Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

Cô giáo và lời nói dối - Phản hồi của Nguyễn Đại Hoàng

Mẩu truyện về "Cô giáo và người học trò" qua phần chuyển ngữ của anh NĐH mà tôi đăng lên bloganhvu ngày hôm qua không ngờ đã được khá nhiều người quan tâm, không chỉ trong những vòng thân hữu của tôi và của anh NĐH, mà còn lan rộng ra ngoài rất nhiều nữa. Chẳng hiểu sự "hấp dẫn" của bài viết đó là do vốn câu truyện gốc đã rất hay, hay do phần chuyển ngữ của anh NĐH rất nhã, hoặc vì phần giới thiệu của tôi rất nhiệt tình, hay là tại phần bình luận, trao đổi về việc dịch từ "a lie" (lời nói dối) có thể giúp cho các bạn hiểu thêm một chút về tiếng Anh nữa, biết đâu. 

Hay là, thôi đúng rồi, tại vì tôi viết blog rất "duyên" (!), như anh GNLT, một thân hữu của tôi đã có lần có lời khen, đúng là thế chứ còn gì nữa! ;-)

Dù vì lý do nào đi nữa, thì cũng rất cám ơn anh NĐH đã cho tôi và bạn đọc của blog này được cơ hội đọc và trao đổi về một câu truyện rất cảm động về tình thầy trò, lại vừa có dịp trao đổi về việc dịch và về tiếng Anh nữa chứ. Và trên hết, là nó làm cho trang blog của tôi có thêm một giọng mới, nhẹ nhàng và nhiều cảm xúc hơn cái giọng điệu khi cà rỡn, tưng tửng, khi mỉa mai, châm chích, khi lạnh lùng, khô cứng của tôi. Rất cám ơn anh NĐH nhé.

Entry ngắn mà tôi gửi các bạn hôm nay cũng là của anh NĐH với lời phản hồi về lời bình luận của tôi về cách dịch từ "a lie" của anh mà tôi đã đăng lên hôm qua. Cũng vậy, ta sẽ thấy bao giờ anh NĐH cũng rất nhẹ nhàng, soft-spoken (he really is) - hơn tôi rất nhiều. Khiến tôi đôi khi cũng phải suy nghĩ một chút: mình là phụ nữ mà sao lại cứ thẳng thừng, đốp chát, chứ chẳng hề nhẹ nhàng gì cả như thế này? Nhưng mà nghĩ lại, giọng văn ranh mãnh, tinh quái của tôi đôi khi cũng ... rất hay, well, rất "duyên" như anh GNLT đã nói cơ mà, phải không các bạn? :-)

Đùa một chút với các bạn cho thêm chút vui vẻ vào buổi sáng chủ nhật thôi. Mời các bạn đọc phản hồi của anh NĐH dưới đây. Và nếu được, xin góp phần vào cuộc tranh luận này cho nó xôm tụ các bạn nhé!
------------------
PHẢN HỒI CỦA NGUYỄN ĐẠI HOÀNG về vụ “ A LIE ”

Kính thưa các bạn, phát hiện của cô PA về thủ pháp gây chú ý ngay câu mở đầu của tác giả - nữ văn sĩ Elizabeth Silance Ballard - quả là thú vị ! Đúng vậy tác giả đã dùng A LIE – một lời nói dối – để gây sốc, để gây tò mò cho độc giả - không biết chuyện gì đây ? Sao mà phải nói dối ? Đại loại như vậy. Và cô PA cũng đã đề nghị hai câu dịch đầu tiên và hỏi tôi có đồng ý không ? Xin trả lời : Đồng ý và cám ơn cô PA !

