Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

5 triệu đồng yen, Bphone và hình ảnh của người Việt

Vụ 5 triệu đồng yen hẳn là ai cũng biết, vì nó đã được báo chí đề cập om xòm suốt bao lâu nay. Nói vắn tắt cho ai chưa biết, có một chị ve chai nhặt được 5 triệu đồng yen trong mớ đồ ve chai của mình cách đây cả năm trời, và chị đã báo công an. Công an đã tạm giữ để xem có người nào cớ mất tiền thì sẽ trả lại cho họ, còn nếu không ai nhận thì chị ve chai sẽ được hưởng.

Một năm đã trôi qua, gần đến thời hạn trả lại số tiền đã nhặt được thì có một phụ nữ xuất hiện và nhận số tiền ấy là của chồng mình. Tuy nhiên, công an khi xác minh thì thấy người mà phụ nữ kia nhận là chồng có khá nhiều điểm không rõ ràng, thậm chí khả nghi, về giấy tờ và nhân thân, nên đã không giao tiền cho người phụ nữ ấy. Tóm lại, số tiền giờ đây sắp thuộc về chị ve chai.

Tưởng rằng mọi việc đến đây là kết thúc, thì vụ việc lại nóng lên khi có một ông giám đốc doanh nghiệp viết thư cho chị Hồng (chị ve chai), khuyên chị hãy trả lại số tiền cho chính phủ Nhật để xây dựng hình ảnh đẹp của người VN trong mắt người Nhật và các bạn bè quốc tế. Việc ấy xảy ra cách đây đã vài ngày, và chị Hồng đã từ chối (hoàn toàn hiểu được), nhưng vụ việc chưa đóng lại mà vẫn còn được mọi người bàn tán. Không ít người đã đặt vấn đề về động cơ của ông giám đốc doanh nghiệp kia, tạo nên một cuộc tranh luận mới khiến vụ 5 triệu đồng yen vẫn tiếp tục là một chủ đề "hot" để báo chí khai thác viết bài, bán báo.

Chẳng hạn, trên Vietnamnet sáng nay 30/5/2015 mới có bài viết với tựa đề như sau:

"Khuyên chị ve chai trả tiền vì muốn XD [sic] hình ảnh người Việt". Xem bài ấy ở đây: http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/240149/khuyen-chi-ve-chai-tra-tien-vi-muon-xd-hinh-anh-nguoi-viet.html

Lẽ ra, tôi đã chẳng quan tâm đến bài viết này, hay ông giám đốc kia. Có ý kiến khác lạ là quyền của ông ấy, và nghe hoặc không nghe ý kiến ấy là quyền của chị Hồng ve chai, chẳng có gì đáng nói. Mà chửi ông giám đốc vì ý kiến khác lạ kia thì cũng là quyền của các độc giả, chẳng có lý do gì mà tôi quan tâm "xía mồm" vào đấy làm gì.

Tuy nhiên, khi lang thang trên mạng tôi lại tình cờ nhìn thấy vài bài báo khác, về một vụ scandal khác mà tôi vừa đề cập đến hôm qua, vụ Bphone của anh chàng Quảng nổ. Và bỗng thấy có một sự liên hệ giữa hai vụ việc này.

Trước hết, xin giới thiệu vài bài viết mới về Bphone mà tôi đọc được sáng nay.

Bài viết "mắng nhiếc" sự thiếu ủng hộ "gà nhà" của người Việt so với người Nhật: "Dìm Bphone, 10 người Việt không bằng 1 người Nhật". Ở đây: http://tccl.info/vn/thoi-cuoc/goc-nhin/30321/dim-bphone-10-nguoi-viet-khong-bang-1-nguoi-nhat-.html

Một bài khác cũng liên quan đến người Nhật. "Người Nhật nói gì về 'siêu phẩm' Bphone sau màn PR của Nguyễn Tử Quảng". Ở đây: http://kenh13.info/nguoi-nhat-noi-gi-ve-sieu-pham-bphone-sau-man-pr-cua-nguyen-tu-quang.html

 Và đây, tự hào quá. "Bphone lên báo Mỹ". Ở đây: http://kenh13.info/bphone-len-bao-my.html

Nhưng, Bphone thì liên quan gì đến chị Hồng ve chai hay 5 triệu đồng yen hoặc hình ảnh của người Việt chứ? À à, có liên hệ đấy.

