Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Người Việt Nam, dùng hàng gì?



"Người VN, dùng hàng VN" là một slogan (khẩu hiệu) mà hầu hết mọi người VN đều quen nghe, và chấp nhận như một chân lý. Tất nhiên, trong đó có tôi.

Nhưng hóa ra, "chân lý" không phải lúc nào cũng đúng. Ý tôi muốn nói là, những gì được (một số người) xem là chân lý ở lúc này, chỗ này, thì không phải sẽ luôn luôn đúng ở chỗ khác, lúc khác.

Điều này có lẽ không có gì là khó hiểu đối với mọi người (trong đó, tất nhiên có tôi, vâng đúng thế). Nhưng thường khi chúng ta lại chẳng nhớ đến, cho đến khi có một sự cố nào đó nhắc cho chúng ta nhớ lại điều ấy.

"Sự cố nào đó" vừa xảy ra với tôi hôm qua. Nó liên quan đến chiếc điện thoại Bphone của anh chàng tác giả phần mềm BKAV Nguyễn Tử Quảng, một người đã quá nổi tiếng ở VN nên tôi chắc chắn là không cần giới thiệu thêm. Cũng vậy, về chiếc điện thoại Bphone của anh ta, mà báo chí lề phải lề trái, mạng xã hội các kiểu vv đang bàn tán xôn xao cả tuần nay. Nghe nói, nó còn lên cả truyền thông nước ngoài nữa.

Và tất nhiên, nó cũng chui vào các cuộc trao đổi trong các gia đình, giữa bạn bè, người thân vv. Và chui vào cả các cơ quan nữa. Ví dụ, nó đã chui vào trong cơ quan của tôi hôm qua, trong bữa ăn trưa.

Mẩu chuyện ấy tôi đã đăng lên trên fb, nay chỉ chép lại thôi. Nguyên văn như sau:
-------------
Hôm qua, tại cơ quan của tôi, mọi người nhắc đến cái điện thoại Bphone  này. Một bạn bảo: "Sẽ để dành tiền mua điện thoại này, để ủng hộ hàng VN."

Đa số hồ hởi đồng ý. Thì, người Việt Nam nào chẳng yêu nước. Và "yêu" đối với đa số người VN thì đồng nghĩa với "bênh", với "bỏ qua những khiếm khuyết", với "chấp nhận toàn bộ" vv và vv. Ai cũng bảo, sẽ mua để ủng hộ, dù giá của điện thoại này không mềm một chút nào. Và cũng chưa biết nó có tốt hay không....

Bỗng nhiên có một bạn trẻ hỏi: "Nếu vừa đắt vừa không biết có tốt không thì tại sao lại phải mua?"
Câu hỏi làm mọi người ớ ra. Rồi cô bạn đã khởi xướng vụ ủng hộ Bphone trả lời: "Thì, người VN dùng hàng VN mà."

Và bạn trẻ kia lắc đầu, nhún vai: "Tại sao lại phải như vậy? Tại sao không là: Người VN dùng hàng tốt?"
Cuộc đối thoại dừng ở đó. Tôi chẳng rõ mọi người nghĩ gì.

Có lẽ mọi người nghĩ: "Ừ nhỉ?"
---------------
Vâng, nguyên văn câu chuyện mà tôi đã kể lại trên fb của tôi là như thế. Còn bạn, bạn nghĩ gì?

Tôi thì đang nghĩ: Ở nước ngoài (tôi muốn nói các nước tiên tiến), một trong những chiến lược dạy học mà người ta áp dụng ngay từ tiểu học, là khuyến khích trẻ em lật ngược lại mọi vấn đề, và hỏi: Tại sao? Bất cứ điều gì mà ta tin là đúng không cần chứng minh đều bị lật ngược lại và buộc người có niềm tin ấy phải chứng minh.

Nếu chứng minh được, thì đó là một niềm tin có căn cứ, có cơ sở, có lập luận, và sẽ được tiếp tục củng cố. Hoặc nếu không chứng minh được, thì người có niềm tin ấy phải xem lại niềm tin của mình, hiểu rằng niềm tin ấy chỉ là "tin theo" người khác chứ chưa phải là niềm tin của riêng mình. Và càng tìm hiểu, thì niềm tin càng được củng cố nếu nó có cơ sở, hoặc sẽ bị gạt bỏ khi thấy nó là một niềm tin vô căn cứ.

Có phải vì như thế mà nền giáo dục của họ, và con người của họ, tốt hơn chúng ta hay không?

(Đó chỉ là một câu hỏi, chưa phải là niềm tin của tôi đâu, các bạn nhé. Nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu!)

----------
Có một bạn đọc nhận xét: Chưa thể trả lời câu hỏi của tác giả vì chưa biết tác giả nói "tốt" ở đây có nghĩa là gì. Vậy xin được trả lời như sau:

- Một hệ thống tốt là một hệ thống có cơ chế tự sửa sai, để loại dần những điều bất hợp lý sẵn có trong hệ thống, hoặc những điều mới phát sinh mà hệ thống ban đầu chưa lường trước được. Ví dụ, chủ nghĩa tư bản là một cơ chế tự sửa sai, vì nó đã từng có lúc đáng lên án khi nó dựa trên quy luật cạnh tranh mạnh được yếu thua, nhưng đã dần dần hoàn thiện cho đến ngày nay.

- Một con người tốt cũng là một con người biết tự nhận ra những điều chưa hoàn thiện ở bản thân mình hoặc ở hệ thống mà mình là một phần, và tìm cách hoàn thiện dần bằng cách học hỏi từ những người khác. Có như vậy thì con người mới có thể tiến bộ. Thực tế cho thấy, người VN khi sinh sống ở nước ngoài đa số đều có thể phát triển các tiềm năng của họ cao hơn nhiều so với chính họ nếu họ phải sinh sống ở trong nước.

Người ta hay nói rằng người VN thiếu tư duy phê phán. Tôi muốn nói thêm, người Việt không hề thiếu tư duy phê phán. Chỉ có điều, họ chỉ áp dụng cái tư duy phê phán ấy cho người khác, mà quên rằng đối tượng của sự phê phán ấy trước hết phải là chính họ. Và đó là nguồn gốc của rất nhiều vấn đề tại VN, đôi khi dường như không thể có cách giải quyết - that is, nếu người VN không chịu thay đổi những thói quen và tính cách của mình.

Không hiểu tôi viết thêm như vậy đã rõ chưa nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.