Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Yên Tử Phố Thi, tại sao không chứ?

Entry này của tôi là vô cùng nhảm nhí, vì tôi viết để xả stress. Stress vì đọc báo, vì cái vụ Thi Vân Yên Tử ầm ĩ. Chẳng biết làm gì cho bớt stress, nên tôi ngồi ... làm thơ, và xuất thần viết ra được cái bài Yên Tử Phố Thi này. Phố Thi là cái (quái) gì, thì hồi sau sẽ rõ.

Quả thật, tôi đang chán mớ đời cái nền văn hóa, văn học, văn chương, ngôn ngữ và báo chí của nước mình. Nó cứ thế nào í, chẳng còn biết đường nào mà lần nữa, thật thế.

Thì đó, mới cách đây có ít ngày và tính ngược trở về trước nữa, bác Hoàng Quang Thuận nhà ta còn mới được ca ngợi lên đến tận mây xanh. Không chỉ có bác Hữu Thỉnh của Hội nhà văn đâu nhé, mà còn nhiều người khác tên tuổi to đùng vật vã nữa cơ. 

Thế rồi một ngày xấu trời kia, tự nhiên lại có kẻ "quẳng" ra giữa bàn dân thiên hạ một bài viết chứng minh rằng bác Thuận nhà ta đạo văn. Mặc cho chính người bị cho là nạn nhân đã viết hẳn một bài thanh minh rằng mình có bị ai đạo với nghĩa gì đâu. Thế là uy tín, uy danh của bác Thuận xui xẻo cứ thế tuột dốc, có lẽ giờ đã tan thành mây khói, thật đúng là phù vân Yên Tử.

Thú thực, tôi thấy rất tiếc, rất ngậm ngùi. Mình rõ là loài trâu chậm, uống nước đục. Vì tôi vô cùng kính phục, ngưỡng mộ bác Thuận, và đang định học tập theo gương bác (không phải bác Hồ, mà là bác Hoàng) đấy thôi.

Học tập cái gì thế? Dạ, là học tập sáng tác thơ về Yên Tử, giống như bác í. Cũng bằng cách lấy bài văn xuôi của người khác viết về Yên Tử ra, rồi sắp xếp lại, thêm tí bớt tí cho nó có vần, cho nó giống như thơ (thơ mà không phải là thơ, sắc sắc không không mà lại). Rồi đưa lên blog (không dám in thành sách như bác Hoàng - hay bác Thuận cũng được, ai muốn gọi kiểu nào tùy ý). Để ăn theo người nổi tiếng í mà.

Tại sao đang yên đang lành lại đi học tập bác í nhỉ? Thì ... tôi tự thấy mình cũng ... hao hao giống bác í. Cũng có  bằng Tiến sĩ (ừm, ngượng quá, sao tự nhiên lại đi khoe bằng cấp ở đây nhỉ?), mặc dù không có Giáo sư. Mà là bằng xịn, học ở nước ngoài nhé, không phải là bằng tại chức, hoặc bằng ma gì đâu nhé. Cũng có thể nhận đại mình là nhà khoa học, chả gì cũng làm việc trong trường đại học đến 29 năm rồi!

Và, cái này mới đáng khoe nè, tôi cũng có tài ghép vần, ghép chữ thành ... vè, hay còn gọi văn vẻ là "thơ". Giống y như bác í. 

Chỉ có điều, bác Hoàng bác í làm thơ Đường, nhưng bị nọi người xăm xoi dữ quá, nào là không đúng niêm đúng luật, nào là ngu ngơ ...Nên nhà tôi mới bầy ra trò mới, món mới: Yên Tử Phố Thi. Để cho nó phân biệt với Yên Tử Đường Thi của bác Thuận ấy mà.

Đây nè, thơ thẩn của tôi nghe cũng được lắm chứ, rõ là Yên Tử khói mây, đầy chất thiền. Thì đó, thơ của tôi (ủa, không biết thơ của ai mới đúng đây, thôi, hạ hồi phân giải) có nhắc đến mây, nhắc đến chùa, lại còn có cả cụm từ "Trúc Lâm thiền phái", thì ai dám bảo nó không phải là thơ thiền chứ?


