Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Một thoáng Tơ Trời ...

 
Tình cờ nhìn thấy trên trang Báo Thiếu Nhi (một nhóm đóng, dành cho những người được mời tham gia dự án Báo Thiếu Nhi do LM Thanh AN​ chủ xướng) hình vẽ tập truyện ngắn Tơ Trời của tác giả Tỷ Tỷ do họa sĩ Vy Vy vẽ năm 1969, tôi bỗng thấy tim mình thót lại và cả một trời ký ức ồ ạt đổ về.

Giật mình, vì với tôi 4 từ Tỷ Tỷ - Tơ Trời cùng cái bìa tập truyện ngắn ấy vô cùng thân thiết trong ký ức tuổi thơ của tôi. Hồi ấy, các ấn phẩm của tờ Tuổi Hoa là những món ăn tinh thần không thể nào thiếu của bọn trẻ con chúng tôi. Tôi vẫn nhớ hàng tuần bọn tôi thường được ba tôi dẫn đi Sài Gòn dạo phố, và thế nào cũng vào Nhà Sách Khai Trí trên đường Lê Lợi. Nơi ấy là một thiên đường của những người yêu sách; ba tôi thì chúi mũi vào các sách triết học, lịch sử, địa lý vv, còn bọn tôi thì chắc chắn lê lết ở khu vực sách thiếu nhi. Và trong số những ấn phẩm dành cho thiếu nhi thời ấy, không thể không có các ấn phẩm của Tuổi Hoa.

Tơ Trời của Tỷ Tỷ là một trong những ấn phẩm mà tôi đã mua từ thời ấy. Đọc, và rất thích, đặc biệt là thích hai từ Tơ Trời. Tơ trời, tức là những đám mây nhẹ nhàng với màu trắng phớt hồng, như những đám bông bồng bềnh phiêu dạt .... Đám mây ấy cứ trôi, trôi mãi ... trôi qua dải Trường Sơn, nơi quê hương Việt Nam dấu yêu lúc ấy còn đang chịu cảnh chiến tranh, nồi da nấu thịt, tang tóc đau thương  ....

"Tơ Trời ơi, cứ bay mãi và đừng bao giờ ngừng cánh."

Câu cuối cùng của mẩu truyện Tơ Trời là như thế. Một câu chuyện không có cốt truyện, không có nhân vật chính, chỉ là những chi tiết vụn ráp nối với nhau, và hình ảnh , những suy nghĩ tản mạn .... Nhưng rất nên thơ, và cũng rất buồn, và làm cho tâm hồn một đứa trẻ 9, 10 tuổi như tôi lúc ấy cứ bâng khuâng mãi ....

Chẳng biết có phải là vì ảnh hưởng của những ấn phẩm của Tuổi Hoa và các nhóm tương tự hay không, chỉ biết hồi nhỏ tôi mơ lớn lên sẽ thành nhà văn. Và hơn thế, tôi cũng đã viết nhiều, đăng trên báo tường (hồi ấy gọi là bích báo) của lớp, rồi sau đó còn mon men đăng báo nữa. Năm 13 tuổi, hồi còn học lớp 7 trường Gia Long, tôi đã có bài đầu tiên đăng trên báo Chính Luận, trang Mai Bê Bi (My Baby). Và, chẳng biết tác giả Tỷ Tỷ nào đấy có bao giờ biết điều này hay chăng, bút hiệu đầu tiên của tôi là ... vâng ạ, nó đó: Tơ Trời.


Tơ Trời ... Tơ Trời. Nó gợi cho tôi một cái gì đó thanh thoát, nhẹ nhàng, hướng thiện, và - vì câu truyện Tơ Trời của Tỷ Tỷ mà tôi có nhắc tới ở trên - nó cũng có một cái gì đó buồn buồn, kèm một niềm hy vọng mơ hồ về một tương lai tốt đẹp hơn. Nói gọn lại, nó đẹp đẽ một cách mơ hồ, buồn buồn nhưng không tuyệt vọng, và trên hết là một sự hướng thượng không ngừng. Và đó là lý do tại sao tôi chọn nó làm bút hiệu đầu tiên của tôi.

