Blog này là hậu thân của BlogAnhVu đã bị tôi xóa do một số vấn đề kỹ thuật. Như tên gọi của blog, Just for myself, nó chỉ là nhật ký cá nhân, dù ở dạng mở, nhằm ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc của chính tôi về những vấn đề xung quanh mình. Vì là nhật ký mở, tôi cũng chia sẻ đến những người đồng cảm, nhưng không chịu trách nhiệm nếu ai đó lấy bài đi và sử dụng ở nơi khác với những mục đích riêng. Nếu có comment, xin sử dụng ngôn từ hòa nhã, lịch sự, tôn trọng những quan điểm khác biệt.
Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI
11.7.2024
Anh Vũ
---------
Hôm qua 11.7.2024 kỷ niệm lần thứ 37 Ngày dân số thế giới. Nhân dịp này nhiều hoạt động đã được tổ chức tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nhưng có lẽ rất ít người Việt quan tâm đến ngày này, mặc dù dân số được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhất của hành tinh và có tác động đến cuộc sống của mỗi người chúng ta. Đây là một điều đáng tiếc và cần được thay đổi.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về Ngày dân số thế giới.
NGUỒN GỐC NGÀY DÂN SỐ THÊ GIỚI 11.7
Ngày 11/7/1987, lúc 6h35 (giờ Anh) tại thành phố Zagreb (nay là Thủ đô của Croatia), cậu bé người Nam Tư Matej Gaspar đã chào đời và ngay lập tức trở nên nổi tiếng vì cậu là công dân thứ 5 tỷ của thế giới.
Với dân số 5 tỷ người lúc đó, nhân loại ý thức được tai họa tiềm ẩn có thể xảy ra do tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên mà sự bùng nổ dân số có thể gây ra. Ngày 11 tháng 7 năm 1987 được biết đến với tên gọi là Ngày thế giới 5 tỷ người.
Trước hiểm họa của “Bùng nổ dân số”, Diễn đàn Dân số Thế giới do Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức tại Amrterdam (Thủ đô Hà Lan) tháng 11 năm 1989 đã quyết định lấy ngày sinh của bé Matej Gaspar 11/7 hàng năm là ngày Dân số thế giới.
Như vậy về mặt lịch sử Ngày dân số thế giới là dịp để nhắc nhở các quốc gia về nguy cơ dân số tǎng quá nhanh, dẫn đến việc con người không đủ điều kiện sống với đầy đủ quyền cơ bản như có đủ thực phẩm hợp dinh dưỡng, nhà ở hợp vệ sinh, điều kiện bảo đảm sức khỏe…
Trên cơ sở nhận thức về mối đe dọa đó, mỗi quốc gia, mỗi cá nhân được khuyến khích tự liên hệ với dân số của địa phương mình để có suy nghĩ và hành động đúng, và tìm mọi biện pháp tích cực để góp phần giảm gia tăng dân số, nâng cao chất lượng cuộc sống, chất lượng dân trí và cải tạo môi trường sinh thái.
TỪ 1 TỶ ĐẾN HƠN 8 TỶ
Nhìn lại lịch sử phát triển của loài người, ta thấy trong một thời gian dài dân số thế giới đã tăng rất chậm, và phải mất nhiều ngàn năm mới đạt tới con số một tỷ vào năm 1800. Nhưng chỉ chưa đầy 200 năm sau đó thêm hàng tỷ con người đã được sinh ra trên trái đất với tốc độ gia tăng ngày càng nhanh.
Từ con số 1 tỷ người năm 1800, chỉ sau 100 năm con số ấy đã tăng lên 1,65 tỷ, và sau 100 năm nữa đến cuối thế kỷ 20, con số đó đã lên đến 6 tỷ. Dân số đã tăng trưởng theo cấp số nhân.
Và mặc dù loài người đã đưa ra và áp dụng rất nhiều biện pháp để hạn chế sinh nở thì tính đến ngày 10 tháng 6 năm 2024, dân số thế giới vẫn đạt xấp xỉ 8,1 tỷ người, phản ánh mức tăng trưởng vượt bậc kể từ Cách mạng Công nghiệp.
Sự tăng trưởng nhanh chóng này là minh chứng cho những tiến bộ đáng kể về chăm sóc sức khỏe, vệ sinh và mức sống. Con người ngày càng sống lâu hơn và tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh giảm đi đáng kể, khiến cho mức giảm tỷ lệ sinh nở không đủ sức để làm chậm đi tốc độ gia tăng của dân số thế giới.
Trong số 10 quốc gia có số dân lớn nhất thế giới gồm có: Trước hết là ba quốc gia đứng đầu theo thứ tự dân số giảm dần gồm Ấn Độ, Trung Quốc (cả hai đều xấp xỉ 1.5 tỷ dân) và Hoa Kỳ (xấp xỉ 400 triệu dân). Bảy quốc gia tiếp theo Indo, Pakistan, Nigeria, Brazil (trên 200 triệu dân), và Bangladesh, Nga và Mexico (trên 100 triệu dân).
