(Bài gửi đăng Tập san Giáo huấn xã hội Công giáo)
----------------
----------------
Tình yêu: Giải pháp cứu
vãn nền giáo dục của Việt Nam?
Giáo dục Việt Nam đã xuống cấp quá sức trầm trọng. Chúng ta
đã tụt hậu rất nhiều, không chỉ khi so với các nước trên thế giới và trong khu
vực, mà còn cả khi so với chính chúng ta nữa.
Những phát biểu rất đụng chạm này lẽ ra phải làm cho người
nghe Việt Nam cảm thấy tự ái và đòi được chứng minh, nhưng hình như cho đến nay
thì điều này đã quá rõ đến độ không ai thèm cần chứng cứ nữa. Chỉ cần gõ “giáo
dục Việt Nam xuống cấp” vào google thì ta sẽ có ngay hằng hà sa số những bài viết
để chứng minh sự xuống cấp của nền giáo dục Việt Nam.
Chất lượng thấp của nền giáo dục không chỉ được biểu hiện bằng
chất lượng thấp của nhân lực (ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp nhưng
không tìm được việc làm; nền sản xuất èo uột, không có bất kỳ phát minh sáng chế
nào để phục vụ cho cuộc sống …) mà còn thể hiện qua đạo đức cá nhân và xã hội
(học sinh xích mích với nhau là sẵn sàng rút dao đâm bạn; thầy giáo lạm dụng
tình dục học trò vị thành niên; thi cử gian lận, mua bằng bán điểm; cả làng
xông vào đánh chết người trộm chó mà không cần có sự can thiệp của pháp luật,
vv …). Càng nói ra, có lẽ chỉ càng đau lòng mà thôi.
Có giải pháp nào cho nền giáo dục của Việt Nam không? Đã có
rất nhiều đề xuất cũng như nỗ lực cải tổ về mặt kỹ thuật của giáo dục. Cấu trúc
lại chương trình đào tạo đại học. Phân tầng và xếp hạng các trường. Chuẩn hóa
năng lực thầy/cô giáo qua những đòi hỏi về bằng cấp, chứng chỉ. Soạn lại sách
giáo khoa. Nhập các các chương trình tiên tiến của nước ngoài. Cải cách thi cử.
Trao thêm quyền tự chủ cho các trường. Chấp nhận một chương trình, nhiều bộ
sách giáo khoa…. Nhưng có vẻ như hầu hết mọi nỗ lực đổ ra đều bỏ sông bỏ bể, nếu
không muốn nói chỉ là chữa “lợn lành thành lợn què” mà thôi.
Đặt thực trạng của nền giáo dục Việt Nam vào bối cảnh kinh tế,
chính trị, xã hội của đất nước ngày nay, người ta dễ có cảm giác tuyệt vọng,
buông xuôi. Vâng, một cá nhân như tôi, một người ở đã phục vụ trong ngành giáo
hết cả cuộc đời làm việc của mình, liệu tôi có thể làm gì đây?
Khuyên sinh viên đừng quay cóp, đừng mua bằng mua điểm, mà
hãy học để cho chính mình ư? Tôi hoàn toàn có thể nghiêm khắc với sinh viên của
một khóa, nhưng điều đó chỉ làm cho các sinh viên đánh giá tôi thấp trong phiếu
đánh giá giảng viên ở cuối học kỳ, và sinh viên các khóa sau sẽ tránh không học
với tôi nữa. Thậm chí tôi còn có thể bị mất việc.
Đóng góp ý kiến với cấp trên ư? Lâu nay tôi vẫn cố gắng làm
điều ấy. Nhưng đa số những lời góp ý của tôi – và của những người có thiện tâm
khác trong cùng cơ quan – đều rơi vào không trung và tan biến. Fall on deaf
ears (rơi vào những cái tai điếc), như trong tiếng Anh người ta thường nói. Chưa kể,
ai cũng biết rằng con đường thăng tiến trong nghề nghiệp của tôi khá lận đận là
do tôi không biết “giữ mồm giữ miệng”, cứ công khai chỉ ra những điều trái tai
gai mắt mà chẳng ai muốn nghe. Bởi, “làm láo báo cáo tốt” để rồi nhận được những
huân chương, khen thưởng, thăng chức từ cấp trên dường như đã trở thành căn
tính mới của ngành giáo dục Việt Nam từ lâu nay rồi thì phải.
Vậy rồi sao? Tất cả chúng ta sẽ cùng chấp nhận bó tay nhìn
cho nền giáo dục của Việt Nam tiếp tục tuột dốc cho xuống tận đáy, đến độ không
còn ai tin vào nó, kể cả những người làm trong ngành giáo dục như tôi ư? Chúng
ta sẽ khoanh tay ngồi yên để nhìn tiếp tục nhìn làn sóng tị nạn giáo dục diễn
ra với quy mô ngày càng lớn hơn, đến độ ai có nhiều tiền thì cho con em đi học ở
các nước phát triển cao như Anh, Mỹ, châu Âu, ai ít tiền hơn thì cho con sang
những nước thường thường bậc trung như Mã Lai, Thái Lan, Indo, Philippines,
Trung Quốc?