Rồi từ đó .... Thoắt một cái, hơn 40 năm vụt trôi qua, như một giấc mộng, đôi khi là mộng đẹp nhưng nhiều lúc cũng như một cơn ác mộng. Hai từ Tơ Trời mà thời ấy tôi mê mẩn không còn mấy ai dùng đến nữa (có lẽ người ta đã không còn mơ mộng như thời thơ ấu của tôi); tờ Tuổi Hoa cũng chỉ còn trong ký ức của những người thuộc thế hệ của tôi. Tưởng chừng nó sẽ vĩnh viễn chìm sâu trong tâm khảm của một thế hệ đã và đang qua đi. Nhưng không, nó vẫn còn đó, và sẽ được tái sinh qua nỗ lực của những người yêu con người và mong muốn vun đắp một cái gì đó tốt đẹp, hướng thượng và để lại cho tương lai. Qua dự án phục hồi tờ Tuổi Hoa thời ấy của LM Lê Ngọc Thanh mà tôi đã nói ở trên.

Vâng, Tơ Trời ơi, xin mãi bay và không bao giờ ngừng cánh.

-------------------
Đọc trọn truyện ngắn ấy ở đây, và các truyện khác trong tập truyện dễ thương ấy: http://tuoihoa.hatnang.com/node/1220

Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

Nhân vụ án Bình Phước, nghĩ về nguyên nhân của cái ác và vai trò của báo chí (Hồng Vân)

http://nhipcauthegioi.hu/goc-nhin/Nhan-vu-an-Binh-Phuoc-NGHI-VE-NGUYEN-NHAN-CUA-CAI-AC-VA-VAI-TRO-CUA-BAO-CHI-4746.html
------------
Một bài viết "ngược dòng" đáng suy nghĩ, đặc biệt trong bối cảnh báo chí "minh họa" và "vào hùa" với công an để tạo dư luận và kết án thay tòa.

Thứ hai - 13/07/2015 04:22



(NCTG) “Liên quan đến vụ án Bình Phước, điều tôi mong đợi báo chí nhắc đến trong các bài viết là quyền “suy đoán vô tội” của nghi phạm, vì nó thể hiện rõ nhất sự tôn trọng quyền con người mà nhà nước Việt Nam vẫn luôn khẳng định. Ngay cả khi đã bị khởi tố và bị đưa ra tòa, bị can vẫn phải được giả định là vô tội, và mọi chứng cứ, lập luận được sử dụng để buộc tội đều phải được chất vấn công khai với sự hỗ trợ của luật sư để chứng minh tính thuyết phục của bản án”.

Cơ quan điều tra đã nhanh chóng tuyên bố phá án thành công vụ thảm sát Bình Phước, nhưng vai trò của báo chí trong sự kiện này vẫn là điều khiến công luận phải lưu tâm - Ảnh: motthegioi.vn
Cơ quan điều tra đã nhanh chóng tuyên bố phá án thành công vụ thảm sát Bình Phước, nhưng vai trò của báo chí trong sự kiện này vẫn là điều khiến công luận phải lưu tâm - Ảnh: motthegioi.vn

Vụ thảm sát cả gia đình sáu người ở Bình Phước đang là một điểm nóng thu hút mối quan tâm của toàn xã hội. Đã có hàng trăm bài báo khai thác đề tài này dưới nhiều khía cạnh khác nhau, từ các tình tiết li kỳ của vụ án, sự hung ác của kẻ sát thủ, sự thương tâm của tấm thảm kịch kinh hoàng, sự đau đớn của người thân hai thanh niên vừa bị khởi tố, đến các vấn đề rộng hơn như sự quan trọng của giáo dục gia đình, sự phức tạp của tâm lý tội phạm, hoặc căn nguyên của cái ác trong xã hội Việt Nam hiện nay... Tưởng chừng mọi khía cạnh của vụ thảm sát trên đã được khai thác gần cạn hết; bài học cho từng đối tượng khác nhau đã và đang được rút ra, để hy vọng tránh được những thảm kịch tương tự về sau.