Nhưng cái băn khoăn của tôi là, với tư cách một nhà giáo thì khi cô Thompson tuyên bố cô thương yêu tất cả học trò lẽ nào câu nói ấy là hoàn toàn nói dối ? Đúng ra nếu không có sự xuất hiện của thằng Teddy Stoddard thì lời tuyên bố ấy có thể đã là sự thật. Sự xuất hiện của đứa học trò ấy khiến cho lời hứa hẹn với lớp của cô có nguy cơ thành không thể, thành bất khả thi ( impossible ). Bởi vì cô không có thiện cảm với em học sinh “ không sao ưa nổi ” đó. Vậy thì chỉ đối với em đó là cô không thực hiện đúng tuyên bố thôi. Còn mấy chục học sinh còn lại thì cô thương yêu được chứ ! Như vậy có thể nói là cô đã có lời hứa dối trá không ?

Thành thử có thể hiểu như thế này: Câu chuyện bắt đầu từ việc cô Thompson đã có một lời nói không thực bụng, thực lòng 100% trước học trò của mình trong ngày khai trường. [ Vì phải trừ đi phần x % không thể thương được thằng Teddy.] Về mặt số học, cô nói đúng ( 100 – x )% ! Chứ nói cô có lời dối trá với học trò thì quả là oan cho cô quá !

A LIE trong Tiếng Anh nhưng qua Tiếng Việt nên nhẹ đi một chút. Theo tôi là vậy.

Do vậy với câu :

Jean Thompson stood in front of her fifth-grade class on that first day of school in the Fall and told the children a lie.

Cô PA đã có một câu dịch hay, dường như cũng đã làm nhẹ đi phần nào nghĩa của chữ A LIE khi dịch là :

Đứng trước đám học trò lớp 5 của mình vào buổi học đầu tiên mùa Thu năm ấy, cô Jean Thompson biết rằng thực ra mình đang nói dối.

Nhưng tôi còn muốn “ thông cảm ” với cô giáo Jean Thompson hơn nữa, với câu dịch lúc 1g sáng đêm qua như thế này :

Mùa Thu năm đó, vào ngày đầu niên học mới, khi đứng trước đám học trò lớp 5 do cô phụ trách, cô Jean Thompson đã có một lời nói không hoàn toàn thực bụng !

Vâng tôi chỉ muốn nói là cô giáo Thompson của chúng ta chỉ không hoàn toàn thực bụng với tuyên bố của mình mà thôi.

Người ta nói 50 % của sự thật không phải là sự thật, nhưng trên 90% của sự thật thì sao ? Đương nhiên đó cũng không phải là sự thật, nhưng có thể gọi là cận sự thật chăng ? Có thể đó là trường hợp của cô Jean Thompson thưa các bạn.

Mà không chỉ có một mình cô giáo Jean Thompson phải chịu nỗi “ oan khiên ” này khi cô “ tới “ Việt Nam. Phải chăng cũng nên trách nữ văn sĩ Elizabeth Silance Ballard một chút khi trong tác phẩm The Teacher của mình – cô ấy đã hạ một chữ A LIE quá khó đối với văn hóa và xã hội Việt Nam – về nghề giáo ?

Xin cám ơn cô PA. Xin cám ơn quý vị.

Nguyễn Đại Hoàng

10/3/2013

Ghi chú : Bản dịch toàn bộ có một số sửa chữa nhỏ so với bản hôm qua. Các bạn có thể xem ở trang GASPACE.COM.VN – trong ngày mai.

2 nhận xét:

  1. Tôi rất thích cách dịch của NĐH. Cám ơn sự trao đổi bổ ích này.

    Trả lờiXóa
  2. Rất cảm động khi đọc bản dịch này của Nguyễn Đại Hoàng, một bút hiệu của bạn tôi, mất liên lạc đã mấy chục năm trời.Anh ấy đã là một dịch giả ( ? ) từ những năm rất trẻ. Tôi nhớ là vào hồi đệ ngũ anh ấy đã dịch Chiếc Lá Cuối Cùng của O Henry. Được mấy bạn nữ sinh đệ nhị cấp - lớp đệ tam , đệ nhị và đệ nhất hâm mộ quá chừng.Tới chừng gặp hóa ra là một cậu bé ! Giọng văn không nhầm lẫn được. Phải anh không NĐH ơi. Mình nè. Nguyễn Minh Ơn lớp 6/11 đây.

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.