Ngỡ ngàng lạc chốn bồng lai
Nước non thanh tú, mây hoài trắng bay
Nghìn trùng vời vợi cỏ cây
Núi kia sừng sững, biển đây sóng trào

Xa trông dòng suối trong veo
Nghìn năm cổ thụ cheo leo dốc này
Chùa xưa thấp thoáng chân mây
Trúc Lâm thiền phái, thật đây thiên đường!


Rồi, "văn chương phú lục đã xong rồi" nhé. Bây giờ đến màn ... thừa giấy vẽ voi. Vì thật thà, và đúng hơn là vì rút kinh nghiệm của bác Hoàng, tôi sẽ không nhận bài thơ trên là hoàn toàn của tôi, mà sẽ nhận đồng tác giả với một người khác, đó là tác giả Nguyễn Toàn Thắng, người đã sáng tác ra bài tụng ca để tôn vinh bác Hoàng của chúng ta lên đến tận mây xanh. Tôi lấy ngay trong hai đoạn đầu trong bài văn của bác ấy. Bản gốc tôi đăng dưới đây nhé. Để dễ theo dõi, tôi in nghiêng đậm những từ mà tôi đã ... chôm của bác Toàn Thắng.

Cuối cùng, xin giải thích cụm từ "Phố Thi". Tại sao lại là "phố thi" nhỉ? À, thì như thế này. Thơ của bác Hoàng là Đường Thi. Bác ấy làm thơ Đường Luật. Còn tôi, tôi không làm thơ theo luật Đường, vì nhiều lý do. Lý do đầu tiên là vì rút kinh nghiệm của bác Hoàng, bác ấy bị chê làm thơ không đúng luật. Nhưng lý do thứ hai là vì hiện nay VN đang có nhiều người ghét TQ, làm thơ Đường luật thì không hợp thời. Nên tôi phải làm thơ lục bát. Nhưng không thể gọi là "Lục bát thi" được, vì nghe nó ... kỳ cục quá, và không sang trọng.

Nên phải tìm một từ gì khác. Và, cái này thì ông xã tôi có công đây. Ông ấy bảo, nếu không phải "Đường Thi" thì là "Phố Thi" vậy. Thì, đường với phố cũng có liên quan với nhau.

Hu hu hu, thế này thì làm sao mà học sinh còn có can đảm chọn học khối C nữa cơ chứ?





NGUYỄN TOÀN THẮNG



Vẻ đẹp cõi Phật trong Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận


Đọc tập thơ Thi Vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận, người ta ngỡ ngàng như đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh nơi có nước non thanh tú trên Đỉnh Thiêng Yên Tử bạt ngàn mây trắng, bạt ngàn nắng gió vời vợi ngàn trùng, giữa một bên là những ngọn núi cao sừng sững ngất trời và một bên là biển xanh sóng trào vô tận thì thầm kể chuyện thời gian lịch sử triều Trần nhà vua nhường ngôi báu đi tu trở thành chính quả...

Những con dốc thẳng đứng, những dòng suối trong veomềm mại uốn lượn, những cây cổ thụ ngàn năm tuổi xanh mát hùng vĩ cheo leo trên vách đá, những rừng trúc bạt ngàn thăm thẳm, những ngôi chùa thấp thoáng mây trắng ẩn hiện giữa không trung, những huyền thoại xúc động linh thiêng bí ẩn về Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm... 


Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2012

"Activist" là "nhà hoạt động" hay "kẻ phản động"?

Bài này tôi viết sau khi tình cờ đọc bài viết mới đây của Người Buôn Gió. Trong bài viết ấy, NBG đề cập đến việc báo chí VN dùng từ "nhà hoạt động" để chỉ mấy người TQ có những hành động liên quan đến việc tranh chấp chủ quyền  biển đảo giữa Trung và Nhật, và than thở rằng nếu người VN thực hiện những hành động tương tự như vậy ở VN thì lại bị báo chí Việt xem là "kẻ phản động".