Nhưng có một khía cạnh khác của vụ án này chưa thấy bất kỳ tờ báo nào nhắc đến, trong khi theo tôi điều này là vô cùng quan trọng trong thời điểm Việt Nam đang có những cam kết với thế giới về cải thiện quyền con người, và trong bối cảnh nền tư pháp của Việt Nam có những oan sai chấn động đã được thừa nhận và sửa sai như vụ án Nguyễn Thanh Chấn, hoặc đang bị vướng mắc chưa biết giải quyết ra sao như vụ án của Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng. Tôi muốn nói đến quyền của những người bị nghi là có tội, đã được ghi rõ trong Hiến pháp 2013, tại Điều 31, Khoản 1: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.


Quyền con người, trong đó có các quyền về tư pháp, lần đầu tiên đã được Hiến pháp 2013 thừa nhận như một quyền độc lập tách ra khỏi quyền công dân. Điều này thường được nhà nước Việt Nam nêu ra như là một trong những điểm sáng trong Hiến pháp 2013 mà tôi vừa nhắc đến ở trên. Vì vậy, liên quan đến vụ án Bình Phước, điều tôi mong đợi báo chí nhắc đến trong các bài viết là quyền “suy đoán vô tội” của nghi phạm, vì nó thể hiện rõ nhất sự tôn trọng quyền con người mà nhà nước Việt Nam vẫn luôn khẳng định. Với quyền này, ngay cả khi đã bị khởi tố và bị đưa ra tòa, bị can vẫn phải được giả định là vô tội, và mọi chứng cứ, lập luận được sử dụng để buộc tội đều phải được chất vấn công khai với sự hỗ trợ của luật sư - những người am tường luật pháp - để chứng minh tính thuyết phục của bản án.


Với những bước tiến quan trọng như vậy trong việc thừa nhận các quyền của con người tại Việt Nam, chắc chắn không ai có thể tin rằng các phóng viên chuyên nghiệp của các tờ báo lớn lại không phân biệt được ý nghĩa của hai từ “nghi phạm” (kẻ bị nghi là phạm pháp) và “hung thủ” (kẻ gây ra tội ác). Và càng không ai dám nghĩ họ không biết rằng việc quyết định một người có tội hay không là việc của tòa án chứ không phải là việc của công an, càng không phải là việc của báo chí.


Vậy mà không hiểu vô tình hay cố ý, công an chỉ vừa đưa ra thông tin về tên tuổi của hai nghi phạm của vụ án là ngay lập tức các tờ báo chính thống đã lao vào khai thác các chi tiết về nhân thân của nghi phạm (kể cả khai thác hình ảnh riêng tư trên Facebook của các nghi phạm), tất cả đều theo chỉ theo một chiều hướng gây bất lợi cho các nghi phạm. Sự tranh luận, thắc mắc, nghi vấn liên quan đến quá trình điều tra và tính logic của diễn biến sự việc - những việc làm cần thiết để hỗ trợ việc đảm bảo nguyên tắc “suy đoán vô tội” - không hề thấy tồn tại trên các tờ báo chính thống, mà chỉ có thể thấy trên các mạng xã hội.


Rồi khi công an khẳng định đã tìm được đối tượng gây án, có thể chấm dứt điều tra để khởi tố, thì cũng các tờ báo chính thống lớn nhất như tờ “Tuổi Trẻ”, hoặc có chuyên môn nhất như tờ “Pháp luật TP. HCM” đã nhanh nhẩu gọi đích danh, đăng hình ảnh và giật tít lớn trên trang nhất của các tờ báo, và dành luôn cả quyền phán xét của tòa án khi gọi các đối tượng bị tình nghi và đưa ra khởi tố là “hung thủ”, trong khi chính cơ quan điều tra vẫn chỉ gọi họ là “nghi can” theo đúng Luật Tố tụng Hình sự.


