Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Để mùa xuân của mỗi người mãi mãi còn rộn tiếng chim


Bài đã đăng trên Tập san Công lý và Hòa bình (Lưu hành nội bộ) số Xuân
------------------
Nhận được lời mời từ Tập san Công lý và Hòa bình để viết cho số báo Xuân, tôi đồng ý ngay vì đối với tôi đó là một vinh dự. Nhưng giờ đây, ngồi chết trân trước màn hình máy tính tôi mới lờ mờ nhận ra rằng có lẽ mình đang làm một điều quá sức. Hai chủ đề được đưa ra lần này là mùa xuân và môi trường. Nhưng môi trường là một chủ đề mà tôi rất ít quan tâm và vì vậy hoàn toàn mù tịt. Chủ đề mùa Xuân thì dễ viết hơn, vì chỉ cần có hứng. Thôi được, tôi sẽ viết về mùa xuân, và nếu được thì sẽ cố gắng lồng chủ đề môi trường vào đấy.

Mùa xuân, mùa xuân. Viết về mùa xuân, tôi cần cảm hứng. Nhưng tìm cảm hứng ở đâu ra, khi nhìn xung quanh tôi chỉ thấy u buồn. Kinh tế ngày càng khó khăn, xã hội ngày càng hỗn loạn, giáo dục thì rối bời, đạo đức thì xuống cấp, còn môi trường thiên nhiên thì  ngày càng bị phá hoại. Mới hôm nào, dư luận xôn xao lên tiếng kêu gọi dừng dự án cáp treo Sơn Đoòng thuộc tỉnh Quảng Bình để bảo vệ di sản thiên nhiên  (http://danviet.vn/event/xay-cap-treo-vao-son-doong-de-doa-tan-pha-di-san-the-gioi-1034.html) còn chưa biết kết quả ra sao, nay lại thấy báo chí kêu cứu rừng ở Kon Tum bị tàn phá công khai (http://tainguyenmoitruong.com.vn/kon-tum-rung-bi-tan-pha-cong-khai.html), rồi thì đảo Hòn Tre - điểm du lịch sinh thái biển của Kiên Giang - nhếch nhác vì rác thải (http://www.tinmoitruong.vn/xa-hoi/dao-hon-tre---kien-giang-nhech-nhac-vi-rac-thai_46_40577_1.html).

Nhưng có lẽ không nên nói về những điều u ám này, vì mùa xuân đang đến. Hãy nói về những điều tươi vui, đẹp đẽ. Hoa xinh, bướm đẹp của vườn xuân. Rừng núi chập chùng, cảnh quan hùng vĩ. Viết thế nào đây? Tôi quay về với chiêu thức quen thuộc của mình mỗi khi viết bài mà thiếu ý tưởng, đó là: dùng google search bằng tiếng Anh về chính chủ đề mình muốn viết để đọc lấy ý. Vậy thì đây:  Spring and the environment.

Thực ra, tôi chỉ gõ hú họa thôi, vì quả tình tôi chưa bao giờ nhìn thấy cụm từ với hai chủ đề này được ghép đôi như vậy bao giờ cả. Nhưng may mắn thay, vừa gõ xong cụm từ tìm kiếm thì tôi nhận được ngay cụm từ gợi ý khác: Silent spring and the environmental movement. "Mùa Xuân lặng im và phong trào (bảo vệ) môi trường" sao? Lạ quá. Lần theo đường dẫn đầu tiên và đi sâu vào bên trong để đọc, tôi hết sức bất ngờ vì sự may mắn của mình. Silent Spring hóa ra là tên một cuốn sách về môi trường rất nổi tiếng ở Mỹ, được viết từ năm 1962, cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Một cuốn sách đã từng làm rúng động cả nước Mỹ, nằm trong danh sách những cuốn sách best-sellers tại Mỹ trong một thời gian dài, có sức mạnh làm thay đổi cả chính sách của liên bang lúc bấy giờ, và đến nay vẫn thường xuyên được nhắc đến như cột mốc đầu tiên trong phong trào bảo vệ môi trường tại Mỹ.

Với một giọng văn hết sức nên thơ và lôi cuốn, Rachel Carson, tác giả của cuốn sách, đã vẽ lên một viễn cảnh tương lai ảm đạm của đất nước xinh đẹp ngay từ tên gọi này. "Ngày càng có nhiều vùng rộng lớn trên nước Mỹ, mùa Xuân đến mà chẳng có tiếng chim rộn ràng báo hiệu, và những sớm mai cũng lặng lẽ một cách lạ lùng ở những nơi mà trước đây ngập tràn tiếng hót vui nhộn của các loài chim. Sự vụt tắt của những tiếng chim, sự xóa nhòa các sắc màu và vẻ đẹp cùng sự kỳ thú mà chúng đem lại cho thế giới này đã xảy ra một cách nhưng nhanh chóng nhưng âm thầm và không hề được cộng đồng để tâm đến." Chương 8 của cuốn sách với tựa đề "Và những loài chim thôi hót" đã bắt đầu bằng những dòng ảm đạm  về mùa Xuân như vậy.