Tôi viết để tranh luận với anh NBG cho ra nhẽ, vì tôi cho rằng anh NBG than thở như thế là hoàn toàn không đúng. Rất có thể là anh ấy không hiểu tiếng Anh, hoặc đúng hơn là không hiểu tiếng Việt và văn hóa sử dụng ngôn ngữ ở VN. Các bạn cứ xem ở dưới đây sẽ rõ.

"Nhà hoạt động" là từ được nhiều người xem là tương đương trong tiếng Việt của từ "activist" trong tiếng Anh. Nhưng thật ra, theo tôi thì đấy là do người ta dịch từ-đối- từ (word-for-word) như thế thôi, chứ cụm từ "nhà hoạt động" không phải lúc nào cũng có thể là từ tương đương của từ "activist" trong tiếng Anh được. Nó có thể là một từ khác, và  từ ấy hoàn toàn có thể là "kẻ phản động"

Muốn biết tại sao lại như vậy thì trước hết cần phải giải thích từ "activist" theo nghĩa gốc trong tiếng Anh của nó cái đã. Thử tìm định nghĩa của từ activist trong một cuốn từ điển phổ biến, ví dụ như trong cuốn Macmillan Dictionary (phiên bản trên mạng), tôi có được định nghĩa sau:

someone who takes part in activities that are intended to achieve political or social changeespeciallysomeone who is a member of an organization.

Tạm dịch: "người có tham gia các hoạt động nhằm mục đích đem lại sự thay đổi chính trị hoặc xã hội, đặc biệt những người là thành viên của một tổ chức."

Với định nghĩa như vậy thì tại sao tôi lại cho rằng không thể dịch từ này là "nhà hoạt động" được nhỉ? Lời giải thích sẽ có ngay dưới đây thôi.

Quả đúng là từ "activist" có cùng gốc với các từ act (hành động), action (hành động, hoạt động), active (tích cực, thiên về hành động), hoặc activities (hoạt động). Nhưng đâu có phải hành động/ hoạt động nào cũng là hành động/ hoạt động cơ chứ? Còn phải xem hành động/ hoạt động ấy là cái loại hoạt động gì, rồi mới có thể quyết định cách dịch chứ, đúng không các bạn, đặc biệt là những người đã từng được hưởng một nền giáo dục xã hội chủ nghĩa giống như tôi ấy?

Sẽ có người - hoặc chưa được học hành dưới mái trường XHCN, hoặc đã có vinh dự ấy rồi nhưng lại mất cảnh giác - bảo rằng, activist là activist, dịch ra tiếng Việt vẫn là nhà hoạt động, còn họ hoạt động cái gì thì lại là chuyện khác, đâu có liên quan gì đến ngôn ngữ nhỉ? Nói như thế, tức là bạn đã quên rằng nền giáo dục của ta, báo chí của ta, văn học của ta, và nói chung là toàn xã hội của ta, luôn phải quan tâm đến tính Đảng, tính giai cấp, tính quần chúng, tính nhân dân, tính dân tộc, và các tính gì nữa đấy mà tôi cũng chẳng nhớ hết dược.

Nhưng không nhớ hết cũng không sao, đã có cách để nhớ. Thực ra, chỉ cần nhớ một điều thôi: "tính Đảng" là quan trọng nhất! Mà "có tính Đảng" có nghĩa là hoàn toàn tin Đảng, theo Đảng, yêu Đảng, Đảng bao đánh là đánh, Đảng bảo im là im. Ví dụ, im không nhắc đến cuộc chiến tàn khốc năm 1979 ở các tỉnh biên giới phía Bắc của đất nước để chống lại "quân xâm lược dã man" - lời một bài hát của thời ấy - vì bây giờ kẻ thù ấy của ngày ấy nay lại đang là người thầy, người bạn, người đồng chí, người anh em 16 vàng 4 tốt dù suốt ngày đánh bắt ngư dân của ta, chiếm biển đảo của ta. Thì, Đảng bảo thế mà lại.