Liên hệ ở chỗ, ông Long (giám đốc doanh nghiệp) đã cố công viết thư để khuyên chị Hồng một điều mà khá nhiều người cho là vô lý là trả tiền lại cho chính phủ Nhật, thậm chí đã hứa vận động đóng góp hỗ trợ chị để chị không bị thiệt khi trả tiền cho chính phủ Nhật. Vâng, ông Long mất bao công sức, thậm chí bị hiểu lầm, bị chê trách ném đá, chẳng qua là vì quá yêu nước, yêu dân tộc VN, muốn xây dựng một hình ảnh đẹp cho VN mà thôi.

Chỉ có điều, ông ấy yêu nước Việt  và muốn chị Hồng làm một cử chỉ để tạo ra hình ảnh đẹp cho người Việt - trong đó có ông và doanh nghiệp của ông - nhưng lại không nghĩ đến cái thiệt của chị Hồng khi làm nghĩa cử đó. Nếu chị ấy giàu có, rủng rỉnh tiền bạc, hoặc ít ra cũng có điều kiện như ông thì may ra chị ấy mới có thể nghĩ đến, còn đằng này chị ấy nghèo, và cũng đã rất đàng hoàng chờ cả năm nay rồi, sao lại có thể đơn giản bắt chị ấy hy sinh như vậy được?

Cũng tương tự như vậy, các bài báo có liên quan đến Bphone lâu nay không tập trung vào mô tả những ưu thế vượt trội của Bphone so với các sản phẩm tương tự, mà chỉ tập trung vào một thứ mang tên là "niềm tự hào VN", dù tôi nghĩ mãi vẫn chưa thấy tại sao lại phải tự hào.

Thậm chí, nhiều bài báo (như những bài báo tôi đưa link ở trên) lại còn lớn lối chê trách người Việt rằng chỉ thích "dìm" nhau, không chịu ủng hộ hàng Việt, tóm lại chúng ta là một dân tộc kém cỏi, không được như người Nhật, nên các bài báo ấy phải đưa người Nhật ra để dạy dỗ chúng ta.

Nhưng quả tình là tôi không thể hiểu tại sao tác giả của các bài báo ấy lại phải lớn lối như vậy. Một sản phẩm vừa ra đời đã được quảng cáo rất kêu, tất nhiên sẽ được công chúng quan tâm. Và từ sự quan tâm ấy thì những bàn tán về nó, có người khen có người chê, rõ ràng là điều dễ hiểu.

Và nếu Bphone có bị chê nhiều hơn khen, thì tác giả của nó cũng nên nghĩ xem tại sao lại như thế.

Riêng tôi thì tôi thấy, nếu xét về kỹ thuật, hình như Bphone chẳng có gì mới, mà chỉ sao chép những sản phẩm có sẵn. Nếu xét về mỹ thuật hoặc sự tiện lợi cho khách hàng, tôi cũng không thấy nó có gì là mới mẻ. Nói cách khác, với tư cách một người sử dụng điện thoại tôi chẳng thấy có lý do gì phải đổi chiếc điện thoại mà trước đây tôi vẫn đùng quen để sử dụng một chiếc Bphone mà tôi chưa rõ chất lượng ra sao.

Tất nhiên, sẽ có người bảo: Chúng ta là nước nghèo, kém phát triển, chúng ta bắt chước được người khác cũng đã là giỏi lắm rồi. Còn thì phải từ từ học lên nữa chứ.

