Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Gò Vấp, mấy ngày cận Giáng Sinh ...

Hôm nay Chủ nhật ngày 22/12, chỉ còn 2 ngày nữa là đúng đêm Giáng Sinh. Năm nay đêm 24/12 không nhằm cuối tuần, đúng ngày ấy mọi người vẫn phải đi làm, đi học bình thường. Thành ra, Chủ nhật 22/12 sẽ là ngày Chủ nhật chộn rộn nhất trong năm 2013 này.

Đối với tôi, một người theo đạo Thiên Chúa - dù không phải là một con chiên ngoan đạo - thì những cận Giáng Sinh cũng tương tự như những ngày cận Tết ta. Có một chút gì đó ngậm ngùi, tống tiễn một năm nữa đã qua trong đời. Cuộc đời mà tôi đã quá nửa, để trở thành người tri thiên mệnh. Ngậm ngùi, vì thời gian đi nhanh quá.

Nhưng cũng luôn có một chút gì đó mong chờ, hy vọng. Như tinh thần của mùa Giáng Sinh, mùa của hy vọng. Mặc dù chẳng biết cơ sở của niềm hy vọng đó .... Thì, người ta bao giờ cũng cần có hy vọng để mà sống, chắc là thế.

Muốn viết một cái gì đó, nhưng chẳng hiểu sao tôi không viết được. Có thể là lòng ngổn ngang quá, chưa lắng đọng lại để viết. Nhưng cũng không thể không viết gì, vì sao cứ có gì đó thôi thúc. Thôi thì mượn hình ảnh để ghi lại cuộc sống quanh mình, và nói hộ lòng mình vậy.

Vâng, mấy tấm ảnh tôi và con gái chụp chiều hôm qua, khi đi xuống khu chợ Xóm Mới, xem quang cảnh chuẩn bị Giáng Sinh của những người lao động nghèo Công Giáo, những người di cư năm 54 và con cái của họ .... Con cái của Chúa, nói theo lời những người dân ngoan đạo ở đây.

Đây, những cây thông Giáng Sinh

Ngã năm (?), đường mới mở ở Gò Vấp (gần khu nhà tôi), chưa biết tên gì

Nhà thờ Xóm Thuốc, trên đường QuangTrung

Vẫn những hàng quán như thế này, như có thể tìm thấy ở bất kỳ xóm nghèo nào

Đường Thống Nhất, Gò Vấp

Hang đá Giáng Sinh mắc kẹt giữa đám dây điện, nhưng có hề gì!

Dấu hiệu của một gia đình có đạo

Chợ chiều, thứ Bảy cận Giáng Sinh

Ở một xóm nghèo

Ngôi sao dẫn đường cho Ba Vua đến với Hài Nhi

Cái gì cũng muốn mua!

Mua thêm mấy thứ đi mẹ!

Nhà thờ Hạnh Thông Tây, trên đường Quang Trung (ngã tư Lê Văn Thọ)
Giáng Sinh, chỉ còn 2 ngày nữa. Cuộc sống vẫn bộn bề, nhưng chúng ta vẫn cần hy vọng, phải không mọi người ơi. Ít ra là vào dịp Giáng Sinh ...

13 nhận xét:

  1. Chúc chị một mùa giáng sinh an lành hạnh phúc trong tình yêu Chúa Hài Đồng,

    Trả lờiXóa
  2. Doc bai viêt va nhin nhung hinh anh nay thây buôn va nho Vietnam qua,,,,,(,Go vâp )
    Truoc 1975 tôi hoc nôi tru trong truong Men thanh gia Phat Diêm .
    Chuc moi nguoi môt mua Giang Sinh an lanh va tran dây Hanh phuc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc bạn nicovu1 ở phương xa, không ở VN? Mong bạn có một mùa Giáng Sinh yên lành, dù có chút nỗi nhớ quê hương. Mong có ngày mọi người VN ở xa quê đều có thể về VN trong một mùa thanh bình đúng nghĩa.