Nhưng, sốt ruột quá đi, tóm lại là tại sao "activist" không phải lúc nào cũng có thể dịch là "nhà hoạt động" nhỉ? Hượm đã, các cứ bình tĩnh để cho tôi chứng minh chứ. Bây giờ bạn thử gõ vào google search để tìm các cụm từ có chứa từ "activist" theo cú pháp như sau nhé:  "*.* activist" (đọc là: mở ngoặc kép - sao chấm sao - khoảng cách - activist - đóng ngoặc kép).

Rồi chưa? Vậy bạn thấy những gì?

Bạn sẽ thấy từ activist trong tiếng Anh được dùng rất rộng rãi trong rất nhiều cụm từ ghép để chỉ rất nhiều loại hoạt động khác nhau. Này nhé, "earth activist" là những người hoạt động vì trái đất, tức là hoạt động môi trường. Cái này có lẽ có thể dịch là "nhà hoạt động môi trường" được đấy. Một từ đồng nghĩa với từ này là "environmental activist".

Những loại activist thường gặp khác là "women's rights activist", có thể dịch là "nhà hoạt động nữ quyền", rồi lại có "gay rights activist" là những người hoạt động vì quyền lợi cùa những người đồng tính nam. Tuy nhiên, cụm từ này hơi khó dịch đây vì nếu dịch từng chữ thì sẽ dịch ra thành "nhà hoạt động quyền đồng tính nam", khó hiểu quá phải không? Nhưng thôi,dù sao thì trong những trường hợp này cụm từ "nhà hoạt động" có lẽ cũng tạm chấp nhận được.

Rồi lại có "democracy activist", "human rights activist" mà báo chí hải ngoại hay dịch là "nhà hoạt động dân chủ" hoặc "nhà hoạt động nhân quyền". Hừ hừ, chỗ này thì hơi khó quyết định đây. Vì dân chủ, hay nhân quyền, thì  cần phải hỏi rõ là dân chủ hay nhân quyền theo định nghĩa của ai chứ? Chẳng hạn như về vấn đề nhân quyền, bọn "thế lực thù địch" ở nước ngoài hay nói VN vi phạm nhân quyền, tất nhiên theo định nghĩa của chúng.

Thế nhưng nhà nước ta thì lại luôn khẳng định là VN rất tôn trọng nhân quyền. Nhưng "nhân quyền" theo định nghĩa của VN thì có những yếu tố đặc thù chứ không thể nào giống định nghĩa của phương Tây được. Vì khác với chúng, VN ta có sự lãnh đạo vô cùng sáng suốt của Đảng kính yêu, nên mấy cái gọi là tự do, dân chủ này đều phải khác.

Cũng vậy đối với "dân chủ", là cái mà bọn tư bản cứ tưởng rằng chúng hơn ta, cho đến khi PCT nước Nguyễn Thị Doan phải bảo vào mặt rằng chúng ta (tức là VN) dân chủ gấp vạn lần xã hội phương Tây (chắc có cả Mỹ ở trong đó nữa chứ nhỉ) rồi mới kinh ngạc và không dám hó hé gì nữa.

Nói một cách ngắn gọn, ở VN thì dân chủ và nhân quyền đã rất cao, cao đến thừa mứa, đến chán ói ra, nên chẳng ai quan tâm đến nữa. Cho nên rõ ràng là ở chế độ ta chẳng có ai buồn đi hoạt động để đòi tự do, dân chủ, nhân quyền gì cả. Nếu có, thì chắc chỉ có bọn phản động, muốn chống chính sách của nhà nước mà thôi.

