Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

“Dưỡng liêm”, và … khóc!

Tôi đang định viết tiếp cái entry nhiều kỳ “Tản mạn cuối tháng 4” cho nó xong dịp 30/4 như đã hứa, nhưng ông xã tôi lại cứ muốn tôi phải viết một bài về “dưỡng liêm” cơ.


Nói chính xác, ông ấy đặt cho tôi một câu hỏi như thế này: “Em nghĩ gì về cái gọi là tiền dưỡng liêm?” Tôi đã nói là tôi không biết gì về việc này và cũng quan tâm đến vấn đề đó, vì còn đang bận quan tâm đến 30/4. Nhưng ông ấy bảo, chuyện 30/4 là chuyện đã cũ xì rồi, muốn hay không thì nó cũng đã xảy ra và trở thành lịch sử, trong khi dưỡng liêm là việc mới, cần phải quan tâm, và tốt nhất là tôi nên viết một bài để mọi người cùng quan tâm nữa.


Vậy cũng được, OK, viết về “dưỡng liêm”. Nhưng muốn viết về cái chủ đề đó thì phải tìm hiểu đã chứ, tôi có biết gì đâu mà viết. Và thế là tôi hì hục lên mạng tìm hiểu về cái vấn đề nghe rất chi là … “tàu phù”, phong kiến đó: “dưỡng liêm”. Tôi nghĩ cái từ “dưỡng liêm” này chắc cần phải giải thích một chút, vì có lẽ không phải ai cũng hiểu được “dưỡng liêm” là gì, đặc biệt là những người Việt xa quê, “khúc ruột ngàn dặm” dài lê thê (thấy mà ghê) theo cách gọi của nhà nước khi cần “lấy lòng” Việt kiều để họ tiếp tục chuyển tiền về nước (nghe nói một năm cũng nhiều tỷ đô la gì đấy ?).


Dưỡng liêm là gì? Nói nôm na thì “dưỡng liêm” có nghĩa là để nuôi (= dưỡng) sự liêm khiết, ở đây có nghĩa là cung cấp cho họ một số tiền ưu đãi để họ đủ sống bằng đồng tiền lương thiện và không phải kiếm chác thêm bằng cách hạch họe dân nữa. Hừm hừm, thế là thế nào nhỉ, tóm lại ngành nào càng hay hạch họe dân thì càng có cơ hội được thưởng bằng tiền dưỡng liêm? Kể cũng lạ.


Nhưng thôi, tạm quên chữ nghĩa của từ này, hãy quay lại tìm hiểu thực tế của chính sách dưỡng liêm cái đã. Tôi chỉ cần google một cái, thế là có ngay một lô một lốc thông tin về việc dưỡng liêm. Chuyện gần nhất, và nổi đình đám nhất, là việc cách đây ít lâu ông bí thư thành ủy Đà Nẵng, nhân vật nổi tiếng Nguyễn Bá Thanh, đã đưa ra một chủ trương rất táo bạo là cấp tiền “dưỡng liêm” cho CSGT mỗi người 5 triệu đồng một tháng.


Hừ hừ, khó thở quá; tôi chỉ cần đọc đến đây thôi là cơn bức xúc nổi lên liền tắp lự. Nhớ nhá, 5 triệu một tháng mà chỉ là dưỡng liêm thôi, chưa kể lương chính? Và cho một cảnh sát giao thông, là cấp quyền lực thấp nhất trong ngành các an ninh, cảnh sát? Vậy thì có ai giải thích được cho tôi hiểu logic của mức lương mà nhà nước cấp cho tôi sau gần 30 năm làm việc trong một trường đại học không nhỉ?


Tôi, một người có bằng tiến sĩ hẳn hoi, học ở nước tư bản cẩn thận (từ lúc có bằng tiến sĩ đến giờ cũng một đúng thập niên rưỡi rồi); chưa kể tôi sử dụng được tiếng Anh thành thạo, nghe nói đọc viết đủ cả, vi tính cũng không tồi, lại còn biết cả phân tích thống kê (không giỏi lắm, nhưng làm được) nữa nhé, còn viết lách ư, chuyện nhỏ, khi có hứng thì viết vài ba trang trong vòng vài ba tiếng chỉ là trò trẻ con. Vậy mà lương của tôi cách đây gần một năm (bây giờ thì tôi nghỉ nhà nước rồi) chỉ mới được khoảng gần 5 triệu thôi, cộng thêm các loại trợ cấp (chức vụ, trợ cấp giảng viên vv), và cả tiền làm thêm của cơ quan nữa, mới được xấp xỉ 8 triệu. Thế này thì công bằng ở chỗ nào chứ???


Thế nhưng chủ trương này không phải là không có người ủng hộ nhé. Có nhiều người cho đó là một chủ trương hay, ví dụ như “Cu Vinh” tức nhà văn Nguyễn Quang Vinh thì cho đây là một điều rất nên làm, và trên thực tế thì đó là một chủ trương mà chính các vua chúa thời nhà Nguyễn ngày xưa cũng đã làm chứ chẳng phải đến thời nay mới có. Link của bài viết ở đây này: http://nguyencuvinh.wordpress.com/2012/03/21/2910/.


Tò mò, tôi tìm hiểu thêm về việc dưỡng liêm của thời phong kiến, và tìm thấy entry trên wikipedia. Thì ra việc dưỡng liêm đã có từ rất lâu, không phải chỉ có thời Nguyễn mà tận thời Lê, trước hết là như một phần thưởng cho sự liêm chính của các quan, hoặc cấp ruộng để cày cấy như một phần hỗ trợ bù thêm thu nhập cho các quan. Mãi về sau, sang đời nhà Nguyễn thì dưỡng liêm mới có hình thức là một món tiền bù thêm để khuyến khích sự liêm chính (tức có đồng lương đủ sống nên không cần phải “kiếm chác”). Cũng theo wikipedia, chính vì có chính sách dưỡng liêm này mà (phần lớn) quan lại dưới thời nhà Nguyễn giữ được sự liêm khiết của mình.