Đặc biệt phải ghi nhận rằng Việt Nam đã đặt chân vào Câu lạc bộ các quốc gia có trên 100 triệu dân từ cuối năm 2023 và trở thành nước đứng thứ 15 trên thế giới về dân số. Nói cách khác, nếu xét về dân số thì Việt Nam đang là một nước lớn chứ không thể tự xem mình là một nước nhỏ được nữa. [1]
KIỂM SOÁT SINH NỞ HAY KHUYẾN KHÍCH SINH NỞ?
Ngày dân số thế giới được thiết lập để cảnh báo các quốc gia trên toàn thế giới về nguy cơ bùng nổ dân số khi dân số thế giới vừa đạt đến số 5 tỷ vào năm 1987, và rất nhiều biện pháp khuyến khích và thậm chí cả ép buộc được áp dụng để kiểm soát sinh nở nhằm kiềm chế sự tăng dân số.
Nhưng thật oái oăm, chỉ chưa đầy 4 thập niên sau thì giờ đây Ngày dân số thế giới lại trở thành ngày mà người ta nhắc đến hiện tượng dân số già đi vì tỉ lệ sinh nở giảm sút, và những hệ lụy nguy hiểm của việc này.
Mới đây, Cục dân số thuộc Bộ Y tế đã công bố danh sách 21 tỉnh thành có tỷ lệ sinh nở thấp nhất, trong đó thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu danh sách. Những tỉnh thành này đã áp dụng biện pháp khuyến khích sinh bằng cách hỗ trợ 1 lần bằng tiền cho phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. [2]
Và đúng ngay Ngày dân số thế giới 11.7.2024, báo Sài Gòn Giải Phóng đã có bài đăng với tựa đề:
"NGÀY DÂN SỐ THẾ GIỚI 11.7: MỨC SINH THẤP, NHIỀU HỆ LỤY TRONG TƯƠNG LAI" [3]
Phần mở đầu của bài báo được viết như sau:
"Liên tiếp những năm gần đây, mức sinh tại TPHCM có xu hướng giảm, từ 1,39 con/phụ nữ (năm 2022) xuống còn 1,32 con/phụ nữ (năm 2023) - không đạt mức sinh thay thế (từ 2 đến 2,1 con/phụ nữ). Các chuyên gia cảnh báo, nếu tỷ suất sinh tiếp tục duy trì ở mức thấp sẽ gây nên những hệ lụy không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố."
Và phần kết luận của bài báo có đoạn dưới đây:
"Mức sinh giảm không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số, còn có những hệ lụy sâu rộng đối với kinh tế - xã hội và chính sách an sinh và cần sự chung tay tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị; trong đó quan trọng là có những chính sách để người dân yên tâm hơn khi quyết định sinh và nuôi con."
TỶ LỆ SINH GIẢM PHẢN ÁNH SỰ GIẢM SÚT HY VỌNG VÀO TƯƠNG LAI
Những lời lẽ bi quan của bài báo được trích dẫn ở trên gợi nhớ một phát biểu của Đức giáo hoàng Phanxicô tại một hội nghị thường niên tại Ý về vấn đề dân số của đất nước này.
Hội nghị năm nay tập trung vào tình trạng suy giảm dân số nghiêm trọng của nước Ý một quốc gia có đa số dân chúng là người theo đạo Công Giáo và theo truyền thống thường có tỷ lệ sinh nở khá cao so với mức trung bình.
Phát biểu tại hội nghị, Đức Giáo hoàng Francis cho rằng tỷ lệ sinh thấp của Ý “bộc lộ mối quan ngại lớn về tương lai”.
“Trên thực tế, việc sinh con là chỉ số chính để đo lường hy vọng của một dân tộc”, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói tiếp. “Nếu ít người sinh ra thì có nghĩa là có ít hy vọng. Và điều này không chỉ có hậu quả từ quan điểm kinh tế và xã hội mà còn làm suy yếu niềm tin vào tương lai”. [4]
--------
Có thể thấy những quyết định cá nhân về việc lập gia đình và sinh con đẻ cái không chỉ là việc riêng của từng người, mà còn ảnh hưởng đến vận mạng của cả một dân tộc và xa hơn tương lai của hành tinh trái đất.
Quyết định như thế nào cho đúng đắn để đem lại cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm cho mỗi con người là hoàn toàn tùy thuộc vào mỗi chúng ta.
----------
Ảnh: Microsoft Copilot
Nguồn tham khảo:
[1]https://vnexpress.net/dan-so-viet-nam-100-3-trieu-nguoi-4695123.html; https://thanhnien.vn/viet-nam-vuot-moc-100-trieu-dan-tuoi-tho-binh-quan-737-185240704173130278.htm
https://bachthong.gov.vn/ngay-dan-so-the-gioi-ra-doi-nhu-the-nao/
[2]https://vtv.vn/xa-hoi/tp-ho-chi-minh-can-chinh-sach-cu-the-khuyen-khich-nguoi-dan-sinh-con-20240422200333733.htm
[3]https://www.sggp.org.vn/ngay-dan-so-the-gioi-11-7-muc-sinh-thap-nhieu-he-luy-trong-tuong-lai-post748733.html; https://vnpa.moh.gov.vn/tin-hinh-video/toa-dam-thach-thuc-tu-muc-sinh-giam
[4]https://www.spuc.org.uk/Article/385573/Pope-Francis-links-low-birth-rates-to-a-lack-of-hope-as-the-worlds-demographic-crisis-deepens.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.