Nhưng NBG không nhắc đến những người đòi tự do, dân chủ, nhân quyền, mà là chủ quyền của đất nước cơ mà? Ôi trời, NBG ơi là NBG, chủ quyền thì cũng rứa, ở VN mà đòi chủ quyền và chống TQ thì không hề giống mấy người TQ hoạt động đòi chủ quyền mấy hòn đảo mà nhà nước họ đang giành với Nhật được đâu. Mấy người ấy họ hoạt động đòi chủ quyền biển đảo ở những hòn đảo mà thực ra nước họ không có chủ quyền, nhưng họ có tính Đảng vì Đảng của họ có chủ trương và tạo điều kiện cho họ làm thế.

Còn ở nước mình, dân mình thì đòi biểu tình chống TQ xâm lược và đòi giành lại biển đảo của mình. Nhưng  điều ấy lại làm sứt mẻ tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc, đi ngược lại với chủ trương của Đảng ta (không phải Đảng nó; nó ở đây là TQ đấy ạ, và nó chẳng sợ sứt mẻ tình hữu nghị gì ráo). Thế mà anh NBG lại đòi báo chí mình gọi những người ấy một cách tử tế sang trọng là "nhà hoạt động" làm sao có thể được cơ chứ?

Tóm lại là, NBG ạ, "activist" có phải là nhà hoạt động hay không thì phải xét đến tính Đảng, hiểu rõ chưa? Nếu không có tính Đảng, thậm chí lại còn có ý góp ý, phê bình Đảng, thì gọi là "kẻ phản động" là đúng quá rồi, còn oan ức nỗi gì nữa chứ?

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2012

Nhập đồng, thi vân, trung thân, và kiểm trứng

Trước khi các bạn đọc vào entry, xin nói trước: Tựa này được viết theo thứ tự ngược, tức chuyện nêu sau thì nói trước, chuyện nêu trước nói sau. Giống như các bạn khai CV phải trình bày kinh nghiệm làm việc theo thứ tự ngược vậy mà.

Rồi, bây giờ thì vào bài. Như các bạn biết, lâu nay tôi bận, thậm chí không có cả thì giờ để đọc báo, dù là báo lề phải hay lề trái, báo giấy hay báo mạng.

Sáng nay có chút thời gian, tôi mở trang Ba Sàm ra đọc lướt, và vấp ngay phải một từ rất lạ: "kiểm trứng"!

Không, không có ai buôn bán trứng gà, trứng vịt ở đây đâu mà phải kiểm ạ. Đấy chỉ là một lỗi chính tả nho nhỏ thôi. Thay vì phải viết là "kiểm chứng", thì người ta viết là "kiểm trứng". 

Hình chụp đây ạ, nóng hổi. Các bạn đọc phần in nghiêng, đoạn 2, dòng thứ 5.

Hẳn là sẽ có ai nói rằng, có lẽ Ba Sàm là báo lề trái, nên người ta có thể viết vội, ẩu, chủ yếu là nhắm vào việc đưa thông tin nhanh chóng mà thôi. Ừ, rất có lý. Không cần phải quan tâm, phải không?

Tưởng mọi việc đã có thể chấm dứt ở đấy. Nhưng rồi ngay lập tức tôi lại nhìn thấy một "từ lạ" khác, ấy là "trung thân", mà lại trên trang mạng của một tờ báo lề phải lớn, có uy tín, mới chết chứ!

Tuy nhiên, có một điều hơi phiền, ấy là tôi quên không lưu cái trang có từ "trung thân" lạ lẫm, sáng tạo kia lại, nên bây giờ phải đi tìm bằng cách hỏi cụ Gúc, tức là tra trên google ấy ạ.

Tôi gõ vào 2 từ "trung thân", thì được google gợi ý cụm "tù trung thân" (!). Ừ, thì "tù trung thân".

Hóa ra là cụm từ này đã được dùng, well, nói theo kiểu thơ Xuân Diệu là "hơn một lần", còn nói theo kiểu thông thường, nôm na thì là người ta đã dùng cụm từ "trung thân" ê hề ra đấy từ lâu rồi.  Ai không tin thì cứ hỏi cụ google giống như tôi đã hỏi. Thế mà lâu nay tôi cứ tưởng chỉ có từ "chung thân"; "chung" ở đây là cuối cùng giống như trong từ "chung cuộc" ấy.