Đúng. Nhưng nếu thế, thì ít ra sản phẩm ấy cũng phải làm được mấy việc nho nhỏ sau đây, trước khi đòi hỏi được ủng hộ và vinh danh.

Mấy việc ấy có thể là:
- Tạo công ăn việc làm cho người Việt. Sinh viên VN đang thất nghiệp quá chừng chừng kia kìa, vậy nhà máy sản xuất của Bphone đang đặt ở đâu, và đang sử dụng bao nhiêu công nhân VN ấy nhỉ?

Và/hoặc:
- Có giá bán mềm hơn các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, để người VN có thể mua được.

Bphone chưa hề nghĩ đến những điều này, rõ  ràng là thế. Nhưng, nếu anh là sản phẩm mới vào thị trường, chưa có uy tín, chưa có thương hiệu, thì anh phải có chiến lược cạnh tranh nào đó để người tiêu dùng Việt có thể tin dùng được chứ?

Thế còn hình ảnh của người Việt, còn niềm tự hào VN thì sao nhỉ? Well, tôi nghĩ đơn giản thế này: Hình ảnh ấy, niềm tự hào ấy không thể có được chỉ qua một cử chỉ hoặc chỉ một sản phẩm (chưa được khẳng định về chất lượng). Mà ngược lại, hình ảnh ấy được xây dựng hàng ngày, hàng giờ, bởi từng cử chỉ, lời nói, hành động nhỏ nhặt của mỗi con người VN.

Nếu bạn muốn xây dựng hình ảnh VN, hãy bắt đầu bằng việc bớt vứt rác ra đường, bớt chen lấn nơi công cộng, bớt nói dối, làm dối, bớt ăn cắp, đặc biệt là ăn cắp ở nước ngoài (và được báo chí truyền thông nước ngoài bêu xấu khắp nơi), bớt đâm chém nhau vì những xung đột lặt vặt, bớt phá hoại môi trường, đốn bỏ cây xanh, phá hủy các di tích lịch sử vv và vv. Well, có nhiều việc cần làm ngay lắm lắm.

Cũng vậy, muốn có niềm tự hào VN, hãy làm từ những điều nhỏ nhất. Hãy thôi nhập từ cây tăm, từ đôi đũa, từ cục gôm, cây viết chì trở đi, mà hãy sản xuất những sản phẩm ấy một cách chăm chút, cẩn thận, có chất lượng và giá thành rẻ ngay từ trong nước. Hãy làm ăn đàng hoàng, có uy tín, hãy có trách nhiệm trong mỗi việc mình làm, để khi nói đến VN, là người ta nghĩ ngay đến những con người với những đức tính nào đó, hoặc những sản phẩm - dù nhỏ - nhưng lẫy lừng thế giới và không nước nào có thể thay thế.

Ví dụ, chúng ta là một đất nước chủ yếu là nông nghiệp, chúng ta những nông dân rất giỏi và những nông phẩm độc đáo; vậy chúng ta đang phát triển nông nghiệp của VN ra sao, hay chỉ loay hoay giúp nông dân hết bán dưa hấu lại đến thanh long rồi trái vải vv. Hãy nhỉn vào một nước láng giềng cũng dựa vào nông nghiệp để phát triển là Thái Lan, và thử nghĩ xem chúng ta có gì hơn họ để tự hào.

Vâng, nếu muốn xây dựng hình ảnh người Việt, chúng ta đừng mất thời gian lên án nhau, tranh cãi với nhau, lên lớp hoặc chụp mũ nhau như hiện nay nữa. Ngược lại, mỗi người hãy im lặng và bắt đầu từ những việc rất nhỏ mà mỗi người đều có thể làm, và chấp nhận cách làm, cách nghĩ của người khác.

Tôi chân thành tin rằng mọi việc sẽ đổi thay từ đó.

Phải không các bạn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.