Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Nghĩ vụn về Cải cách ruộng đất ở miền Bắc và Cải cách điền địa ở miền Nam

Mấy ngày nay tôi cứ loay hoay đọc về cải cách ruộng đất ở miền Bắc và cải cách điền địa ở miền Nam (cũng là cải cách ruộng đất, nhưng phải đặt tên khác để khỏi nhầm lẫn, chắc thế). Tôi muốn trả lời một thắc mắc, tại sao cũng cùng mục đích chia ruộng đất cho nông dân, mà hai miền lại làm quá khác nhau. Một bên thì "long trời lở đất", sắt máu, tử khí ngút trời; bên kia thì êm ả, nhân văn, lại còn có cả sự "biết ơn tinh thần hy sinh của các điền chủ" nữa (à, miền Bắc gọi là địa chủ nhưng miền Nam gọi là điền chủ, và theo tôi đây là một sự khác biệt rất có ý nghĩa các bạn nhé).

Tất nhiên tôi không tìm hiểu để tiếp tục hận thù, như một bạn phóng viên trẻ nào đó đã lên lớp mọi người với bài viết có tựa là "Lịch sử không phải để thù hận". Mà tôi muốn hiểu, vì tại sao cùng một mục đích, cùng là người Việt, cùng một nền văn hóa, cùng là máu mủ ruột rà, mà hai bên lại khác nhau đến như vậy? Đến nỗi hận thù còn hằn sau trong tâm khảm người Việt tận bây giờ, dù tôi tin chắc chắn rằng chẳng ai muốn thế. Người ta cần quên đi, để người ta có thể sống tử tế. Vì không ai có thể sống an lành với một vết thương sâu hoắm và nhức nhối ở trong lòng.

Để trả lời, tôi đã đọc, đọc và đọc. Tôi tìm đọc các văn bản pháp lý do chính Đảng, Quốc hội và Chính phủ thời ấy đưa ra để khách quan, chứ không dám đọc những ký ức rùng rợn và chất chứa căm hờn. Bởi tôi cũng đã biết khá rõ về CCRĐ rồi, qua các tác phẩm văn học, các hồi ký, qua cuốn phim Cải cách ruộng đất thời VNCH mà tôi đã xem một phần ngắn rồi bỏ dở, chính vì sự tàn ác của nó - vì tôi đâu muốn căm thù?

Tôi cũng đã từng được nghe về CCRĐ qua lời kể trực tiếp của một nạn nhân là bác họ của tôi, một người phụ nữ nông dân bị kẹt lại ở Nam Định sau khi bác trai đưa được mấy đưa con vào Hải Phòng để di cư vào Nam nhưng không kịp quay lại để đón bác. Hai bên chờ đợi nhau mấy chục năm, không ai tái giá vì họ là những người Công giáo, không thể lấy vợ, lấy chồng khác khi người phối ngẫu của mình chưa qua đời. Sau năm 75, bác trai tìm đường về quê đưa bác gái vào Nam, và cứ mỗi lần gặp họ hàng thì một trong những câu chuyện mà bác kể lại cho mọi người lại là câu chuyện thời cải cách ruộng đất.

Rùng rợn lắm, tàn ác lắm, đau lòng lắm, nhưng ... tôi đã nghe chán lắm rồi.

Tôi không muốn đào sâu vào vết thương ấy nữa. Hãy để ngày ấy lụi tàn, hãy tha thứ, và hãy quên. Khổ nỗi, tha thứ thì tôi có thể (vì thực ra tôi cũng không phải là nạn nhân trực tiếp), nhưng quên thì không. Bởi tôi vẫn cứ giữ trong đầu nỗi thắc mắc không thể giải tỏa: Tại sao, tại sao, tại sao?

Thắc mắc ấy tôi đã nêu ở đầu của status này: Tại sao cùng một dân tộc, cùng một nền văn hóa, cùng một mục tiêu là cải cách ruộng đất, đem lại sự công bằng trong sở hữu, tạo điều kiện cho người nông dân làm chủ mảnh ruộng của mình, mà hai miền khác quá xa nhau về sự tàn ác như vậy?

