Bài đã đăng trên Tập san Giáo huấn xã hội Công giáo số 23, lưu hành nội bộ.
---------
Tôi không phải là Hoàng tử bé trên hành tinh bé xíu chỉ cần xoay ghế là có thể ngắm cảnh mặt trời lặn vào bất cứ lúc nào, nên tôi không thể ngắm cảnh hoàng hôn đến bốn mươi ba lần như cậu. Nhưng tôi cũng đang nghe bài hát Trông đợi, nếu không phải là 43 lần thì cũng phải hàng chục lần rồi, mà vẫn không muốn tắt nhạc đi.
---------
TÂM TÌNH MÙA VỌNG
Hồng Vân
Trời cao nghe chăng trần gian khấn van mưa nguồn ơn cứu chuộc…
Bản thánh ca mùa vọng với tựa đề là “Trông đợi” ấy không xa lạ gì với tôi, và có lẽ với tất cả mọi người Công giáo Việt Nam. Nhưng không hiểu sao hôm nay, bài hát ấy đối với tôi bỗng trở nên đặc biệt có ý nghĩa. Vâng, giai điệu tha thiết và những lời chân thành đầy tâm tình khát khao trông chờ một đấng cứu thế tôi đã nghe và yêu thích từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ cảm thấy xúc động như lúc này. Bởi tác giả của bài hát dường như đang nói thay cho mọi người về hiện tình của đất nước.
Tương tự như tình cảnh của đất nước Do Thái tại thời điểm sắp bước vào kỷ nguyên Ki tô giáo, Việt Nam lúc này thật tang thương. Nhưng có một khác biệt lớn giữa Do Thái thời ấy và Việt Nam thời nay. Nếu đất nước Do Thái cách đây hơn hai ngàn năm đang phải rên xiết dưới dưới gót giày của ngoại bang, thì người dân Việt hôm nay đang quằn quại như người bị thòng lọng xiết cổ, mà chiếc dây thòng lọng ấy lại do chính tay mình thắt lấy.
Tôi đang nói quá chăng? Không đâu. Hãy thử điểm qua những gì đã xảy ra trong năm 2016 mà giờ đây chúng ta đang trải qua những ngày cuối cùng. Như đã trở thành một “điều đương nhiên” từ vài năm nay, ngư dân miền Trung tiếp tục bị “tàu lạ” tấn công, đâm chìm tàu ở ngoài khơi ngay tại ngư trường truyền thống, nơi nhà cầm quyền Việt Nam lâu nay vẫn không ngớt lời khẳng định là thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam”. Cá chết, môi trường biển bị hủy hoại, các nguồn nước bị ô nhiễm, rồi xả lũ ồ ạt ở miền Trung, người chết và tài sản bị cuốn sạch theo dòng nước lũ. Còn ở đồng bằng sông Cửu Long, mảnh đất màu mỡ mà thiên nhiên ban tặng, vốn là kho thóc của cả nước với những sông ngòi chằng chịt nặng phù sa và cá tôm, giờ bởi chính tay con người đã trở thành vùng đất bị nhiễm mặn và khô hạn…
Đồng nương không sương nay đã héo hắt mong bước chân người lành …
Tại các thành phố lớn, nơi tập trung mọi nguồn lực kinh tế, chính trị, khoa học giáo dục của đất nước, thì cuộc sống của người Việt Nam cũng chẳng an toàn hơn. Kẹt xe và tai nạn giao thông gây tử vong xảy ra hàng ngày như cơm bữa. Bảo mẫu đánh trẻ em, trò đánh thầy, nữ sinh tạo nhóm đánh nhau với nhưng pha ngoạn mục như trong phim hành động. Và kinh hoàng hơn nữa là những thực phẩm độc hại mà người ta thản nhiên bán cho đồng bào của mình ăn, chỉ cốt để kiếm chút lời. Ung thư đang trở thành một loại bệnh dịch giết hại người Việt hàng loạt, để nước Việt giờ đây được thế giới ưu ái ban tặng cho danh hiệu “cường quốc ung thư”.
Và còn nhiều, nhiều nữa, mà nếu tôi tiếp tục kể ra thì bài viết này sẽ vô cùng u ám đến độ có lẽ chính tôi cũng chẳng còn muốn sống nữa.
Lạy Cha khoan nhân trần gian khóc than trong bàn tay ác thần …
Lời bài hát cứ vang bên tai tôi, những lời xé nát ruột gan. Lạy Cha, đất nước chúng con đang nằm gọn trong bàn tay của thần ác, còn chúng con thì dường như hoàn toàn bất lực trước những bất công và phải đành lòng quay lưng trước cuộc sống quá cơ cực của nhiều anh em chúng con.
Lầm than cô đơn ai thấu những nỗi cay đắng thân tù đày….