Chuyện gì đã xảy ra? Qua lời kể của một nhân chứng, "Làng chúng tôi có rất nhiều cây du (elm tree) được xịt thuốc diệt côn trùng trong nhiều năm qua. Khi tôi mới đến cách đây 6 năm, nơi đây có rất nhiều chim chóc các loại: mào đỏ, sơn tước, gõ kiến, chim trèo có mặt suốt mùa đông, và vào mùa hè thì chim mào đỏ và sơn tước bận rộn đẻ con ấp trứng. Sau nhiều năm xịt thuốc DDT, giờ đây loài chim cổ đỏ và chim sáo đá hầu như đã biến mất; hai năm nay sơn tước không còn xuất hiện, và năm nay thì chim mào đỏ cũng không còn thấy nữa."

Vâng, bạn đã đoán đúng rồi, và tôi xin được tóm tắt thật nhanh. Cuốn sách với độ dài 155 A4 trang của của Rachel Carson viết về những tác hại đối với môi trường của việc sử dụng bừa bãi thuốc diệt côn trùng, lúc ấy là chất DDT mà sau này đã bị cấm. Giữa lúc chất DDT đang được ca ngợi như một loài thuốc diệt côn trùng thần kỳ và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty hóa chất ở Hoa Kỳ, một phụ nữ nhỏ bé với căn bệnh ung thư bước vào giai đoạn cuối cùng đã dũng cảm và lặng lẽ cho ra đời một cuốn sách có sức công phá hơn ngàn tấn bom. Ngòi bút sắc sảo của bà đã cặn kẽ phân tích ảnh hưởng dây chuyền của hành động vô trách nhiệm của con người đối với thiên nhiên, chỉ để phục vụ những lợi ích riêng tư và ngắn hạn của mình. Đúng, côn trùng có thể phá hoại mùa màng, gây thiệt hại đến các nông dân, vậy côn trùng cần phải được diệt. Nông dân cần thuốc diệt côn trùng, vậy các hóa chất có thể diệt côn trùng cần phải được làm thành những sản phẩm thương mại. Và các thương phẩm một khi đã được sản xuất thì cần được đưa ra thị trường để lấy lại vốn cho những nhà sản xuất, vậy báo chí, truyền thông cần phải cổ động cho các loại thuốc diệt côn trùng thương phẩm ấy. Tất cả đều rất bình thường và dường như đang phục vụ sự tiến bộ của loài người. Nhưng đó chỉ mới là một mặt của vấn đề.

Mặt còn lại, tối đen và âm thầm nhưng nhanh chóng lan rộng như một loại ung thư, là những tác hại ngấm ngầm và ngày càng được nhân lên với vòng quay ngày càng ngắn. Một khi những giọt thuốc trừ sâu độc hại đã được phun lên cây thì chúng không chỉ diệt côn trùng mà còn bắt đầu xâm phạm vào vòng thực phẩm (food chain) đang yên ổn và đe dọa cuộc sống của chim chóc trên không, cá tôm dưới nước và có thể gây hại đến sức khỏe của trẻ con. Những điều chẳng hề mới mẻ đối với trình độ khoa học của cách đây hơn 50 năm, nhưng phải chờ đến sự dũng cảm nói lên sự thật của một người phụ nữ nhỏ bé và bệnh tật, một nhà khoa học công dân (citizen-scientist) theo cách gọi của tờ New York Times trong bài viết kỷ niệm 50 năm ra đời cuốn Silent Spring, thì mọi người mới bắt đầu thức tỉnh.

Như số phận của tất cả những người đầu tiên dám nói lên sự thật tối đen và đụng chạm đến những nhóm lợi ích đầy uy quyền, Rachel Carson cũng đã phải trả giá. Các công ty hóa chất lồng lộn lên phản ứng, cáo buộc bà là lo sợ vô căn cứ, và thậm chí là dối trá. Người ta tấn công vào cả đời tư của bà, đặt vấn đề về động cơ viết sách và cả về sức khỏe tâm thần của bà, vào việc bà không lập gia đình ngầm ám chỉ những bất thường về tâm lý của một người phụ nữ lớn tuổi không gia đình, và thậm chí cho rằng bà có thể bị bệnh thần kinh. Trước những tấn công độc ác ấy, Carson đã phải giấu đi tình trạng sức khỏe lúc ấy đã suy giảm rất nhiều của mình, để xuất hiện trong các phiên điều trần trước Hội đồng tư vấn khoa học của chính phủ và giải trình những điều mình đã viết. Rất may mắn là bà đã vượt qua được sự tấn công ác liệt của các công ty hóa chất, để cuối cùng chất DDT độc hại đã bị cấm sử dụng trên nước Mỹ. Bà đã chiến thắng cuộc chiến đấu để bảo vệ môi trường, để rồi thua trong cuộc chiến của riêng mình - cuộc chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư quái ác. Bà mất vào năm 1964, chỉ 2 năm sau khi cuốn sách "bom tấn" của bà được xuất bản.

