Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Edelweiss

EDELWEISS

Edelweiss, Edelweiss
Every morning you greet me
Small and white, clean and bright
You look happy to meet me
Blossoms of snow may you bloom and grow
Bloom and grow forever
Edelweiss, Edelweiss
Bless my homeland forever

Lời tiếng Việt do PA đặt (22/3/09)
Edelweiss, Edelweiss
Từng buổi bình minh em đón ta
Cười trong nắng vui chan hòa
Cuộc đời đẹp như muôn câu ca.
Trắng ngần một sắc hương vô cùng thanh khiết
Lòng nhân ái đem dâng đời
Edelweiss, Edelweiss
Ngàn đời điểm tô cho quê hương.

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

Đo lường và lãng phí thông tin - Nguồn: Lao động cuối tuần 15/3/09

(LĐCT) - Khủng hoảng kinh tế làm cho nhiều người bị thất nghiệp. Số người bị mất việc làm trong một khoảng thời gian nào đó, thí dụ trong hai tháng đầu hay trong quý một của năm 2009, là con số rất quan trọng làm cơ sở để hiệu chỉnh các chính sách của Nhà nước và cho định hướng hoạt động của các doanh nghiệp.
Đo lường chính xác các con số như vậy không đơn giản nếu không nói là không thể. Tuy nhiên, có các phương pháp thống kê để có thể ước lượng những con số như vậy. Xây dựng các hệ thống đo lường như thế một cách hiệu quả là việc rất quan trọng để tăng hiệu quả quản trị đất nước.

Tại các nước phát triển, người ta đã xây dựng được các hệ thống như thế và định kỳ họ công bố công khai các số liệu đo lường hay ước lượng như vậy. Đấy là một phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng thông tin có vai trò hết sức to lớn trong sự phát triển của mọi nền kinh tế.

Thí dụ, theo Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ, số chỗ làm việc bị mất (ngoài ngành nông nghiệp) của nước này trong tháng 2.2009 là 651 ngàn chỗ và làm cho số người thất nghiệp tăng từ 11 triệu 616 ngàn người (tháng 1.2009) lên 12 triệu 467 ngàn người (tháng 2.2009). Cơ quan này cũng công bố công khai số liệu từng tháng của nhiều năm. Các nước phát triển khác cũng vậy. Và điều quan trọng là các số liệu này rất dễ tiếp cận trên mạng.

Rất tiếc tại Việt Nam chưa có hệ thống đo lường như vậy. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không có cục thống kê, tuy có trang www.vieclamvietnam.gov.vn nhưng thực ra chỉ là trang dịch vụ việc làm có chất lượng chưa tương xứng; Tổng cục Thống kê có Vụ Thống kê Dân số và Lao động nhưng chức năng khá chung chung.

Không rõ vụ này có tiến hành điều tra, đo lường và công bố kết quả thường xuyên không. Nhiều khả năng là không vì rất khó tìm các số liệu chính thức như vậy. Còn các số liệu "dự báo" về thất nghiệp luôn đá nhau: người dự báo số thất nghiệp tăng lên trong năm 2009 là vài triệu, Bộ LĐ-TB và XH cho là khoảng 150-300 ngàn (tính theo mức giảm "chỉ tiêu" tăng trưởng GDP để suy ra số việc làm mất đi), người thì ước tính nửa triệu người...

Các số liệu "dự báo" như thế khó có thể lấy làm cơ sở cho hiệu chỉnh chính sách. Dự báo là một chuyện (về tương lai), đo lường cái thực sự đã xảy ra (trong quá khứ) là chuyện khác. Việc hoạch định chính sách nên dựa cả vào số liệu đo lường và dự báo. Việc xây dựng các hệ thống đo lường như vậy và việc công bố công khai các số liệu là một đòi hỏi rất bức bách của sự phát triển đất nước.

Trên đây mới chỉ nói đến số liệu về thất nghiệp. Còn nhiều số liệu khác mà chúng ta cần đo lường và công bố. Thực ra, từ đổi mới đến nay Tổng cục Thống kê đã có những nỗ lực vượt bậc và rất đáng trân trọng trong việc đo lường và công bố các số liệu thống kê về kinh tế và xã hội song so với các nước khác trên thế giới và trong khu vực thì còn quá sơ sài và ít ỏi.