Không chỉ có vậy. Như một cuốn phim hình sự truyền hình nhiều tập, các nhà báo sau khi đã khai thác cạn những tình tiết li kỳ liên quan đến các nạn nhân và thủ phạm (hiện vẫn còn chờ đang chờ tòa xét xử), thì bắt đầu quay sang tấn công, khai thác sự đau đớn, tủi nhục của những người thân hai kẻ tình nghi. Như những điều tra viên đang làm nhiệm vụ, họ bâu vào tra hỏi cha mẹ của hai thanh niên này về thói quen đi lại, ăn ở, tính nết, biểu hiện bất thường vv của hai cậu con trai mà giờ đây đã quá nổi tiếng trên cả nước. Nhưng không phải là để làm rõ những điểm còn mơ hồ hoặc còn nghi vấn, mà dường như chỉ nhằm tìm thêm các chi tiết thú vị, độc đáo để viết nốt một kịch bản có sẵn, theo đó ai là thủ phạm thì đã được tác giả xác định sẵn từ trước rồi, không thể có điều gì bất ngờ nữa cả. Như một vị tướng công an đã lên tiếng sáng nay: “Chỉ có hai đối tượng gây án, đề nghị không suy diễn”.


Bản án tử hình dành cho hai “đối tượng” này dường như đã được tuyên ngay từ trước khi tòa án thụ lý hồ sơ vụ án. Không chỉ cho các nghi can, mà còn cho cả gia đình, người thân của họ nữa. Và, điều mà một số người lo sợ - trong đó có tôi - đã xảy ra: Sức ép nặng nề của dư luận và sự bàng hoàng, đau đớn và tủi nhục khi nghe tin con mình phạm tội tày đình mà không hề có một cơ hội để được nghe con mình thổ lộ tâm sự, cha hoặc mẹ của cả hai “đối tượng” này đều đã nghĩ đến và có hành động quyên sinh, dù chưa ai phải bỏ mạng.


Có một bài báo trên tờ “Pháp luật TP. HCM” hôm nay được nhiều người chia sẻ vì những suy nghĩ được cho là khá sâu sắc. Bài viết ấy có tựa đề là “Đêm trước tội ác”, trong đó nêu câu hỏi tại sao các hung thủ của vụ án lại tàn ác đến như vậy, khi trước đó họ là những người hiền lành vô tội. Trong phần trả lời, tác giả trách mỗi người chúng ta là đã có lỗi khi quá hiếu kỳ chạy theo tìm và chia sẻ trên trang cá nhân các tình tiết ly kỳ của vụ án, và cả các nhà báo cũng có lỗi khi chỉ biết khai thác cạn kiệt các thông tin để phục vụ cho sự hiếu kỳ này của độc giả. Chính sự hiếu kỳ, bàng quan và vô trách nhiệm của mỗi người chúng ta khiến những thanh niên hiền lành lương thiện hôm trước qua một đêm bỗng trở thành sát thủ.


Một bài viết hay, và đúng, nếu nó không được mở đầu bằng lời khẳng định như đinh đóng cột mà không cần đưa ra căn cứ, rằng: “Hai đối tượng giết chết sáu người đã bị bắt. Thời gian ngắn nhưng các lực lượng đã làm rất chặt chẽ để đảm bảo không thể có oan sai”. Dựa trên sự khẳng định không thể có sai sót ấy, toàn bộ bài viết của tác giả về cái ác đều được xây dựng trên hình ảnh của hai nghi phạm mà giờ đây thêm một lần nữa lại được xem như đương nhiên là thủ phạm.


Còn tôi, thì nghĩ: nguyên nhân của thái độ hiếu kỳ, bàng quan và vô trách nhiệm mà tác giả đã nêu ở trên có một lý do sâu xa hơn, đó là cả xã hội đã mất niềm tin vào pháp luật. Vâng, ai có thể tin vào pháp luật khi tồn tại các vụ án oan sai đầy rẫy nhưng dường như không có cách gì để ngăn chặn, khi vai trò phản biện của báo chí - tai mắt và tiếng nói của người dân, giúp người dân giám sát những người thi hành nhiệm vụ - đã hoàn toàn bị chối bỏ.