Đọc Silent Spring của Rachel Carson lần đầu tiên đúng vào dịp Xuân về, tôi bàng hoàng. Những lời tiên tri của bà cách đây hơn năm 50 giờ đang xảy ra gần như đúng từng lời tại Việt Nam. Môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp của Việt Nam ngày càng bị phá hủy. "Truyền thuyết về ngày mai" - chương đầu tiên trong cuốn Silent Spring đưa ra một viễn ảnh giả tưởng về tương lai của nước Mỹ - dường như đang trở thành sự thật hàng ngày ở khắp nơi trên đất nước hình cong chữ S này.

"Ngày xửa ngày xưa giữa lòng nước Mỹ [xin đọc là nước Việt] có một thị trấn nhỏ nơi mọi sinh vật đều sống hài hòa với môi trường xung quanh. Thị trấn nằm giữa những cánh đồng vuông vức và xanh tươi trù phú, lúa trĩu bông và trái trĩu cành, nơi mỗi khi xuân về ngàn hoa lại nở rộ tưng bừng chào đón. [...] Vùng quê ấy nổi tiếng với các loài chim chóc lạ lùng kỳ thú, [...] với những dòng suối trong đầy tôm cá [ ...]. Rồi mọi vật bỗng lụi tàn một cách lạ kỳ và mọi vật đều thay đổi. Một lời nguyền ác độc đã buông xuống trên đầu những người dân trong cộng đồng này: gà vịt tự nhiên bị bệnh dịch chết hàng đàn; trâu bò mắc những chứng bệnh lạ lùng và lăn ra chết. Bóng tối của tử thần phủ xuống khắp nơi."

Không không, tôi không muốn, và chắc chắn là chẳng ai muốn, nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng này. Mùa xuân mà Thiên Chúa đã ban cho con người vốn tuyệt đẹp .... "Mưa xuân cho cây tốt tươi búp chen lá trên cành. Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió, bướm tung cánh bay vờn ....", bài dân ca Xá nổi tiếng mở đầu bằng những câu như vậy. Nhưng hãy nhìn xem chúng ta đang gìn giữ món quà mà Tạo hóa đã dành cho nhân loại như thế nào? Hàng ngày đọc tin tức về các di sản thiên nhiên bị tàn phá, chứng kiến những hàng cây cổ thụ bị đốn hạ, tận mắt nhìn những dòng sông chết vì hóa chất độc hại, chúng ta có được chút nào tinh thần của Rachel Carson, có bao giờ hành động hoặc lên tiếng, hay chỉ biết để mặc chờ đến ngày mùa xuân bỗng ngưng bặt tiếng chim muông?

Xin được khép bài viết về mùa xuân và môi trường của tôi bằng những lời của Đức (nguyên) Giáo hoàng Biển Đức XVI  năm 2009, lời nhắc nhở cho chính tôi và cho tất cả mỗi người Công giáo chúng ta, về trách nhiệm của con người đối với môi trường: "Ngày nay món quà tuyệt vời của sự sáng tạo của Thiên Chúa đang đứng trước những mối nguy hiểm nghiêm trọng và những lối sống có thể phá hủy nó. Ô nhiễm môi trường đang làm ảnh hưởng đặc biệt xấu đến cuộc sống của người nghèo trên thế giới .... Chúng ta phải tự hứa với chính mình rằng sẽ chăm sóc thế giới này và chia sẻ các tài nguyên của thiên nhiên trong tinh thần liên đới. " - Đức Giáo Hoàng Benedict XVI (2009) http://www.catholicsandclimatechange.org/ coalition_activities / covenant.html

Để mùa xuân của mỗi người mãi mãi còn rộn tiếng chim.

2 nhận xét:

  1. Bô xít là một ví dụ mà công luận lên tiếng. Với mác "thuốc bảo vệ thực vật", người ta quên tên mà người miền Nam trước đây hay gọi "thuốc trừ sâu"...
    Và câu chuyện "môi trường" giờ thêm sắc xuân từ các diễn đàn xã hội dân sự, từ tạp san Công lý và Hòa bình mà cô giáo đã viết...
    Cảm ơn cô. Kính chúc cô sức khỏe!
    Một người bạn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn là một từ có ý nghĩa quan trọng và tôi thường dùng nó một cách thận trọng, nhưng với tôi, bạn CMT là một người bạn đúng nghĩa. Cám ơn bạn Cao Minh Tam nhiều nhé.

      Xóa

Đây là blog cá nhân, mong các bạn chỉ đưa những nhận xét ôn hoà, không cực đoan, không kích động hận thù, và tôn trọng sự khác biệt, để không gây rắc rối, bất lợi cho chủ blog.