Nước ta đang trong quá trình hội nhập và muốn hội nhập nhanh và hiệu quả thì rất nên dùng các khái niệm mà cả thế giới đều dùng và nên tránh "sáng tạo" ra những khái niệm "mới" chẳng giống ai, hay sử dụng các khái niệm thông dụng với ý nghĩa khác. Vì những việc như vậy sẽ gây hiểu nhầm, cản trở sự giao lưu và cản trở sự phát triển.

Một thí dụ điển hình là khái niệm "xã hội hóa" đã được bàn tới nhiều. Liên quan đến số liệu thống kê cách dùng "vốn đầu tư" cũng vậy. Vốn và đầu tư là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Việc trộn lẫn hai thứ trong cách dùng "vốn đầu tư" gây nhiều nhầm lẫn và rắc rối. Cách tính hệ số ICOR (hệ số cho biết cần bao nhiêu đồng đầu tư để tạo ra thêm một đồng GDP) của chúng ta cũng vậy.

Một số người đề ra 3 cách tính ICOR khác nhau và cho những kết quả rất khác nhau. Mỗi người tính một phách, gây rắc rối trong đánh giá hiệu quả đầu tư. Các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, UNDP cũng đã khuyên chúng ta dùng "ngôn ngữ thống kê" chung như vậy.

Đáng tiếc vẫn còn nhiều thứ chúng ta dùng khác với thế giới và điều đó gây khó khăn cho sự so sánh quốc tế, cho việc đánh giá thành tích phát triển của chính chúng ta, cho công việc của các nhà nghiên cứu. Đấy là một sự lãng phí lớn về thông tin.

Lại có loại thông tin chúng ta đã bỏ khá nhiều tiền và công sức ra thu thập và đo lường, song việc công bố chúng không đầy đủ hay chậm trễ làm cho việc sử dụng chúng kém hiệu quả. Tổng cục Thống kê thường xuyên tiến hành điều tra về mức sống hộ gia đình (số liệu đã qua xử lý của các năm 2002, 2004 và 2006 đã được xuất bản), trong phần lao động việc làm không sao tìm thấy số liệu về thất nghiệp.

Những số liệu về thu nhập và chi tiêu liệu có thể sử dụng để tính toán hay làm cơ sở cho các chính sách kích cầu? Tôi e là khó và nếu có thể thì có lẽ cũng đã chẳng ai dùng. Số liệu công bố là số liệu đã được xử lý, liệu có cơ chế nào để tiếp cận đến số liệu nguồn (chưa xử lý) để có thể chắt lọc ra những thông tin xác đáng làm cơ sở cho hoạch định chính sách? Những thông tin điều tra về doanh nghiệp cũng vậy.

Đấy là những thông tin rất có giá trị để hoạch định chính sách phát triển kinh tế, để cho các doanh nghiệp có thể định hướng phát triển. Sử dụng kho báu này ra sao là việc hệ trọng, nếu không được dùng một cách thích hợp chúng chỉ là dữ liệu "chết". Nếu có cơ chế thông thoáng để tiếp cận đến những thông tin đã được thu thập và đo lường này thì những dữ liệu ấy không chỉ là số liệu "chết" mà thực sự là nguồn tài nguyên rất quý giá cần được khai thác hiệu quả cho sự phát triển của đất nước.

"Cát cứ thông tin", dùng thông tin mà mình được uỷ thác cai quản để trục lợi (như ém nhẹm thông tin quy hoạch và cấp cho các nhà đầu cơ nhà đất làm giàu nhanh chóng qua chạy dự án hay "buôn" chính sách là những hiện tượng được nhiều người nhắc tới) đang là một vấn nạn cần xoá bỏ.

Các hệ thống đo lường thông tin kinh tế-xã hội, việc công bố thông tin, cơ chế tiếp cận thông tin, sử dụng hữu hiệu và tránh phung phí tài nguyên thông tin là những nhân tố quan trọng cho sự phát triển đất nước, đã được chương trình quốc gia về công nghệ thông tin đề xuất từ cả chục năm nay nhưng chưa được chú ý đúng mức. Cần khẩn trương xây dựng hạ tầng thông tin bao gồm các hệ thống đo lường, xử lý, cung cấp thông tin như vậy.

Nguyễn Quang A