Làm sao người dân không bàng quan, vô trách nhiệm khi chính báo chí với vai trò quyền lực thứ tư đã tự nguyện biến mình thành một nền báo chí “vào hùa”, chỉ biết “phụ họa” cho kết luận cơ quan điều tra - và tất nhiên, khai thác các thông tin giật gân để bán báo mua vui?



Hồng Vân, từ TP. HCM

Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

Tư liệu: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (Nguyễn Minh Châu 1987)


HÃY ĐỌC LỜI AI ĐIẾU  CHO MỘT GIAI ĐOẠN VĂN NGHỆ MINH HỌA


NGUYỄN MINH CHÂU
Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50 (5-12-1987)
 Là một người sáng tác, chắc tôi cũng giống như nhiều anh em sáng tác khác, có thói quen vừa viết vừa tự quan sát, nhìn theo cái ngòi bút của mình có lúc đầy hào sảng có lúc lại đầy đắn đo hồi hộp lẫn e ngại chạy trên mặt tờ giấy định mệnh.
Chao ôi, để bụng không nói ra thì thôi chứ nói ra cái chuyện này nó vui lắm, mà nó cũng buồn lắm, có đôi khi buồn đến thối ruột! Thú thật chừng ba bốn năm trở lại đây tôi cứ nổi lên nhũng cơn ngán giấy bút, hay so sánh mình với những anh em bạn bè cầm bút một cách suôn sẻ bình thản, được trời đất ban cho một cái tạng nhà văn luôn luôn sẵn sàng thích nghi với mọi thứ lý luận và luật lệ văn học, họ thật sướng, viết ra trang giấy mà trong bụng chẳng bao giờ có điều gì phải sợ sệt, lo lắng, như một người bao giờ cũng sống đĩnh đạc, cứ thẳng đường chính rộng lớn mà đi; còn mình thì y như một kẻ gian phi lúc nào cũng như đang lén lút thu giấu cái gì quốc cấm trong cạp quần hay dưới áo. Nghĩ mà buồn quá, nghề giấy bút nó chẳng nuôi gì được mình mà chỉ thấy nó hành mình.
Có lúc - nói ra thật lẩm cẩm - tôi lại hay đem so sánh mình với các nhà văn của những đất nước hàng trăm năm bình ổn, các nhân vật của họ phải chịu đựng nỗi đau khổ dằn vặt thật là sang trọng, chứ đâu như cái đám nhân vật của mình, không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp quá! Hỡi ôi, bao giờ nhân vật của mình mới được sang trọng, để cho mình cũng sang trọng lây!
Có lúc tôi lại đem công việc của chúng ta so sánh với công việc của các nhà tiền chiến cầm bút trước cách mạng, gọi là các nhà văn hiện thực phê phán. Ví dụ như ông Nam Cao chẳng hạn. Có lần ông ấy la lối, hô hoán ầm lên rằng thiên hạ bít hết lối của ngòi bút ông ấy. Viết cây chuối hay con chó hoặc kẻ say rượu đều phạm húy, đều có người đe đánh, đe đốt nhà. Bị o ép đến vậy tưởng không viết được gì, thế mà cuối cùng, cả một đời cầm bút của Nam Cao trước cách mạng số năm có là bao nhiêu đâu, vậy mà đủ để lại khá nhiều, nhất là có thể có cái quyền viết rất thực, bao nhiêu lẽ đời, sự đời, bao nhiêu khuôn mặt người đời thực đến thế. Chí Phèo thực đến thế. Thật là vừa được viết vừa được nói. Chứ như đám chúng tôi, từ nhà văn trẻ đến lớp nhà văn già được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá đi mất. Sao lại như vậy nhỉ, sau bốn chục năm nhìn trở lại những nhà văn tiêu biểu của nền văn học phần đông nếu không phải là tất cả, đều có tì vết trong lịch sử đời cầm bút? Rồi thì từ đấy bắt buộc sinh ra một cái thói quen không biết bắt đầu từ lúc nào mà tôi nghĩ nó rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó. Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút thứ hai này – buồn thay – các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm!
