn hoá Phương đông đòi hỏi một sự tinh tế. Nhưng ở một góc độ khác (tiêu cực) cái “danh” bị lạm dụng một cách thái quá . “Tốt bụng” (đúng ra là sự trung thực ) của bạn động chạm đến cái “danh” của người khác – nhất là với những người “hữu danh vô thực” thì phản ứng của họ càng dữ dội - thậm chí “kẻ ở người đi” là vậy.
    Xã hội đầy sự giả dối thì trung thực là sự "lạc loài".
    Giả dối và trung thực là hai thái cực âm dương trong quan hệ xã hôi. Thái âm hay thái dương đều làm xã hội mất cân bằng. Hiện đang là thái âm!
    Rời bỏ công việc trong một xã hội thái âm (cơ quan nhà nước), bạn làm việc trong một môi trường thái dương (tổ chức quốc tế), có khi nào bạn thấy văn hoá Phương đông tìm được “chỗ đứng” trong văn minh Phương tây?

    Trả lờiXóa
  2. Bạn Vũ Huy Thuần ơi

    Bạn nói đúng quá, nên tôi không còn gì để trả lời nữa cả. Hu hu hu.

    Nhân tiện, rất thú vị với câu nhận xét về con gái dòng họ Vũ-Võ của bạn. Bạn nghĩ như vậy thật sao? Còn tôi, bất kể tôi là họ gì, tôi thấy mình cũng ... hiền mà (hi hi hi).

    PA

    Trả lờiXóa
  3. Đọc entry này tôi như thấy có mình ở trong đó. Tôi từng làm cho một công ty nhà nước hơn 10 năm, đã kinh qua Bí thư Đoàn và có rất nhiều thành tích. Nhưng tôi vẫn bị sếp ghét vì cái tính hay nói thẳng nói thật, sẵn sàng phê bình cả sếp. Kết cục là tôi phải ra đi. Sau khi xin thôi việc, tôi vào làm cho một vài doanh nghiệp của tư nhân với thu nhập gấp đôi ở công ty cũ và tôi thấy rất thoải mái ở môi trường làm việc mới. Điều tôi muốn chia sẻ với chủ blog và thạc sỹ Thuật là nếu chúng ta thực sự có năng lực thì chẳng sợ gì mà không nghĩ và nói đúng sự thật. Tôi tin rằng nếu vì lý do nào đó các anh chị phải rời khỏi cơ quan nhà nước thì sẽ có nhiều tổ chức, DN ngoài nhà nước hoặc nước ngoài mời các anh chị làm việc với mức lương thậm chí rất cao. Vì vậy, chẳng có lý do gì mà chúng ta không sống với chính con người của mình, đó chẳng phải là một niềm hạnh phúc hay sao.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi rất cảm thông với những người tôn trọng sự thật và dám nói lên sự thật mặc dầu nó mang lại nhiều khó khăn trù ám trong cuộc đời của người đó. Họ là những anh hùng, những chiến sĩ bảo vệ kĩ cương cho xã hội thăng tiến (trong phạm vi và vai trò hoạt động của họ). Thật là đốn mạt và bất hạnh cho xã hội biết bao khi không có những chiến sĩ của sự thật trong guồng máy xã hội đó.

    Tôi sống lâu năm ở nước ngoài và làm việc trong nhiều công ty lớn ở Mỹ, và nhận ra rằng con người ở đâu vẫn là con người và ở nơi đâu người nói ra sự thật cũng đều bị trù dập; nếu có khác nhau thì chỉ ở mức độ. Ở Mỹ nó có, nhưng có lẽ ít hơn so với VN, bởi vì sự sống còn của công ty trong kinh tế thị trường tuy thuộc vào việc xử dụng người có tài, còn ở trong nền kinh tế chỉ huy (thí dụ làm cho nhà nước) thì đâu có lo cho việc công ty bị phá sản.

    Người yêu chuộng sự ngay thẳng và sự thật luôn có một lương tâm thanh thản. Kinh thánh có nói "Sự Thật giải phóng con người" ("The Truth shall set you free" sách Châm Ngôn, Proverbs). Tôi nghĩ người nói sự thật chắc có nhiều khi nghĩ đó là cái "Nghiệp" (Karma) đã đa vào người mình (có phải không vậy chị PA??).