Ái chà, thế này thì … cũng hay đấy chứ, gì chứ tham nhũng thì tôi cực ghét. Mà chẳng riêng gì tôi, tôi tin là ai cũng ghét, kể cả nhà nước, nhưng dường như ai cũng biết là đành phải bó tay, chấp nhận sống chung với tham nhũng thôi, vì khó lòng mà chống được nó. Nhưng nay đọc xong về dưỡng liêm, bỗng ngộ ra rằng, hóa ra chống tham nhũng cũng … dễ ra phết nhỉ? Cứ ngành nào tham nhũng càng nhiều thì chỉ cần bỏ tiền ngân sách ra (tức là tiền người dân đóng thuế ấy), dưỡng liêm nhiều nhiều một chút, là hết sạch tham nhũng. Dù có tốn kém một tí, nhưng lại được tiếng là nhà nước trong sạch, dân thì không sợ bị nhũng nhiễu nữa, như thế là lòng tin vào nhà nước sẽ được cải thiện rất nhiều, chế độ sẽ vững vàng, không sợ bị bọn thế lực thù địch chọc phá, âm mưu … gì gì nữa hết.


Đang ngẫm nghĩ như vậy thì ông xã tôi hỏi, “sao, em đọc xong, và suy nghĩ xong về vụ dưỡng liêm chưa?”


Xong rồi anh ạ. Mới đầu thì em hơi bức xúc, nghĩ rằng điều này không công bằng, nhưng nghĩ lại thì em thấy thực ra đó lại là một điều tốt. Đúng là cần phải có chính sách dưỡng liêm, dù có thể sẽ có người phản đối lúc đầu. Và đúng là ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng hay thật đấy, dám nghĩ dám làm, dám là nơi đưa chính sách dưỡng liêm vào áp dụng ở Đà Nẵng nơi ông đang lãnh đạo. Bla ba bla …


Đang say sưa nói thao thao (dò trúng đài?) thì ông xã tôi đột ngột ngắt lời làm tôi cụt hứng quá. Ông ấy bảo, “Thôi, nghe đáp án đây này: Đó chẳng phải là sáng kiến gì của ai cả, chẳng phải của ông Nguyễn Bá Thanh mà cũng chẳng phải của vua chúa phong kiến nhà Nguyễn hay nhà Lê gì sất. Mà đó là một việc dân mình đã biết làm từ rất lâu, làm một cách tự nguyện, tự giác, thậm chí làm một cách bất giác, làm không suy nghĩ, làm như một bản năng. Ai cũng làm, thời nào cũng làm, chẳng có gì lạ cả.”


Cái gì? Anh nói gì em chưa hiểu?


Thì hôm nào em cứ thử ngồi quán cóc, chỗ hay có mấy anh CSGT đứng thổi phạt, rồi quan sát một buổi xem, thấy ngay ấy mà?


Thấy cái gì mới được chứ?


Chẳng phải đa số người VN bị thổi phạt đều biết cách năn nỉ, và ... biết rút tiền bồi dưỡng cho CSGT, để khỏi bị vặn vẹo, hạch họe, bị giữ giấy tờ đó sao? Đấy là ... dưỡng liêm, chứ còn gì nữa? Các anh CSGT các anh ấy lương thấp, lại phải đứng ngoài đường nắng chang chang, mặt mày mệt mỏi cau có; thì người dân người ta tự động dưỡng liêm cho các anh ấy, để các anh ấy vui vẻ, nhiệt tình lên một chút, cho cả hai bên cùng vui mà?


Nghe xong đến đây, tôi bỗng ... òa khóc. Khóc nức nở, mà chẳng biết tại sao lại thế. Chỉ biết, cái cảm xúc lúc này của tôi còn dữ dội hơn hôm tôi khóc vì không được lọt vào danh sách 600 ngàn người có xe hơi sắp phải phải đóng phí hạn chế giao thông do bộ trưởng Đinh La Thăng sáng kiến ra mà tôi đã viết trên blog hôm nọ thôi.


Đúng là kỳ cục quá nhỉ, có ai giải thích giúp tôi xem tại sao lai như thế không?


Ôi, dưỡng liêm ôi là dưỡng liêm, hu hu hu hu ...

2 nhận xét:

  1. Xây một cái cầu 1500 tỷ .
    Nhận 15 % =250 tỷ là dưỡng liêm đó .
    Ông Thanh làm 6-7 cái cầu.

    Trả lờiXóa
  2. "Đàn bà sâu sắc cơi trầu" mà bà Anh Vũ này quá là sâu sắc. Chẳng qua là thằng bá thanh này là học sinh miền nam được du học bên tàu về nên nó nhập dưỡng liêm kiểu tàu về đây mà! Vì nếu để nhân dân dưỡng liêm thì nhà nước thất thu tiền phạt(vừa rồi tiền phạt lên cả ngàn tỷ) thôi thì thảy cho bọn đứng đường một ít tép để bọn nó mang về hàng đống tôm, chẳng sướng hơn à? Được tiền, lại vừa được tiếng. Ai như thằng la thăng-la giáng to mồm đòi mãi lộ, chọc cho dân chửi thiện đức bố nhà nó ngu. Thế nên cụ Tản Đà mới chua chát:
    Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn,
    Cho nên bọn chúng dễ lên quan.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.