Quả thật tôi không có tài rào đón, che chắn nhưng cầm bút viết văn đến một lúc ngồi nghĩ lại cũng tự nhiên sinh ra giận mình đến phát chán mình, chán cả cho đồng nghiệp, bè bạn. Điều đáng buồn nhất là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa. Trong khi đó những cây bút minh họa, những tác phẩm minh họa hoặc ca ngợi một chiều thì lại thoải mái, người viết cầm bút thoải mái mà chẳng có gì phải luồn lách, phải đắp đậy, rào đón, chỉ phải cái nó công thức và sơ lược, nó nhạt, và càng ngày người đọc càng thấy nó giả, mỗi ngày người đọc càng thấy rõ ở những tác phẩm minh họa và ca ngợi một chiều một sự giả dối không thể nào bào chữa nổi, đắp đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài.
Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng hình tượng văn học sinh động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh "lột xác"). Từ đấy rồi trở thành thói quen. Thói quen của một người vốn quen đi trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp. Lần lượt bắt đầu là các nhà văn tiền chiến rồi hết lớp người cầm bút này đến lớp người cầm bút khác, với một khả năng thích nghi hết sức ghê gớm, các nhà văn đã thích nghi với văn học minh họa như thích nghi với cách sống gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh. Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái hành lang kia.
Tuy vậy, cứ mỗi lần hết chiến tranh chuyển sang hòa bình hoặc cứ lâu lâu sau một số năm, đường hướng minh họa và tình hình mất dân chủ trong văn nghệ lại làm dấy lên những vụ này vụ khác. Những người "lính gác" lại có dịp "khép lại" và không rời mắt khỏi từng người, đặc biệt là những người có tài hay có tật và không ngừng thuyết phục với tất cả cũng như với từng người rằng cái hành lang kia là tất cả thế giới của văn nghệ cách mạng. Không khí để thở, bầu trời để ngắm, đất dưới chân để đi lại chỉ có thế và đấy là tất cả thế giới minh họa, ở trong đó nhà văn tha hồ vùng vẫy, sáng tạo và phát huy tài năng. Trong nghệ thuật hội họa châu Âu chẳng đã từng để lại những tác phẩm danh họa về lịch sử tôn giáo và đời các thánh, thực sự những tác phẩm hội họa cổ điển sẽ sống đời đời ấy là những tác phẩm minh họa. Tôi nghĩ rằng đường lối chính sách của Đảng, kể cả những cái sáng suốt đúng đắn cũng như cái sai lầm đang được điều chỉnh trong từng thời kỳ bao giờ cũng có thể soi rọi, giúp nhà văn nhìn thấy những vấn đề thực tế rất sâu xa của đất nước, gợi ý cho nhà văn những suy nghĩ, chiêm nghiệm quý báu. Nhà văn như một người trinh sát cuộc đời, vậy thì việc tìm hiểu sự hình thành những đường lối chính sách chính là sự tìm hiểu việc đời từ trong quá trình.
Ý nghĩa tác dụng của đường lối, chính sách đối với văn nghệ là như vậy. Tôi nghĩ rằng khi nhà nghệ sĩ đứng trước một sự vật, nảy ra ý tưởng minh họa khi tìm thấy ở nó tràn ngập cảm xúc về cái chân lý và cái đẹp.
Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh mất tính tư tưởng, – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Như một người đánh mất phần hồn chỉ còn phần xác, hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp. Chúng ta không thiếu những nhà văn có lòng và có thực tài nhưng cũng không vì thế hàng chục năm qua có khi họ phải ôm hai thứ đó trong người như hai thứ tội nợ, vì thế mà đâm ra sợ chính mình. Sau một vài lần viết ra bị vấp váp, bị thổi còi, bị phê phán trên báo, được tập thể góp ý xây dựng, nhà văn ngồi một mình giữa vắng vẻ ngâm nga: "Chút lòng trinh bạch từ nay xin chừa", nhưng làm sao mà chừa được. Con người nghệ sĩ là thế đấy, dù cho rằng anh ta hèn đớn vẫn không chừa được thói quen khao khát sáng tạo, lời nói thật và chút lòng với đời. Nó như một thứ bản chất thiên phú, hay một thứ bản chất giời đày?