Còn chúng ta, những người có niềm tin Công giáo? Những người
tự nhận là con Thiên Chúa, những người được Chúa dạy phải làm “muối của đời” và
“ánh sáng của thế gian”? Chúng ta cũng sẽ ngồi yên, không làm gì cả, và đổ lỗi
tất cả cho hoàn cảnh chứ? Vì chúng ta không có quyền hành, không có chức vụ,
không có điều kiện, nên chúng ta không cần phải làm gì hết, vì đó không phải là
trách nhiệm của chúng ta?
Không, không thể như thế. Niềm tin vào Thiên Chúa buộc chúng
ta phải làm một điều gì đó. Nhưng làm gì đây? Tôi nghĩ, đầu tiên chúng ta cần
phải hiểu rõ ý nghĩa căn bản của từ “giáo dục”. Tốt nhất, hãy cùng định nghĩa
giáo dục là gì, rồi từ đó mới biết chúng ta có thể làm gì.
Từ điển bách khoa trực tuyến mở Wikipedia đưa ra định nghĩa
về giáo dục như sau:
Giáo dục là quá trình
tạo ra việc học. Kiến thức, kỹ năng, giá
trị, niềm tin, và thói quen của
một nhóm người được truyền sang cho những người khác, thông qua việc kể truyện,
trao đổi, giảng dạy, huấn luyện, hoặc nghiên cứu. Giáo dục thường diễn ra dưới
sự hướng dẫn của các nhà giáo, nhưng người học cũng có thể tự giáo dục chính
mình thông qua một quá trình gọi là học
tập tự thân. Bất kỳ một trải nghiệm
nào tạo ra được một hiệu ứng hình thành nên cách suy nghĩ, cảm nhận, hoặc hành
động của chúng ta đều có thể được xem là có tính giáo dục.[1]
Đọc lại định nghĩa về giáo dục nêu trên – dù thực ra rất
quen thuộc và không có gì là mới mẻ – bỗng làm cho tôi bừng tỉnh. Giáo dục
không phải chỉ là việc của nhà trường, cũng chẳng phải là chỉ việc của các nhà giáo. Giáo dục không chỉ nhằm dạy kiến thức
và kỹ năng, mà còn – và có lẽ quan trọng
hơn nhiều trong sự xuống cấp giáo dục và đạo đức của xã hội Việt Nam hiện nay –
nhằm tạo ra những giá trị, niềm tin, và thói quen cho thế hệ sau. Giáo dục cũng
không chỉ có thể diễn ra dưới dạng bài giảng, seminar, bài nghiên cứu, thi cử,
mà mọi trải nghiệm của con người đều có tính giáo dục, miễn là nó tác động đến
việc hình thành nhân cách của một người – đặc biệt là những người trẻ, lứa tuổi
rất dễ bị tác động bởi ngoại cảnh.
Nói về các trải nghiệm, kể cả những trải nghiệm rất nhỏ, tôi
muốn kể một việc này. Có một buổi tôi đưa một người bạn không phải là người
Công giáo nhưng có quan tâm tìm hiểu đạo Thiên Chúa đi xem lễ ở nhà thờ Đức Mẹ
Vô Nhiễm trên đường Hoàng Hoa Thám, Quận Bình Thạnh. Khi xong lễ, chúng tôi bước
ra ngoài sân nhà thờ thì thấy xe của người đi xem lễ được gửi đầy sân đến nỗi
không có chỗ mà đi. Bạn tôi lo lắng, vì đinh ninh rằng việc lấy xe sẽ rất hỗn
loạn và mất nhiều thời gian cùng sự căng thẳng không đáng có. Nhưng không,
không hề có cảnh chen lấn, mà ngược lại là một sự nhường nhịn và kiên nhẫn khó
thấy ở những nơi công cộng của Việt Nam. Những người có xe để ở vị trí thuận tiện
nhất thì ra lấy trước, và sau đó là những người khác, tuần tự theo vị trí thuận
tiện để lấy xe. Chỉ vài phút là sân nhà thờ đông nghẹt đã trống hẳn, mà không hề
có sự la ó, chửi mắng, dành giựt thường thấy ở Việt Nam.
Nhìn cảnh lấy xe trong trật tự và nhường nhịn, người bạn tôi
thốt lên: “Đúng là cách ứng xử của những người có giáo dục, có nhân cách. Chỉ cần
các trường giáo dục cho các em biết cách nhường nhịn tương tự như vậy, thì xã hội
Việt Nam có lẽ đã bớt hẳn bạo lực đi rồi.”
Nghe câu nói ấy, tôi vừa hãnh diện mà vừa cảm thấy xấu hổ.
Tôi, một người Công giáo, là “ánh sáng của thế gian”, tôi đã nỗ lực hết cỡ
chưa, hay chỉ biết tuyệt vọng, than van?
Tôi muốn kết thúc bài này bằng một câu trích dẫn từ O. Henry,
người đã từng viết, “If one loves one’s
art, no service seems too hard.” Chỉ xin đổi lại một từ: Sẽ không có điều gì là quá NHỎ, nếu chúng ta
thực hiện nó với một tình yêu.
Vâng, tình yêu của Chúa.
[1] Education
is the process of facilitating learning. Knowledge, skills, values, beliefs, and habits of a group of people are transferred to
other people, through storytelling, discussion, teaching, training, or
research. Education frequently takes place under the guidance of educators, but
learners may also educate themselves in a process called autodidactic
learning.[1]
Any experience
that has a formative effect on the way one thinks, feels, or acts may be
considered educational.