Và chợt phát hiện ra một chân lý: Thực ra, mục tiêu của hai miền không hề giống nhau. Đối với miền Nam, mục tiêu của cải cách điền địa đúng là để chia ruộng đất cho nông dân, từ đó khuyến khích sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập, phát triển kinh tế, đảm bảo quyền tư hữu cho tất cả mọi người chứ không phải là một thiểu số ít ỏi các điền chủ như thời phong kiến, thực dân. Vì vậy, họ đã chọn cách làm êm ả nhất, và không hề lên án những người đã tích lũy được của cải ruộng đất trong chế độ trước đó, mà chỉ đưa ra những luật lệ nhằm hạn chế bớt tác hại của sự phân phối đất đai không đều (hạn mức sở hữu ruộng). Nói ngắn gọn: Họ tôn trọng quyền tư hữu, và tôn trọng những người có tài sản vì nó là dấu hiệu hữu hình của tài năng làm ra tài sản, miễn là không vi phạm luật pháp. Nhà nước chỉ can thiệp khi quyền tư hữu ấy gây tác hại cho xã hội (eg, bất công hoặc độc quyền) mà thôi.
 
Ngược lại, mục tiêu của miền Bắc trước sau vẫn là "tiêu diệt" giai cấp địa chủ "bóc lột", tạo sự căm thù với giai cấp mà họ cần lật đổ, để đưa giai cấp công nông (ở nông thôn là các bần cố nông) lên thành giai cấp lãnh đạo theo đúng lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản. Vì vậy, việc đấu tố, sỉ nhục trước khi xử tử bằng những biện pháp bạo tàn gần như là đương nhiên, vì nó là phương tiện để đạt được mục tiêu "tiêu diệt" giai cấp. Nó để lại một dấu ấn đời đời không phai nhạt trong lòng người dân; con cháu của giai cấp địa chủ/tư sản "bóc lột" đời đời sẽ không bao giờ dám "ngóc đầu" lên nữa dù có nhìn thấy cơ hội nào đó. (Những từ tôi dùng trong ngoặc kép là trích trong các văn bản của Đảng, QH, và Chính phủ miền Bắc thời CCRĐ, không phải là từ của tôi.)

Về căn bản, không chỉ tài sản, đất đai và quyền tư hữu, mà cả nền tảng văn hóa, đạo đức cho sự tồn tại của giai cấp địa chủ/tư sản, những người có của cải mà không do Đảng CS trao cho, đã hoàn toàn bị tiêu diệt đến tận gốc rễ, không còn có cơ hội nào để phục hồi lại nữa. Đó cũng là một "châm ngôn" của Đảng CS do TBT Trần Phú đã đưa ra: "Trí phú địa hào - đào tận gốc, trốc tận rễ." Để ngày nay trong xã hội VN, những ai có tài sản to lớn nhất chỉ có thể là những người có chân trong bộ máy chính quyền đã được thiết lập ra từ ngày ấy đến giờ mà thôi. Chỉ có họ mới là không phải giai cấp bóc lột và vì thế, chỉ có công, không có tội, dù vẫn sở hữu những tài sản lớn.

Nếu ai không tin, hãy đọc các văn bản do Đảng, Quốc hội và Chính phủ thời ấy viết ra. Ví dụ, tài liệu về việc sửa chữa sai lầm của CCRĐ năm 1956 do Thủ tướng PVĐ đã ký. Các bạn hãy đọc và suy nghĩ.
http://thuvienphapluat.vn/archive/Van-ban-khac/Ke-hoach-sua-chua-sai-lam-cai-cach-ruong-dat-vb53946t33.aspx

5 nhận xét:

  1. 1/ Bà chủ lẩy câu này hay quá " Hãy để ngày ấy lụi tàn"/ (Let the day perish của Gerald Gordon)... "Hãy để nó lụi tàn" hàm ý khổng để nó tái diễn, hãy để bọn thủ ác phải lụi tàn, chứ không phải để hậu thế quên đi, phải không ạ?
    2/ Bàn thêm về câu này: "miền Bắc gọi là địa chủ nhưng miền Nam gọi là điền chủ, và đây là một sự khác biệt rất có ý nghĩa". Vấn đề danh từ Hán Việt vốn dĩ có khác nhau chút ít ở hai miền."địa chủ"/ chủ đất và "điển chủ"/ chủ ruộng cơ bản là chung ý nghĩa thôi. Nhưng miền Bắc hồi ấy cố ý dùng tiếng Nôm là "ruộng đất" cho phổ thông với người binh dân không có chữ....
    3/ Về "một bạn phóng viên trẻ nào đó đã lên lớp mọi người với bài viết có tựa là "Lịch sử không phải để thù hận" thì rõ ràng là ngu ngơ ấu trĩ chủ quan (có thể phóng viên không trẻ lắm đâu), còn cố ní nuận, còn hơn cái anh giám đốc bảo tàng lịch sử quốc gia nói ú ớ " Không cần thiết phải trình bày sai lầm...", trả lời người khác hắn ta lại chống chế " phạm vi phòng ốc chật hẹp không thể trưng bày hết được".
    4/ Đợt này mình tâm đắc nhất là bật ra sự so sánh mục đích yêu cầu của CC điền địa và CCRĐ khác nhau như trời cao với vực sâu ! Một đằng là SAN SẺ, đằng kia là TIÊU DIỆT, ĐÁNH ĐỔ

    5/ Mấy bữa nay mình đang ấp ủ một tiểu luận thử lý giải sự giàu có dần dần của địa chủ miền Bắc và sự giàu nhanh như cướp của tân địa chủ cộng sản ngày nay...đề tài rất thú vị nhưng khó, chưa biết lúc nào thì hoàn công

    Trả lờiXóa
  2. Điền chủ là chủ ruộng, nói chung là đất canh tác, còn địa chủ là chủ đất, bao gồm cả đất xây nhà, đất vườn, đồn điền, tất tần tật. Như vậy đánh đổ giai cấp địa chủ tức là tiêu diệt những người giàu có, chưa cần biết vì lý do gì. Khác chứ anh giangnamlangtu ơi!

    Trả lờiXóa
  3. thực tế là ở miền Bắc nói chung chỉ tước đoạt ruộng rẫy (thổ canh) chứ không cướp đất ở (thổ cư).

    "Địa chủ" đương nhiên cũng là "điền chủ" (không thể có địa chủ mà không có ruộng-. Vì ruộng là đặc trưng cơ bản nhất của địa chủ)

    Đồ đạc trong nhà địa chủ bị đem chia nhỏ ra hết cho các nhà cố nông..

    Trả lờiXóa
  4. Không phải thế này: "đánh đổ giai cấp địa chủ tức là tiêu diệt những người giàu có".
    Chưa kể người giàu thành thị (tư sản) lúc ấy chưa đánh ngay, họ có nhiều nhà phố, cửa hàng cửa hiệu, xưởng máy, tàu xe... nói chung tài sản ngoài ruộng đất.

    Trả lờiXóa
  5. Chiếm đất của tư nhân làm thành ra đất của nhà nước là mục tiếu về lâu về dài, đúng hơn là không cần lúc đó (lấy đất để làm cái gì, bán cho ai lúc đó? Sau này mới có chuyện bán cho tư bản Sing, Hàn, Đài Loan... nhất là cho TQ)... Mục đích thật sự của CCRĐ luc đó là tiêu diệt giới "tiểu tư sản trí thức", vì ở VN, gia đình nào có đủ ăn là bắt đầu cho con đi học càng nhiều càng tốt do đó gia đình "địa chủ" đồng nghĩa với "tiểu tư sản trí thức" (thời đó có tiếng lóng là "tạch-tạch-xè") tức là thành phần có tiềm năng tranh dành quyền lực với "Đảng"...

    Trả lờiXóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.