Dưới đây xin chụp màn hình của một bài viết cách đây đã 30 tháng, trong đó có cụm từ "tù trung thân" được nêu chình ình (có phải là chình ình không, hay phải viết là "trình ình" nhỉ?) ngay trên cái tựa đề. Xem dưới đây.



Ôi ôi, hượm đã. Tôi lại vừa tìm thấy cụm từ "tù trung thân" nổi tiếng này trên một trang khác, mà lần này thì có chuyện to tát rồi đây. "Tù trung thân" là một cụm từ mới, các bạn bổ sung ngay vào từ điển cá nhân nhé, kẻo lạc hậu mất. Đây này, nó xuất hiện cũng ngay trên tựa bài viết trên trang web của Luật sư Ngô Ngọc Thúy nào đó, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. Hình chụp dưới đây, còn trang web ấy thì có địa chỉ như thế này: luatsungongocthuy.com. Tựa bài viết nguyên văn là "Xử tù trung thân vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".


Hừm hừm ... Luật sư là tầng lớp thượng lưu, học cao hiểu rộng, mà cũng viết thế, thì chắc là tiếng Việt đã thay đổi, và những gì tôi biết nếu không phải là sai thì hẳn cũng phải là ... cổ lỗ sĩ rồi. Ngôn ngữ luôn thay đổi mà, tôi hiểu thế. Mà khi xét về tiếng Việt thì ngôn ngữ chuẩn phải lấy Hà Nội làm gốc. Chết chết, thế thì tôi nguy to rồi, vì lạc hậu quá.

Rồi tôi bỗng nhớ đến tập thơ Thi Vân Yên Tử của một nhân vật vô cùng học thức và có quyền cao chức trọng gì đấy là GS-TS Hoàng Quang Thuận. Do thông tin về nhân vật này và 2 tập thơ nhập đồng của ông om xòm quá nên dù bận tôi cũng đọc qua sơ sơ (sorry, "om sòm" chứ không phải là "om xòm", như một bạn đọc đã góp ý). Gạt qua bên ngoài cái nghi vấn (mà tôi cho là rõ rành rành) về đạo văn, tôi thấy thơ của ông đọc lên rất ngô nghê như vè, nội dung cũng tầm thường, có gì hay đâu mà lại gửi đi dự giải Nobel nhỉ? 

Hay là tại tôi kém cỏi, lạc hậu, lại người trần mắt thịt, nên không hiểu nổi thơ tiên, thơ thánh?

À mà này, cho tôi hỏi chút, xuỵt, nhỏ nhỏ thôi nhé kẻo người ta chê là dốt vì dễ thế mà không biết, "thi vân" nghĩa là gì ấy nhỉ? Mây thơ? Tức là mây đẹp như thơ chăng? Nhưng đây là một tập thơ cơ mà, vậy phải chăng nên hiểu là "thơ mây", theo cấu trúc cụm danh từ tiếng Việt? Tức là thơ nhẹ nhàng, bay bổng, lãng mạn như mây, tại sao không?

Ô, thế thì tôi biết rồi, đó là thơ nhập đồng. Và "tù trung thân", hay "kiểm trứng", cũng chẳng phải là sai, mà đấy là ngôn ngữ nhập đồng. Nhập đồng rồi, bay bổng, đầu óc cứ lâng lâng, nói năng ai cũng như cố nhà thơ Bùi Giáng hết cả.

Có lẽ cả nền giáo dục của ta, và rộng hơn là cả nền chính trị nữa, cũng đang nhập đồng thì phải? Tại sao tôi nói vậy, xin chờ nhé, "thiên cơ bất khả lậu" mà. Thì chính tôi khi viết entry này cũng đang nhập đồng đấy thôi.