    Ngày xưa ông Galileo là người đầu tiên khám phá ra trái đất tròn (sự thật) nhưng vì bị Giáo Hội Công Giáo lúc bấy giờ doạ giết nếu không rút lại lời nói sự thật này và phải nói là nó "sai". Cuối cùng thì Galileo cũng phải rút lại lời nói sự thật của mình để được sống. Ngày nay khi nhắc tới Galileo thì ai cũng nghĩ tới việc này. Vậy đó, người nói sự thật thì ở đâu, vào thời nào cũng bị trù dập cả.

    Trả lờiXóa
  5. Đọc lời “tự bạch” của cô PA, nhớ đến hai câu trong truyện Kiều:
    “ Ở ăn thì nết cũng hay,
    Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”
    May là chỉ bị đồng nghiệp / đồng liêu và cả học trò ghét nên chưa ( và có lẽ sẽ không bao giờ ?) được làm “ gà sống thiến sót” ( GS-TS), chứ không bị sao vàng búa liềm “ chiếu” như một số bloggers khác.
    ( Thấy PA cũng thơ thẩn dịch thơ nên ghi lại lời dịch hai câu Kiều nói trên của Michael Counsell:
    In all she undertook
    her manners were beyond reproach,
    and no one could approach
    her brilliance in argument).
    Tú Đoàn

    Trả lờiXóa
  6. Chà chà, anh (?) Tú Đoàn ơi,

    "Nói điều ràng buộc thì tay cũng già", câu này mà anh (?) áp dụng cho tôi thì xem như lên án tử hình tôi rồi đó. Vì sẽ không ai thèm chơi với tôi nữa. Đạo đức của người VN là: nếu đã là bạn, là người thân của ai, thì dù người đó có xấu, có sai gì, cũng phải bênh chầm chập, bất chấp sự thật.

    Còn nếu làm ngược lại, phân tích cho họ thấy cái sai của mình hoặc cái đúng của đối phương thì tức là mình đã vi phạm phải điều cấm kỵ, violate the moral codes và chắc chắn phải bị khai trừ, thậm chí khai tử thôi!

    Trả lờiXóa
  7. Năm 2012 truyền thông đưa tin Thạc sỹ Nguyễn Huỳnh Thuật gửi tâm thư lên chủ tịch nước để thỉnh cầu việc cần thiết ngăn chặn ngay dự án thủy điện 6, 6A cắt ngang rừng Nam Cát Tiên, mất đi diện tích 137 hecta rừng trong vùng lõi, ảnh hưởng đến Bầu Sấu (khu ngập nước Ramsar, khu dự trữ sinh quyển thế giới). Là cán bộ công tác ở Vườn Quốc gia Cát Tiên, chuyên gia về đa dạng sinh học, là người có chuyên môn, nhận thức được việc đe dọa làm mất mát không chỉ tài nguyên rừng mà còn xâm phạm nhiều di chỉ văn hóa của tộc người Mạ (di chỉ Óc Eo), Thạc sỹ Thuật đã cùng nhóm bạn lập ra trang thông tin điện tử “Savingcattiennationalpark.blogspot.com”. Nhóm lấy tên “ Yêu quý bảo vệ Rừng Cát Tiên” để đưa tin và kêu gọi người dân đồng hành phản đối 2 dự án thủy điện trên bởi “Vườn Quốc gia Cát Tiên là tài sản quốc gia, là tài sản chung, nếu ai cũng bỏ mặc thì tài nguyên Việt Nam sẽ nhanh chóng mất sạch, mà cuối cùng, chỉ có người dân gánh chịu hậu quả”. Lời kêu gọi đã thu hút được 4700 chữ ký ủng hộ. Là người gửi tâm thư, cùng bạn bè tập hợp các nguồn ý kiến, theo đuổi đến cùng công việc gìn giữ môi trường này, thạc sỹ Thuật chấp nhận hy sinh cá nhân (anh không còn công tác ở Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên nữa).
    Nhóm “ Yêu quý bảo vệ Rừng Cát Tiên” là những CHIẾN SỸ. Việc làm của các bạn là góp thêm viên gạch để xây dựng xã hội dân sự mà ở đó người dân được cất tiếng nói, được đóng góp xây dựng và gìn giữ môi trường sống. Nguồn trích: http://savingcattiennationalpark.blogspot.com/2013/08/nao-ai-muon-phai-lam-chien-si-va-chien.html?showComment=1378183951676#c6671176477164161167

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.