Trước hết, hãy nói về Mẹ Hổ. Từ gốc tiếng Anh của nó là Tiger Mom, một từ mới trở nên buzzword trên báo chí tiếng Anh trong vòng vài tháng nay. Từ này xuất phát từ một cuốn sách rất nổi đình đám của Amy Chua, một nữ giáo sư giảng dạy tại Yale, là người Mỹ gốc Hoa (nhưng sinh ra tại Philippines, không phải tại TQ) sinh năm con cọp tức năm hổ (hình như là năm 1962, thua tôi 2 tuổi), người đã tự nhận mình là Mẹ hổ vừa vì mình là tuổi hổ, vừa vì bà tự nhận rằng mình là một bà mẹ dữ như ... cọp!
Cuốn sách của Amy Chua khi vừa xuất bản xong là gây ra một cuộc tranh luận khủng khiếp ở nước Mỹ. Tôi chưa đọc cuốn sách này, chỉ đọc những lời giới thiệu và những tranh cãi chung quanh cuốn sách, nhưng tựu trung phương pháp dạy con của bà mẹ hổ này cũng giống như nhiều gia đình châu Á khác là ép các con học, học, học suốt cả ngày, ngoài ra cần phải có sự vâng lời tuyệt đối đối với cha mẹ, thầy cô, tóm lại bí quyết thành công là làm việc đến vắt kiệt thân xác ra và ganh đua không mệt mỏi, và phải biết kính trọng và vâng lời những người có thẩm quyền trên cuộc đời mình. Làm đúng như thế thì thành công, không làm như thế thì sẽ bị phạt. Đại khái thế.
Một phương pháp giáo dục như vậy rõ ràng là trái ngược lại với phương pháp được áp dụng ở phương Tây, và lẽ ra phải bị đả phá dữ dội. Thế nhưng nước Mỹ gần đây dường như là đã bị mất sự tự tin trước một Trung Quốc đang lên hay sao ấy, đặc biệt là sau vụ học sinh Thượng Hải (Trung Quốc) đạt điểm kiểm tra PISA cao ngất ngưởng, hình như là đứng đầu thế giới, trong khi học sinh Mỹ thì thấp lè tè, hình như càng ngày càng tụt hạng. Vì vậy, công chúng nước Mỹ tỏ ra rất quan tâm đến phương pháp của Mẹ Hổ và tự đặt câu hỏi rằng phải chăng phương pháp của mình lâu nay là sai? Phải chăng cần áp dụng phương pháp của Mẹ Hổ?
Tất nhiên cũng có những người không đồng ý, nhưng một số người thì dường như đang bắt đầu cổ vũ cho việc phải thúc ép trẻ em học hành, làm việc chăm chỉ, vâng lời người lớn - đại khái là theo phương pháp dạy con của Mẹ Hổ - và đả phá cách giáo dục quá chiều chuộng trẻ em như ở Mỹ lâu nay.
Đấy, Mẹ Hổ là như thế đấy. Nên giờ đây mới có những người muốn thành Mẹ Hổ. Vậy làm thế nào để trở thành Mẹ hổ nhỉ? Dễ quá, bí quyết đây: Tám cách để trở thành Mẹ hổ. Đó là một bài viết ngắn đã được đăng ngày 30/1/2011 trên tờ Jakarta Post của Indonesia. Tác giả của nó, theo lời tự giới thiệu trong bài viết là một người đàn ông châu Á có vợ là người Âu-Mỹ. Tựa tiếng Anh của bài viết là "Eight ways to become a tiger mom".
Lạc đề chút: Làm thế quái nào mà tôi vừa mới giới thiệu xong một bài có tựa là "tám biện pháp cải thiện nền đại học Mỹ" trên trang ncgdvn của tôi cách đây vài ngày, thì nay lại giới thiệu "tám cách để trở thành Mẹ hổ", tức lại là số tám nữa. Lạ thật. Khéo tôi phải đi mua vé số với số đuôi là 88 đi thôi!
Quay trở lại bài viết. Các bạn có thể tìm thấy nó ở đây. Bài viết ngắn, thú vị, dễ đọc, các bạn nên tự đọc để củng cố tiếng Anh, hơn là đọc bài dịch của người khác. Vả lại, tôi cũng ... đâu có ý định dịch nguyên văn, vì ngán lắm.