Rồi vẫn được viết, vẫn cầm bút, vừa muốn phô diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều gì đó tiên cảm thấy trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao lần lá, rào nó sau bao tầng chữ. Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: "Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!", nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái. Có người lại biến cái sợ cái hèn thành một thứ vật trang sức và thách thức, vật biểu hiện của sức sống dai dẳng. Giữa chồng sách trước mặt tôi lúc này là hai tập Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của nhà thơ Xuân Diệu. Một nhà thơ lớn như Xuân Diệu làm một công việc rất công phu là bình giá và giải thích những giá trị văn học cổ điển của nước nhà, mà sao Xuân Diệu phải rào đón, dựng lên bao nhiêu là lớp phên giậu để tự che chắn? Sao mà khổ vậy? Rồi thì dù không muốn tôi cũng phải nói rằng sự độc đoán và chế áp của lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm qua đã khiến cho những nghệ sĩ chân chính luôn luôn gắn bó với cách mạng, với Đảng, suốt đời cảm thấy phạm tội.
Cũng trong một con người cầm bút, có khi cái phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm chăn nằm chờ ngày xuống mồ!
Con đường của một cây bút trẻ hăm hở phấn đấu hết mình để trở thành nhà văn cũng là con đường phải giết đi cái phần nhà văn trong con người mình, con đường tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực trong ngòi bút!
Chúng ta phải nhìn lại kỹ càng cái hành trình văn học đã đi qua bằng con mắt thông minh, không phiến diện và thực sự cầu thị, để một mặt không phủ định tất cả, một mặt khác, với một tinh thần tự phê phán thấy cho được rằng: có thể đôi khi với động cơ tốt chúng ta đã trói buộc lẫn nhau trong một thời gian hơi quá dài của mấy lớp người cầm bút, trong khi lại đòi hỏi phải có những tác phẩm lớn. Thật là mâu thuẫn. Chả khác nào trói lại rồi bảo đố mày bay lên!
Muốn có tác phẩm lớn, nhưng liệu chúng ta có chấp nhận nổi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ với tầm tư tưởng lớn mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm với những nỗi dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất sâu của cuộc sống con người trên dải đất này.
Và tác phẩm lớn là gì?
40 triệu dân của đất nước Tây Ban Nha được nhân loại biết đến và kính trọng bằng một lão gàn vĩ đại vì mang trên mình tất cả tính ảo tưởng muôn đời của toàn thể nhân loại.
Và gần một tỷ người của đất nước Trung Hoa được nhân loại thấu hiểu sâu sắc bằng một anh chàng nông dân A.Q.
Cả Don Quichotte lẫn A.Q chẳng hề làm xấu Tây Ban Nha lẫn Trung Quốc, mà làm đẹp cho cả hai đất nước này.
Tài năng, nhất là những thiên tài bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao giờ thì họ đến, nhưng cũng như một Nguyễn Du, họ đến cũng trong khắc khoải nhân sinh, chỉ có điều đau đớn hơn mọi chúng ta, và cũng trong lầm lũi cát bụi cuộc đời thường. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tỵ với họ, đừng làm họ sống dở chết dở mà vẫn phải nở nụ cười, đừng làm cho họ thui chột trí tuệ lẫn tình cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta.