      Xóa
  3. Đọc xong bài của chị P.Anh, định viết mấy lời cảm xúc, lại thôi. Gởi lại 4 câu vừa ghi vội lúc sáng nay...(cho hình ảnh của buổi chiều chủ nhật vác xe chạy loanh quanh)

    em ơi cứ quạnh . một mình
    ngồi nghe chiều xuống lặng thinh ngoài thềm
    khoanh tay chạm phải nỗi buồn
    cộm lên . mùa cuối năm luồn dưới da

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn thơ của anh, đặc sắc lắm: Mùa cuối năm luồn dưới da ...

      Xóa
  4. Mình đọc và biết thêm một chút về cuộc sống giáo dân Ki tô vốn trước ít tiếp xúc và biết rất ít về sinh hoạt của họ...Nhưng "chạy trời không khỏi nắng", tinh thần và những bức xúc giáo dân cũng không khác người dân tôn giáo khác, như mình một Phật tử, dưới gầm trời nước Việt... Xin tò mò hỏi thêm: vậy giáo dân sẽ đón Tết âm lịch (Xuân tiết - Hán ngữ) như thế nào?

    Phùng Hoài Ngọc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đón Xuân thì cũng như mọi người thôi anh Ngọc ạ. Nhưng thay vì cúng giao thừa thì nhiều người Công giáo đi nhà thờ vào dịp giao thừa. Thay vì đón ông bà về, hàng ngày cúng đồ ăn thì người Công Giáo đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn của ông bà. Cũng là để tưởng nhớ tổ tiên thôi.

      Xóa
    2. Người công giaó được ăn hai Tết, thú vị lắm. Nhân dịp lễ Thánh đản tiết (Giáng sinh) mình chúc PA mau hồi phục sức khỏe và khoái lạc ngày Lễ (ngày xưa còn trẻ mình cũng chen chân quá giang đi Nhà thờ dịp này).

      Bài phóng sự ảnh giản dị nhưng hàm súc, chứng tỏ tay nghề nhà báo PA "hậu hiện đại" càng cao- anhbasàm.blog chọn điểm tin là sành sỏi.

      Phùng Hoài Ngọc

      Xóa
  5. Mới đây,tôi về nước vì có việc riêng và tình cờ được mời tham dự đám cưới
    ở Gò Vấp (Nhà thờ Hà Nội - Xóm Mới) tôi không tài nào nhớ ra chổ này tôi
    từng đi qua vì cảnh vật thay đổi hòan toàn,ngay cả em vợ là người ở SGòn
    cũng không thể tìm ra nhà thờ ở đâu,nên rốt cuộc phải thuê người xe ôm
    chạy trước dẫn đường mới đến được cho kịp giờ !
    So với xóm đạo miền Nam nói trên,tôi có ra Bắc qua giáo xứ ngoài đó thì
    đa số nhà thờ cũ ở Nam Định được tân trang lại song tinh thần sống đạo
    có vẻ cao hơn trong miền Nam.Do đó,tôi rất kính phục lòng qủa cảm của
    các vị tu sĩ đứng đầu miền Bắc như các vị hồng y T.N.Khuê -T.V.Căn và
    P.Đ.Tụng đã lãnh đạo giáo hội vượt qua mọi gian nguy thời đó.
    Tôi có đi thăm Đc.N.Q.Kiệt (vì cảm phục ngài) cùng sơ Mai Thành (bà con
    với Gs.B.X.Bào),và có nói chuyện với một số linh mục nhưng thú thật tôi
    cũng "phát hoảng" vì mấy ngài đã quên mất vai trò tôn giáo của họ !
    Nhân Noel.chúc cô Phương Anh và gia đình một giáng sinh vui vẻ cũng
    như Năm Mới hạnh phúc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin nói cho rõ thêm để tránh hiểu lầm về mấy chữ
      "đánh mất vai trò tôn giáo của họ" là muốn nói về
      một vài ông đang làm cái loa cho chế độ.
      Đa tạ cô Phương Anh.

      Xóa
  6. Con chào cô, con là Thanh Nga, ở GA ngày trước đây a. Đọc bài của cô hay quá, nhà con cũng gần khúc này, ngày nào đi làm về cũng đi qua đường TN cô a. Con chúc cô nhiều sức khỏe và niềm vui, bữa nay là ngày cuối năm rồi cô nhỉ..

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.