Nhưng dù sao ... đã giới thiệu đến cỡ này thì tôi cũng xin trích dịch (dịch thoát thôi) vài đoạn ra đây để cho bài viết nó tạm đủ ý. Xin các bạn đọc ở dưới nhé. And enjoy!
---
Một nửa số bà mẹ mà tôi biết quả đúng là mẹ hổ, còn những người khác thì hiền lành, dịu dàng hơn. Chúng ta hãy so sánh họ.
1) Khi gặp cô giáo của con thì bạn sẽ hỏi gì? Mẹ thường: "Con tôi đi học có vui vẻ không?" Mẹ hổ: "Con tôi có đứng đầu lớp không?"
2) Khi con bạn mang bức tranh quệt màu nước vẽ bằng ngón tay từ nhà trẻ về khoe, bạn sẽ nói gì? Mẹ thường: "Đẹp quá! Cái hình này giống đám mây, còn hình kia giống như con thỏ." Mẹ hổ: "Con vẽ cái gì mà xấu vậy? Nguệch ngoạc như con nít." Mẹ thường nói với cô giáo: "Con bé nhà tôi thích vẽ lắm, nhờ cô giúp cho cháu thêm." Mẹ hổ: "Con bé nhà tôi ham vẽ lắm, cô phải làm sao cho cháu bỏ cái trò ấy đi. Nếu nói không được thì cô cứ đánh."
[...]
7) Bạn nói gì với ông xã khi con bạn bắt đầu có bạn? Mẹ thường: "Hay quá, nó bắt đầu có nhiều bạn bè rồi đó." Mẹ hổ: "Hư quá, nó bắt đầu học cái thói bạn bè đàn đúm rồi đó."
8) Bạn nói gì với cô giáo trong cuộc họp giữa phụ huynh với nhà trường? Mẹ thường: "Nhờ cô khuyến khích cháu cố gắng học hơn nữa, nhưng đừng cảm thấy căng thẳng." Mẹ hổ: "Cô cố làm sao cho cháu học được toàn điểm A ấy nhé. À mà này, tôi có súng đấy cô ạ, mà súng có đạn đấy."
Thế tôi khuyên bạn nên chọn phương pháp nào? Tôi chẳng khuyên gì ráo. Tôi là đàn ông, mà đàn ông thì đâu có phận sự gì trong mấy cái việc như thế này. Này nhé, Amy Chua sống ở phương Tây, lấy chồng Âu-Mỹ nhưng dạy con theo kiểu Á. Còn tác giả của bài viết này chỉ là một người đàn ông châu Á lấy vợ Âu-Mỹ, nhưng con cái của chúng tôi được dạy theo phương pháp của phương Tây.
Sự thực là như thế này: mẹ thì có hai kiểu, mẹ thường hay mẹ hổ. Nhưng vợ thì chỉ có một kiểu thôi, ấy là kiểu vợ hổ. Vì khi quyết định mọi chuyện trong nhà thì phụ nữ luôn luôn đóng vai trò chỉ đạo.
-----
Buồn cười quá, hải không các bạn? Thế các bạn có muốn trở thành Mẹ Hổ chăng? Hay ... chính các bạn đã là Mẹ Hổ (hoặc Mẹ Rồng) gì đấy rồi, nên không cần học cách trở thành Mẹ Hổ nữa? Tôi thì nghĩ như thế này: có lẽ các bà mẹ VN ta nên học cách làm sao để không còn là mẹ hổ nữa, thì đúng hơn nhỉ? (Nhân tiện, cái cách giáo dục của Mẹ hổ có liên quan gì đến việc tạo ra Người TQ xấu xí không nhỉ? Các bạn thử xem lại bài 1: "Ba câu nói" mà xem?)
Nhân tiện, các bạn đã đọc bài này cũng nên đọc thêm một bài viết khác để hiểu hơn về Mẹ Hổ. Bài ấy ở đây.
Blog này là hậu thân của BlogAnhVu đã bị tôi xóa do một số vấn đề kỹ thuật. Như tên gọi của blog, Just for myself, nó chỉ là nhật ký cá nhân, dù ở dạng mở, nhằm ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính tôi về những vấn đề xung quanh mình. Vì là nhật ký mở, tôi cũng chia sẻ đến những người đồng cảm, nhưng không chịu trách nhiệm nếu ai đó lấy bài đi và sử dụng ở nơi khác với những mục đích riêng. Nếu có comment, xin sử dụng ngôn từ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng những quan điểm khác biệt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.