Bài đã đăng trên Sài Gòn nhỏ. Link đây: http://saigonnho.info/2016/06/22/com-dua-muoi-kho-khan-moi-co/
-------------h
Có một bài thơ mà tôi đã biết từ lúc khoảng 5, 6 tuổi và vẫn
còn nhớ như in từng chữ đến tận bây giờ, khi tôi đã trở thành người về hưu được
một năm, tức là sau đúng nửa thế kỷ. Bài thơ ấy như sau:
Những bữa cơm ấy tôi vẫn còn
nhớ mãi: rau và canh thì ăn thả cửa, cơm thì nói chung cũng không đến nỗi thiếu,
nhưng chất đạm như trứng, thịt, tôm vv thì phải chia phần: mỗi đứa 3 miếng trứng
(hoặc 3 miếng thịt, 3 con tôm vv). Mấy đứa hà tiện như tôi thì thường chôn miếng
thịt, miếng trứng quý báu ấy xuống dưới tận đáy chén cơm, lo ăn cơm với canh
trước, rồi đến cuối thì mới thưởng thức miếng ngon đã được để dành, theo kiểu
“save the best for last” (dành phần tốt nhất ở sau cùng), dù hồi nhỏ tôi chưa hề
biết đến thành ngữ ấy.
-------------h
CƠM DƯA MUỐI KHÓ KHĂN
MỚI CÓ …
Tan buổi học mẹ ngồi tựa
cửa
Ngóng trông con đứa đứa
về dần
Xa xa con đã tới gần
Các con về đủ quây quần
bữa ăn
Cơm dưa muối khó khăn
mới có
Của không ngon nhà khó
cũng ngon
Khi vui câu chuyện
thêm giòn
Chồng chồng vợ vợ con con một nhà …
Từ nhỏ, tôi đã thuộc khá nhiều
thơ, trong đó có nhiều bài do nghe mẹ tôi hát ru em mà thuộc. Riêng bài này thì
tôi thì tự tôi đọc bằng mắt, vì nó là một bài đọc thêm trong sách Quốc văn lớp
Năm (bây giờ gọi là lớp 1). Đọc qua chỉ một lần là nhớ ngay vì hình ảnh của bài
thơ thật gần gũi với tôi, như thể tác giả đã tả chính gia đình tôi vậy.
Gia đình tôi hồi ấy nghèo và
đông con, anh chị em tuổi cứ sát nhau, trung bình cách nhau 2 năm. Con nít đang
lớn thì cần ăn đến “thủng nồi trôi rế”, nhưng hồi ấy nhà nghèo đâu có đủ cho
chúng ăn thỏa thích. Vì thế nên mấy anh em trai nhà tôi người nào cũng có những
“giai thoại để đời” về … ăn vụng, đến giờ khi anh em gặp gỡ vẫn còn lôi ra kể lại
rồi cùng cười với nhau. Chẳng ai cảm thấy xấu hổ cả, vì suy cho cùng thì thời ấy
trong anh em đứa nào có sức ăn lớn hơn mức trung bình thì chắc chắn sẽ phải ăn
vụng thôi.
Bởi, nếu không ăn vụng, thì
tất cả năng lượng cần thiết cho các cơ thể đang tuổi ăn tuổi lớn như mấy anh chị
em nhà tôi hồi ấy chỉ còn trông vào 2 bữa cơm trong ngày mà thôi. Những bữa cơm
mà nhà đông con trai như nhà tôi thì chỉ ăn vèo một lúc là đã hết, mà ăn xong
thì chỉ nửa bữa là đã tiêu hết, bụng lại lép kẹp. Bởi những bữa cơm khéo léo,
ngon miệng ấy chủ yếu chỉ có cơm gạo, rau đậu và nước mắm, còn thì vô cùng thiếu
đạm động vật, mà tiếng Việt đã có một từ rất hay để mô tả đặc tính của bữa cơm
này: đạm bạc!
Bữa cơm truyền thống của
người Việt Nam! Tôi có thể bỏ cả ngày để viết về nó. Mà không chỉ tôi, rất nhiều
giấy mực của người Việt đã được bỏ ra để tôn vinh mâm cơm quý báu ấy. Bài thơ
mà tôi mới nhắc đến ở trên là một ví dụ. Nhân tiện, đoạn thơ ấy được trích trong
bài thơ Cảnh vui của nhà nghèo của Tản Đà, viết từ cách đây cả một thế
kỷ[1].
Nhưng không phải chỉ có ngày xưa người ta mới ca ngợi ý nghĩa của mâm cơm Việt.
Một bài viết trên tờ báo mạng có lượng truy cập hàng đầu Việt Nam là tờ
Vietnamnet trong một bài viết cuối năm 2012 đã nói về mâm cơm Việt bằng những lời
có cánh như thế này:
Người Việt ăn cơm theo mâm với ý nghĩa thể hiện tính đoàn kết,
luôn thương yêu, san sẻ ngọt bùi. Trong mâm cơm truyền thống không bao giờ thiếu
cơm trắng (được nấu từ gạo tẻ) và các loại rau, ngoài ra một chén nước mắm làm
từ cá cũng là một nét đặc trưng rất riêng mà chỉ ở Việt Nam mới có. Trong mỗi bữa
cơm, mời cơm là nét văn hóa không thể thiếu của người Việt. Người nhỏ tuổi, trước
khi ăn miếng cơm đầu tiên đều phải mời những người lớn tuổi, để tỏ lòng biết ơn
và thể hiện sự kính trọng.[2]
Người Việt nào đọc được đoạn trên
chắc cũng đều cảm thấy tự hào lắm, phải không? Tôi không biết, nhưng tôi thì
không hề tự hào. Tôi chỉ cảm thấy ngậm ngùi, nếu không phải là uất ức. Vâng
đúng, người Viêt Nam ăn cơm trắng với rau dưa và nước mắm. Nhưng ngày nay ở Việt
Nam, khi mua gạo về nấu cơm thì người ta phải cảnh giác vì không khéo sẽ mua nhằm
gạo giả của Trung Quốc. Rau thì người trồng dành riêng rau sạch cho nhà ăn, còn
rau bán ngoài chợ thì tha hồ xịt các loại hóa chất độc hại để trừ sâu, mặc kệ
người mua bị trúng độc ra sao.
Còn nước mắm, chén nước chấm
không thể thiếu trong mỗi mâm cơm Việt Nam, nơi mọi người cùng chấm chung vào để
tỏ tình đoàn kết như người ta thường nói, rồi đây sẽ trở thành chén thuốc độc
mà mọi người Việt sẽ cùng chấm chung, khi tình trạng cá chết dọc biển miền
Trung cách đây hơn hai tháng vẫn chưa có hề có một biện pháp gì dứt khoát để giải
quyết. Và không chỉ nước mắm, thậm chí cả những hạt muối biển vốn dồi dào đến ê
hề, đến độ khi ta nói “ăn cơm với muối” thì điều ấy đồng nghĩa với cái nghèo
cùng cực, rồi sẽ đến ngày người Việt “đến muối cũng chẳng có mà ăn.”
Bỗng nhiên, câu thơ rút ra từ bài
thơ ngọt ngào, ấm áp của Tản Đà chợt mang một nghĩa khác hẳn, và nó không chỉ
đúng cho người nghèo, mà cả những người trung lưu ở Việt Nam ngày nay nữa: Cơm dưa muối khó khăn mới có!
Có lẽ nào?
Đau xót quá, đất nước ơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.