Cùng với nỗi khao khát mong chờ, một nỗi buồn mênh mông tràn ngập hồn tôi. Tôi bỗng nhớ đến một mẩu đối thoại trong cuốn tiểu thuyết lừng danh của nhà văn Pháp Saint Expupery mà tôi đã được đọc từ thời tiểu học.
– Khi người ta buồn quá, người ta thích cảnh mặt trời lặn...
– Thế cái ngày bốn mươi ba lần mặt trời lặn ấy, có phải em buồn quá không?
– Thế cái ngày bốn mươi ba lần mặt trời lặn ấy, có phải em buồn quá không?
Tôi không phải là Hoàng tử bé trên hành tinh bé xíu chỉ cần xoay ghế là có thể ngắm cảnh mặt trời lặn vào bất cứ lúc nào, nên tôi không thể ngắm cảnh hoàng hôn đến bốn mươi ba lần như cậu. Nhưng tôi cũng đang nghe bài hát Trông đợi, nếu không phải là 43 lần thì cũng phải hàng chục lần rồi, mà vẫn không muốn tắt nhạc đi.
Khấn xin Chúa ủi an thoa dịu ngàn đau thương khốn khó …
Ngày đêm trông mong xin Đấng Cứu Thế mau xuống nơi phàm trần …
Như những người Do Thái tuyệt vọng của thời Cựu ước, tôi thấy mình kêu lên: “Chúa ơi, xin mau đến cứu đất nước chúng con.”
Và một lời đáp thì thầm vọng lên bên tai tôi: “Nhưng Chúa đã đến rồi.”
Ồ, quả thật thế. Cả nhân loại đều biết rằng lễ Giáng Sinh chính là dịp kỷ niệm một sự kiện cực thánh đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm. Jesus, con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, được sinh ra khó nghèo trong máng cỏ ở hang Bethlehem. Giờ đây, Người đang ở giữa chúng ta, trong những thân phận khó nghèo nhất. Chỉ là chính chúng ta không chịu mở tai ra để nghe lời dạy của Người, và mở tâm hồn ra để đón nhận Người qua những anh em nghèo khó của chúng ta mà thôi.
Ồ, quả thật thế. Cả nhân loại đều biết rằng lễ Giáng Sinh chính là dịp kỷ niệm một sự kiện cực thánh đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn năm. Jesus, con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, được sinh ra khó nghèo trong máng cỏ ở hang Bethlehem. Giờ đây, Người đang ở giữa chúng ta, trong những thân phận khó nghèo nhất. Chỉ là chính chúng ta không chịu mở tai ra để nghe lời dạy của Người, và mở tâm hồn ra để đón nhận Người qua những anh em nghèo khó của chúng ta mà thôi.
Chúa là tình yêu. Đó là một lời răn mà bất kỳ một Ki tô hữu nào cũng biết rõ. Chỉ cần chúng ta sống lời răn đó, chứ đừng biến nó thành một khẩu hiệu vô hồn như rất nhiều khẩu hiệu khác mà chúng ta vẫn được nghe, được đọc trên đất nước tang thương này. Một đất nước quá quá dư thừa hận thù, hung ác và quá thiếu tình thương.
Nếu những người có trách nhiệm có được chút tình yêu đối với đất nước, với thiên nhiên, với đồng bào của họ, hẳn họ đã chẳng thản nhiên xây dựng những công trình hủy hoại thiên nhiên, chẳng xả lũ làm chết người miễn là đúng quy trình. Nếu những nông dân, những người buôn bán nhỏ có chút tình yêu đồng loại thì chắc họ đã không bỏ mọi loại hóa chất độc hại vào rau cỏ, trái cây, thực phẩm để bán kiếm chút lời, bất chấp những nguy hại đến sức khỏe và tính mạng của người khác. Nếu các cô bảo mẫu, các em nữ sinh được vun đắp một tâm hồn đầy lòng yêu thương, thì chắc chắn những cử chỉ hung ác - những lời quát mắng, những cái bạt tai, những trò nắm tóc, lột quần áo để chụp hình quay clip kia sẽ được thay thế bằng những lời nói ngọt ngào, những nụ cười thân thiện, những cái ôm chặt và những nụ hôn nồng ấm – dấu hiệu của con người biết yêu thương.
Và trên hết, nếu tất cả chúng con, những người tự nhận là con cái của Chúa, biết sống trong tình yêu của Chúa và làm lan tỏa tình yêu ấy đến mọi người, thì chúng con vẫn có quyền hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước.
Mùa hân hoan khắp nơi, công bình chân lý soi tỏa đầy …
Vâng lạy Chúa, xin đến với chúng con.
Yêu thương, lòng con chờ mong xin Chúa xuống …
https://www.youtube.com/watch? v=JXoe7__hafw