Công việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải là chuẩn bị cái lò ấp hàng trăm hàng ngàn quả trứng gà trứng vịt, mà là chuẩn bị cho những tư cách nghệ sĩ và tài năng lớn ra đời.
Nói thế có bốc đồng chăng, cao vọng quá chăng? Nhưng chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng! Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ? Chẳng lẽ các nhà văn Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên riêng là nhà văn Việt Nam? Để rồi quay trở về, con hát mẹ khen hay? Và đàn con cứ mãi mãi suốt đời tự hào được người mẹ ở trong nhà khen ngợi!?
Tôi nghĩ rằng trước hay sau, ai cũng trở thành bảo thủ, lạc hậu, cũ kỹ cả. Bảo thủ về già là một quy luật. Trong khoa học, đến một bộ óc mới mẻ như Einstein về già còn bảo thủ cơ mà! Cái mới nào mà chả cũ đi, – trên dòng thác biến đổi qua thời gian? Cái chính là chúng ta biết cười xòa chợt nhận ra mình đã sai lầm, đã bảo thủ. Chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn sau cái tiếng cười ấy. Bởi vì sau đó chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ giơ tay ngăn cản cái mới, cái tiến bộ, mà sẽ xuất hiện một quyết tâm làm mới lại mình với thái độ chân thành, xởi lởi, cởi mở, để cùng nhau xây dựng một giai đoạn văn học và văn nghệ mới.
Vừa qua chúng ta có in lại tuyển tập của các nhà văn đàn anh. Giở những bản tổng kết những đời văn như còn đẫm mồ hôi ấy, điều khôn ngoan cuối cùng rút ra là không chừa một ai, tất cả chúng ta phải biết lễ phép trước quy luật đào thải. Những cái gì đích thực văn chương thì nó còn, không tái bản, không tuyển tập, báo chí không đề cao lên nó cũng còn. Nó còn như đất cát, cây cỏ, như ca dao, tục ngữ, như cuộc sống bình dị và bền vững luôn luôn còn đó. Còn những gì phe phẩy, ưỡn ẹo hoặc cứ nhảy cẫng lên thì ngược lại, nó mất, cát sỏi lại trở về cát sỏi. Tôi đọc những tuyển tập thấy rất tiếc cho những tài năng. Giá mấy chục năm qua văn nghệ không chủ yếu lấy minh họa làm đường hướng, đừng có cái hành lang hẹp và thấp ấy, cả cái bầu không khí nghi ngờ lơ lửng trên đầu các văn nghệ sĩ, mà chủ trương khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và chấp nhận đa dạng, chấp nhận sáng tối, hoàn toàn đặt lòng tin vào lương tri của các nhà văn, không nửa tin nửa nghi ngờ và đề phòng, để cho văn nghệ một khoảng đất rộng rãi hơn nữa thì các nhà văn và những nghệ sĩ sáng tạo đến nay đã đầu bạc phơ, kẻ còn người mất, họ còn để lại cho chúng ta nhiều hơn thế này. Và không khéo những cái gì và những người mà lâu nay chúng ta kêu ca, lên án hoặc cố tình quên đi lại là những cái, những người còn lại, còn để lại.
Sự còn lại mất đi của số phận những tác phẩm văn học cũng như những đời văn trong độ lùi thời gian bao giờ cũng ngầm chứa đựng một sự lựa chọn đầy huyền diệu và công bằng.
Hình như nhân dân, cái nhân dân Việt Nam đầy trầm tĩnh và kỳ tài mà hình ảnh đã được nghệ thuật điêu khắc từ hàng trăm năm nay chạm khắc lên khối gỗ thành bức tượng ngàn mắt ngàn tay, đến hôm nay vẫn không ngừng sáng suốt lựa chọn giúp cho chúng ta những cái gì đích thực của nghệ thuật, giữa những đồ giả, để bỏ vào cái gia tài văn hóa của đất nước để lại từ Đinh, Lê, Lý, Trần. Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhẩy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ.
Nguồn: Văn nghệ, Hà Nội, số 49 & 50 (5-12-1987)